Hải Phòng là thành phố cảng biển và là một trong rất ít địa phương có đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia hội tụ đủ 5 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa và đường biển).
Do đó, giao thông vận tải luôn là ưu thế vượt trội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giao thương trong nước và quốc tế phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và quốc gia.
Ưu thế vượt trội
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông Hải Phòng có bước phát triển đột phá tạo ra mạng lưới giao thông khá hoàn thiện, tiến tới đồng bộ, hiện đại và văn minh.
Nhiều công trình đường bộ tiêu biểu đã liên tục được hoàn thành, đưa vào khai thác như đường ôtô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đường cao tốc Hải Phòng-Hạ Long; mở rộng Quốc lộ 10 đoạn qua Hải Phòng; cầu đường Tân Vũ Lạch Huyện; đường trục Bắc Sơn-Nam Hải; cầu Hoàng Văn Thụ; nút giao khác mức Nam Cầu Bính và các tuyến đường kết nối trong các khu công nghiệp.
Đồng thời, thành phố cũng đầu tư hàng loạt các cây cầu kết nối với các địa phương, các vùng ngoại thành với nội đô, tạo điều kiện thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, chống ùn tắc giao thông và đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của nhân dân.
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Thọ chia sẻ, một minh chứng điển hình là số lượng cây cầu được đầu tư xây dựng trong thời gian vừa qua tăng rất lớn.
Trước năm 2015, toàn thành phố mới chỉ có 38 cây cầu với tổng chiều dài gần 11km, nhưng từ năm 2016 đến nay, đã đầu tư và đưa vào khai thác thêm 34 cầu với chiều dài xấp xỉ 18km và đang xây dựng tiếp 12 cầu với chiều dài hơn 5km.
Về hệ thống cảng biển, thành phố hoàn thành 2 bến khởi động cảng container Quốc tế tại Lạch Huyện, đã đón tàu có tải trọng 132.000 tấn đến 160.000 tấn. Tàu biển từ Hải Phòng giờ đây không chỉ giới hạn đến châu Á, châu Phi mà còn vươn thẳng tới châu Âu và bờ Tây nước Mỹ.
Về hàng không, sân bay Cát Bi được đầu tư xây dựng, nâng cấp thành Cảng Hàng không quốc tế cấp 4E, đảm bảo khai thác được máy bay Boeing 747; hiện đang khai thác 12 đường bay, gồm 3 đường bay quốc tế, 9 đường bay nội địa, với 5 hãng hàng không tham gia hoạt động.
[Hải Phòng: Khởi động dự án đô thị du lịch lớn ở đảo Cát Bà]
Các công trình giao thông được đầu tư xây dựng trong thời gian vừa qua với nguồn lực rất lớn được huy động từ các ngồn vốn khác nhau, của Trung ương, thành phố và các doanh nghiệp.
Tính từ năm 2016 đến nay, Hải Phòng đã huy động đầu tư gần 60.000 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với giai đoạn 2010-2015 (giai đoạn 2010-2015 là trên 33.000 tỷ đồng).
Theo ông Đỗ Quang Hưng, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất kiêm người đồng đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ, với vị trí là thành phố có cảng biển quốc tế lớn nhất miền Bắc và những ưu thế vượt trội về hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics, Hải Phòng đứng trước cơ hội rất lớn để thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư, Tập đoàn lớn.
Các dự án công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng cao hiện nay thường rất quan tâm đến yếu tố môi trường sản xuất xanh, hiện đại khi lựa chọn địa điểm đầu tư. Vì thế để thu hút được dòng vốn FDI thế hệ mới, Khu công nghiệp Đình Vũ, Khu công nghiệp Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng và các Khu công nghiệp, Khu kinh tế khác của Hải Phòng cũng phải chuyển mình để trở thành một khu công nghiệp thế hệ mới, khu công nghiệp sinh thái với mô hình quản lý và sản xuất thông minh...
Ông Nguyễn Văn Kính, phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng bày tỏ ngạc nhiên trước sự đổi thay thần tốc của thành phố này. Khu vực trung tâm thành phố đã hình thành nhiều khu đô thị mới, hiện đại phù hợp với bản sắc kiến trúc đô thị Hải Phòng.
Dải trung tâm thành phố, sông Tam Bạc đã được mở rộng, chỉnh trang sạch đẹp. Một số công viên cây xanh, nhiều công trình phúc lợi công cộng được xây dựng, mở rộng... Hình ảnh đẹp của một thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại-thành phố đáng sống.
Động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội
Có thể nói, những năm qua, hạ tầng giao thông phát triển đột phá đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội liên tục phát triển, có sức hấp dẫn thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư lớn tới Hải Phòng, được thể hiện cụ thể qua những chỉ số tăng trưởng đầy ấn tượng.
Trong 9 tháng của năm 2020, thành phố bước đầu đã thực hiện thành công được mục tiêu "kép" là phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và duy trì các hoạt động phát triển kinh tế xã hội.
Hải Phòng tiếp tục là điểm sáng của cả nước về phát triển kinh tế-xã hội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng tăng 11,39% so với cùng kỳ, một số chỉ tiêu so với toàn quốc đang ở mức cao như: chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 14,02%, kim ngạch xuất khẩu tăng 19,92%, sản lượng hàng qua cảng tăng 9,88%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 7,77%, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao…
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Thọ cho rằng, giai đoạn tiếp theo, Hải Phòng đứng trước nhiều cơ hội thuận lợi và thách thức mới. Thành phố sẽ tiếp tục đón nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, nhiều khu công nghiệp được xây dựng và đi vào hoạt động. Sản lượng hàng qua hệ thống cảng biển tiếp tục tăng cao; nhiều khu du lịch đẳng cấp, quy mô lớn được hoàn thành thu hút đông đảo du khách đến với thành phố.
Mặc dù hạ tầng giao thông Hải Phòng đã có những bước phát triển đột phá, song so với yêu cầu tăng tốc phát triển của thành phố và của khu vực thì hệ thống giao thông thành phố cần phải tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa.
Đó là cần hoàn chỉnh các tuyến vành đai 2, 3; các tuyến kết nối liên vùng với các địa phương; các loại hình giao thông cần được đầu tư đồng bộ, hiện đại; ưu tiên dành tỷ lệ đất giao thông, đất xây dựng đô thị đạt theo tiêu chuẩn đô thị loại I.
Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, với mục tiêu tổng quát xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nới thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics...
Để tiếp tục phát triển bứt phá hơn nữa về hạ tầng giao thông trong những năm tiếp theo, một số giải pháp chủ yếu Hải Phòng đưa ra, đó là đẩy nhanh, đồng bộ, với chất lượng cao việc lập quy hoạch cấp quốc gia, cấp tỉnh; trong đó, có các ngành, lĩnh vực then chốt, đặc biệt là mạng lưới giao thông vận tải theo Luật Quy hoạch mới có hiệu lực từ năm 2019.
Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và là cơ sở đảm bảo cho việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.
Tiếp đó, Hải Phòng chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương có cơ chế đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm giao thông do Trung ương quản lý trên địa bàn thành phố; đa dạng hóa và có chính sách thực sự hấp dẫn kêu gọi các nhà đầu tư lớn trong nước, quốc tế tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, coi đây là một kênh huy động vốn hiệu quả, quan trọng hàng đầu./.