Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội phát triển, Sở sẽ ưu tiên các chương trình xúc tiến thương mại, liên kết hợp tác đầu tư với các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài; thu hút, kêu gọi các đối tác đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ...
Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cũng cần chú trọng đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm hướng tiếp cận các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia để tìm hiểu yêu cầu của đối tác và “đầu ra” cho sản phẩm.
Cũng theo ông Đàm Tiến Thắng, ngành công nghiệp hỗ trợ đã, đang được Hà Nội xác định là lĩnh vực quan trọng, đóng vai trò to lớn trong thay đổi cơ cấu ngành, góp phần không nhỏ nâng cao sức cạnh tranh, thu hút đầu tư, gia tăng xuất khẩu, nâng cao quy mô, hiệu quả sản xuất của ngành công nghiệp.
Do vậy, Hà Nội luôn có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Đến nay, Hà Nội đã hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ như: Quang Minh, Bắc Thăng Long-Nội Bài… thu hút không chỉ các doanh nghiệp trong nước, mà cả các doanh nghiệp lớn trên thế giới đến đầu tư.
Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2020 sẽ có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; trong đó, khoảng 400 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
[Không ai làm thay doanh nghiệp trong phát triển công nghiệp hỗ trợ']
Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp của lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hằng năm tăng hơn 12%, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân ngành công nghiệp hai năm (2019-2020) đạt 9,78 - 10,79%/năm để đạt mục tiêu cả giai đoạn 2016-2020 tăng 8,6-9%.
Ngoài ra, Hà Nội cũng sẽ điều tra, khảo sát khoảng 1.000 doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp trọng điểm như chế biến-chế tạo, điện-điện tử, công nghiệp vật liệu, dệt may, bao bì. Thu thập thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ; xây dựng một trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội…
Trong năm 2018, kinh tế của Hà Nội tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, 20 chỉ tiêu phát triển mà thành phố đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Thu hút đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đứng đầu cả nước sau hơn 30 năm mở cửa và hội nhập; thu ngân sách vượt dự toán.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 tăng 8,56% và duy trì năm sau tăng cao hơn năm trước (năm 2016 tăng 8,2%; năm 2017 tăng 8,48%). Đáng chú ý, với giá trị tăng thêm 7,7%, ngành công nghiệp đã đóng góp 1,24 điểm phần trăm vào tốc độ tăng chung của chỉ tiêu phát triển...
Để có được kết quả này, thời gian qua Hà Nội đã ban hành, triển khai thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ; tổ chức các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp hỗ trợ vào khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và các khu, cụm công nghiệp khác của Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào các chương trình giao thương, thúc đẩy xuất khẩu với các đối tác ở thị trường nước ngoài…
Từ đó, tạo dựng và hình thành mạng lưới các doanh nghiệp vệ tinh, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội.
Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội trong việc quản lý, quản trị, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ.
Đồng thời, Sở Công Thương Hà Nội cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... để tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ./.