Tái diễn cảnh thành phố chìm trong khói do nạn đốt rơm

Thành phố Hải Dương chìm trong khói do nạn đốt rơm sau thu hoạch

Người dân sống gần khu vực đồng ruộng và người dân sống tại thành phố Hải Dương lại phải sống trong cảnh mịt mù khói bụi do việc đốt rơm, rạ.
Thành phố Hải Dương chìm trong khói do nạn đốt rơm sau thu hoạch ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại Hải Dương hiện đang bước vào mùa thu hoạch lúa, tình trạng đốt rơm, rạ trên đường lại tiếp tục tái diễn. Người dân sống gần khu vực đồng ruộng và người dân sống tại thành phố Hải Dương lại phải sống trong cảnh mịt mù khói bụi do việc đốt rơm, rạ.

Không những thế việc đốt rơm, rạ còn gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc trên các tuyến đường do người tham gia giao thông không thể nhìn rõ đường do khói. Việc đốt rơm rạ trên các tuyến đường nhất là các tuyến tỉnh lộ đã làm hư hỏng công trình giao thông, ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo chính quyền cấp xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không được phơi rơm, rạ, thóc, tuốt lúa, nhất là việc đốt rơm, rạ làm hư hỏng mặt đường và gây khói bụi mất an toàn giao thông.

Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm sẽ tiến hành xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, cùng với cái nóng oi bức của mùa hè, vào cuối mỗi buổi chiều trên các tuyến tỉnh lộ chạy qua các huyện như Tứ Kỳ, Nam Sách, Thanh Hà, Gia Lộc...người dân và người tham gia giao thông còn phải chịu đựng khói mịt mù từ việc đốt rơm, rạ.

Theo con số thống kê thì hiện diện tích trồng lúa của Hải Dương chiếm khoảng trên 120.000 ha/năm với lượng rơm, rạ sau thu hoạch vào khoảng 720.000 tấn/năm. Số rơm, rạ này chỉ được sử dụng khoảng 50% để làm thức ăn cho gia súc, che phủ rau màu vào mùa đông còn lại chủ yếu được đem đốt.

Để hạn chế việc đốt rơm, rạ, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ cung ứng các chế phẩm sinh học cho các địa phương và hướng dẫn việc dùng chế phẩm sinh học để xử lý rơm, rạ dư thừa sau thu hoạch thành phân bón hữu cơ phục vụ nông nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhưng người dân phản ánh các chế phẩm sinh học được hỗ trợ cho người dân rất chậm. Nơi thì gần cuối vụ thu hoạch mới nhận được, thậm chí có nơi còn không nhận được. Do đó, người dân không có cách nào khác là phải đốt rơm rạ, nên tình trạng cứ mỗi khi thu hoạch lúa thì Hải Dương lại chìm trong khói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục