Thành phố Hà Nội kiểm soát chặt đấu giá quyền sử dụng đất

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản mới và văn bản sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục, "siết chặt" quản lý trong đấu giá đất đai.
Thành phố Hà Nội kiểm soát chặt đấu giá quyền sử dụng đất ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của thành phố Hà Nội nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng nguồn thu cho ngân sách góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.

Cùng với việc tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để "thúc" tiến độ, từ đầu năm đến nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản mới và văn bản sửa đổi, bổ sung quy định về quy trình, thủ tục, "siết chặt" quản lý trong đấu giá đất đai; kiểm soát nguy cơ xảy ra "bong bóng" bất động sản, nhất là các khu vực ven đô.

Dồn dập đấu giá hàng trăm thửa đất

Trước áp lực về tiến độ được giao, nhiều quận huyện trên địa bàn Hà Nội như Hà Đông, Đông Anh, Mỹ Đức, Sóc Sơn... tiếp tục thông báo đấu giá hàng trăm thửa đất để xây dựng nhà ở. Đáng chú ý, có những thửa đất giá khởi điểm lên tới 82 triệu đồng/m2.

Cụ thể, từ ngày 22/9-12/10, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đông Anh sẽ bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá quyền sử dụng 27 thửa đất ở tại thôn Dục Tú 1, xã Dục Tú (đợt 2).

Diện tích các thửa đất từ 90-164,17m2, mức giá khởi điểm từ 28,8-33,7 triệu đồng/m2. Phiên đấu giá dự kiến tổ chức vào ngày 15/10.

[Hà Nội đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất và giải ngân vốn đầu tư công]

Cũng trên địa bàn huyện Đông Anh, ngày 1/10, Công ty Đấu giá Hợp Danh Đấu giá Việt Nam phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện mở phiên đấu giá 20 thửa đất; trong đó có 1 thửa đất tại điểm X4, thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà và 19 thửa đất tại điểm X1 xã Đông Hội, Mai Lâm.

Với diện tích từ 52,71-129,55m2, giá khởi điểm cho từng diện tích từ 26,5-64,3 triệu đồng/m2. Thời gian bán và tiếp nhận hồ sơ từ ngày 12-28/9.

Tại huyện Sóc Sơn, 12 thửa đất có tổng diện tích 1.173m2 tại thôn Hương Đình Đoài và Hương Đình Đông (xã Mai Đình), nằm gần Sân bay Quốc tế Nội Bài và tiếp giáp với Cụm Công nghiệp CN2 đang trong quá trình triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật cũng dự kiến đưa ra đấu giá trong dịp này.

Mật độ xây dựng tối đa của các thửa đất là 80%, tầng cao tối đa 6 tầng.

Hay tại huyện Mỹ Đức, từ ngày 15/9-7/10, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện tổ chức bán và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá đối với 8 thửa đất (tổng diện tích 766,8m2) tại 3 xã Vạn Kim (đội 11 thôn Vạn Phúc), Đại Hưng (đội 6 thôn Trinh Tiết), Lê Thanh (thôn Lê Xá).

Diện tích các thửa đất từ 80-101,8m2, giá khởi điểm từ 1,04-1,79 triệu đồng/m2.

Đáng chú ý, ngày 23/9 tới thời hạn cuối tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở đối với 45 thửa đất tại quận Hà Đông.

Với diện diện tích thấp nhất là 39,2m2, cao nhất 93,7m2, giá khởi điểm cũng được phê duyệt ở các mức cao, từ 67,5-82 triệu đồng/1m2. Quận Hà Đông dự kiến tổ chức phiên đấu giá này vào ngày 26/9.

Cụ thể, trên địa bàn phường Phú Lương có 17 thửa đất thuộc khu Xứ đồng Hạ Khâu, 9 thửa khu Đồng Đanh-Đồng Cộc và 3 thửa xứ Đồng Bo-Đồng Chúc-Cửa Cầu-Đồng Men (khu B); tại phường Yên Nghĩa có 5 thửa khu Sau Chùa (ký hiệu X8); phường Dương Nội có 13 thửa khu Dược (ký hiệu X7)...

Kiểm soát nguy cơ "bong bóng" bất động sản

Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu đấu giá khoảng 1.561,42ha đất tại 634 dự án. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, 6 tháng đầu năm nay, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội mới tổ chức đấu giá khoảng 5,87ha tại 33 dự án.

Số tiền trúng đấu giá đạt khoảng 1.955,95 tỷ đồng; đã thu được hơn 3.100 tỷ đồng, tương đương 25% chỉ tiêu đề ra (trong đó, số thu từ năm 2021 chuyển sang là 1.991 tỷ đồng, thu năm 2022 là 1.115 tỷ đồng).

Lý giải kết quả này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Bùi Duy Cường cho rằng, bên cạnh các vấn đề pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai có nhiều nội dung chưa đồng bộ, thống nhất, dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện thì việc xác định giá khởi điểm vẫn còn chậm, nhiều nội dung vướng mắc, các đơn vị tư vấn đấu giá có tâm lý e ngại.

Mặt khác, công tác tuyên truyền ở cơ sở còn hạn chế, một số nơi vẫn còn có sai sót trong tổ chức thực hiện dẫn đến phải hủy kết quả đấu giá.

Theo phản ánh của các địa phương, khó khăn hiện nay là chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dân trong triển khai bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất để thực hiện dự án đấu giá; nhiều dự án đầu tư phải thiết lập lại hồ sơ về quy hoạch, thủ tục đầu tư theo quy định như chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án trên 2ha phải dành đất xây dựng nhà ở xã hội) theo quy định mới tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 và Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ...

Không chỉ tồn tại những vướng mắc, bất cập trên, qua các phiên đấu giá đất gần đây của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung xuất hiện hiện tượng "cò" đấu giá, "quân xanh, quân đỏ."

Vì vậy, ở một số dự án đấu giá như ở Mê Linh hay Đông Anh, giá trúng bị đẩy lên cao gấp nhiều lần giá khởi điểm rồi đến hạn nộp tiền chấp nhận bỏ tiền đặt cọc, tạo hiệu ứng giá "ảo," gây nhiễu thị trường bất động sản; hoặc lập hồ sơ khống để hạ thấp tài sản đấu giá làm thiệt hại ngân sách Nhà nước, gây bức xúc trong dư luận.

Thậm chí, có dự án đã bị Cơ quan Công an khởi tố hình sự đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật...

Trước diễn biến tiêu cực này, một số chuyên gia kiến nghị, song song với việc triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất để tăng nguồn thu cho ngân sách, Hà Nội cũng như các địa phương khác cần cẩn trọng, kiểm soát quy trình, thủ tục đấu giá theo đúng quy định để tránh tình trạng nhà đầu tư cố tình trả giá cao rồi bỏ cọc; đồng thời, phải quan tâm đến hiệu quả sử dụng đất sau đấu giá.

Thực tế các phiên đấu giá gần đây cho thấy sự tăng vọt về giá trúng là biểu hiện của sự bất thường, có thể mang đến những tác động xấu trong quá trình phát triển.

Nhiều trường hợp sau khi trúng đấu giá để đất hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên đất đai và ô nhiễm môi trường.

"Vì vậy, việc đấu giá đất phải đi đôi với quy hoạch; tổ chức hay cá nhân trúng đấu giá phải thực hiện dự án theo quy hoạch, không phải cứ bỏ nhiều tiền là trúng," một chuyên gia nêu ý kiến.

Hiện, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các ngành chức năng, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội có trách nhiệm quản lý chặt chẽ từ khâu thiết lập hồ sơ; thẩm định và phê duyệt quy hoạch; thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất thực hiện đấu giá; tập trung rà soát; lựa chọn tổ chức tư vấn đấu giá có uy tín, trách nhiệm và tuân thủ quy định của pháp luật.

Công bố công khai thông tin các dự án đấu giá và kế hoạch đấu giá hàng năm, bảo đảm minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu sử dụng đất tiếp cận đất đai.

Cũng theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, các địa phương và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội khẩn trương rà soát, kiểm tra, đánh giá, đề xuất kiến nghị xử lý đối với trường hợp người trúng đấu giá không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng, đủ theo phương án được phê duyệt hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.

Thường xuyên rà soát, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm; báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục