Phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng giao thông đang đưa Hải Phòng bứt tốc mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội.
Khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế, Hải Phòng phát triển không chỉ cho Hải Phòng mà còn là trách nhiệm với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Cầu mở đường
Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo mở rộng đường tỉnh 352, kết nối huyện Thủy Nguyên của thành phố Hải Phòng với thị xã Đông Triều của tỉnh Quảng Ninh vừa được Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức khởi công vào dịp đầu Xuân Quý Mão (2/2/2023).
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Thọ, trong thời gian qua, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đã triển khai một số dự án giao thông mang tính liên kết vùng như Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Hạ Long-Hải Phòng; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10, đoạn từ cầu Đá Bạc đến Cầu Kiền; Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh và một số dự án khác.
Các dự án khi hoàn thành sẽ giúp nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân 2 địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh.
[Hải Phòng: Sức bật mới từ những dự án chào Xuân Quý Mão 2023]
Đồng thời, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông thành phố Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; góp phần phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa các địa phương khu vực dự án.
Ngoài ra, Hải Phòng cũng đã khởi công, đưa vào sử dụng nhiều công trình, dự án khác tại các địa phương lân cận như tỉnh Hải Dương, Thái Bình... để cùng tạo ra những bước phát triển mang tính đột phá trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Điểm nhấn kết nối phía Hải Dương, đó là cùng lúc Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã khánh thành 2 cây cầu Quang Thanh và cầu Dinh.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng cho rằng việc cùng lúc đưa vào hoạt động 2 cây cầu góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh giữa thành phố Hải Phòng với tỉnh Hải Dương và các địa phương khác trong khu vực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng không gian kinh tế, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa nhân dân 2 địa phương.
Với tỉnh Thái Bình, công trình cầu sông Hóa trên Quốc lộ 37 đã thay thế cầu phao xuống cấp, hư hỏng trước đây, nhằm nâng cao năng lực phục vụ, bảo đảm an toàn giao thông; từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối giữa thành thị với nông thôn khu vực phía Nam thành phố Hải Phòng, kết nối với khu vực ven biển tỉnh Thái Bình tạo thành hệ thống kết nối giao thông liên tỉnh thông suốt.
Cùng với công trình cầu sông Hóa, trước đó được sự hỗ trợ của Trung ương, thành phố Hải Phòng cũng đã tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp các tuyến Quốc lộ 10, Quốc lộ 37, đường tỉnh 354 tạo thành hệ thống giao thông kết nối vùng giữa thành phố Hải Phòng với các tỉnh Thái Bình và Nam Định...
Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Hải Phòng dự kiến xây dựng hơn 100 cây cầu.
Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hải Phòng đã xác định rõ tầm quan trọng, giải pháp để xây dựng thành phố là tập trung cao xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố đạt kết quả tốt, đã có 46 cây cầu được hoàn thành đưa vào sử dụng, qua đó tạo động lực phát triển, mở rộng không gian đô thị, vì vậy đã thu hút được đầu tư từ các doanh nghiệp.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Hải Phòng tiếp tục tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo cũng như nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Nâng tầm kết nối
Trong số những Nghị quyết, Quyết định, định hướng của Trung ương về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, mới đây Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kỳ vọng sẽ tạo ra thế và lực mới cho Hải Phòng và cho cả vùng.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chia sẻ Nghị quyết số 30-NQ/TW đã thể hiện 5 quan điểm chỉ đạo quan trọng, xác định đầy đủ, cơ bản mục tiêu, tầm nhìn và các chỉ tiêu kinh tế-xã hội-môi trường cụ thể; xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, sát thực đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này có nhiều điểm mới, với mục tiêu khơi dậy tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển to lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tư tưởng xuyên suốt là tăng cường liên kết vùng để tạo động lực phát triển cho các địa phương và toàn vùng; khai thác hiệu quả vị trí đặc biệt của vùng để tiếp cận và hình thành các thị trường lớn, tham gia sâu hơn các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.
Cùng với Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết mới lần này của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ là căn cứ pháp lý, chính trị quan trọng, là cơ sở để xây dựng định hướng mang tính chiến lược, dài hạn phát triển thành phố Hải Phòng trong không gian chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước...
Được xác định vai trò là hạt nhân, là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ngay từ những năm trước đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã cùng với Ban Thường vụ các Tỉnh ủy Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình... tổ chức các hội nghị hợp tác phát triển kinh tế xã hội, xây dựng hệ thống chính trị giữa các địa phương trong từng giai đoạn cụ thể.
Tại các hội nghị này, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định tiếp tục hợp tác toàn diện hơn nữa, chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong tất cả các lĩnh vực để tạo ra chuỗi các đô thị lớn, hạ tầng giao thông thông suốt, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, kiến tạo hạ tầng giao thông chiến lược kết nối đi trước một bước, gắn bó hữu cơ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, con người và bảo vệ môi trường.
Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, tiếp tục phối hợp thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và liên kết thu hút phát triển công nghiệp; đẩy mạnh hợp tác giữa Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải và Khu kinh tế ven biển Quảng Yên (Quảng Ninh).
Cùng đó, tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại, thiết lập sàn thương mại điện tử cho hàng nông sản; tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, thương hiệu sản phẩm nông sản của địa phương.
Các địa phương thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; khai thác tối đa hạ tầng thương mại, dịch vụ; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế; tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển dịch vụ logistics; tạo liên kết chuỗi giữa các Trung tâm Logictics; trao đổi, liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...
Năm 2022, kinh tế thành phố Hải Phòng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,32% so với cùng kỳ, gấp khoảng 1,5 lần bình quân chung cả nước, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 2,5 tỷ USD...
Năm 2022 là năm đầu tiên thành phố Hải Phòng thu ngân sách đạt trên 100.000 tỷ đồng, đứng thứ 3 cả nước sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong năm 2023 và thời gian tiếp theo, hàng loạt các dự án hạ tầng quan trọng với tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng đã được thành phố Hải Phòng phê duyệt, chuẩn bị khởi công, điển hình như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2 thành phố Hải Phòng, đoạn nút giao Tân Vũ-Hưng Đạo-Đường Bùi Viện; dự án đầu tư xây dựng cầu Nguyễn Trãi và chỉnh trang đô thị vùng phụ cận; dự án đầu tư Hạ tầng Khu công nghiệp Tiên Thanh; dự án đầu tư xây dựng nhà ga T2 sân bay Cát Bi...
Các dự án này sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội thành phố và liên kết, phát triển vùng./.