Thành phố Hà Nội khởi công xây dựng đường Tây Thăng Long

Dự án có tổng mức đầu tư 1.494,4 tỷ đồng, trong đó 823,5 tỷ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng gần 400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu thực hiện nghi thức phát động giai đoạn 2 dự án. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu thực hiện nghi thức phát động giai đoạn 2 dự án. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 15/12, Quận ủy-Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân-Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã tổ chức lễ ra quân thực hiện dự án xây dựng đường Tây Thăng Long, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cho biết, với mục tiêu tạo ra một tuyến đường giao thông có hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch được duyệt, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng đường Tây Thăng Long, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đoạn đường Văn Tiến Dũng, quận Bắc Từ Liêm.

Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư 1.494,4 tỷ đồng, trong đó 823,5 tỷ đồng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, chi phí xây dựng gần 400 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm làm chủ đầu tư.

Tuyến đường được xây dựng với chiều dài khoảng 3,24km, điểm đầu giao với đường Phạm Văn Đồng thuộc phường Cổ Nhuế 2 và điểm cuối giao với đường Văn Tiến Dũng thuộc phường Minh Khai; quy mô mặt cắt ngang tuyến là 60,5m gồm 2 làn đường xe chạy chính và 2 làn đường gom, dải phân cách trung tâm, 2 phần dải phân cách giữa lòng đường chính và đường gom, vỉa hè.

Các hạng mục trên đường bao gồm: đường giao thông, cầu bắc qua sông Nhuệ, vỉa hè, cây xanh, hệ thống thoát nước mưa và nước thải, điện chiếu sáng, hào kỹ thuật...

[Hà Nội khởi công đường vành đai 4 và 5 trong giai đoạn 2021-2025]

Thời gian qua, quận Bắc Từ Liêm đã huy động cả hệ thống chính trị và các nguồn lực trong việc tuyên truyền, vận động người dân bàn giao mặt bằng để triển khai dự án theo phương châm "có mặt bằng đến đâu thi công đến đó."

Đến nay đã hoàn thành giải phóng mặt bằng khoảng 20% toàn tuyến, trong đó đoạn từ đường Văn Tiến Dũng đến Cầu Noi đã giải phóng mặt bằng xong 60% khối lượng để bàn giao cho nhà thầu thi công.

Thành phố Hà Nội khởi công xây dựng đường Tây Thăng Long ảnh 1Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại lễ ra quân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh, đây là dự án quan trọng không chỉ đối với quận Bắc Từ Liêm mà còn đối với sự phát triển chung của thành phố.

Đầu tư xây dựng tuyến đường này là bước tiếp theo hoàn thiện tuyến đường Tây Thăng Long theo quy hoạch, kết nối trung tâm Thủ đô với khu đô thị Tây Hồ Tây, khu công nghiệp Nam Thăng Long, phân khu đô thị F1 và các phân khu đô thị khác trên đường vành đai 4, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông chung, thúc đẩy phát triển hạ tầng đô thị và kinh tế-xã hội quận Bắc Từ Liêm.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban Nhân dân quận Bắc Từ Liêm chỉ đạo Ban quản lý dự án, đơn vị thi công, thiết kế, tư vấn giám sát tuân thủ chặt chẽ các quy định về xây dựng, thủ tục xây dựng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy phạm kỹ thuật để triển khai thi công công trình đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, thường xuyên theo dõi kiểm tra, giải quyết kịp thời vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công, giải phóng mặt bằng; đảm bảo an toàn giao thông; an toàn lao động, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Để dự án này hoàn thành đúng tiến độ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân quận Bắc Từ Liêm song song với tổ chức thi công công trình, tiếp tục tuyên truyền vận động người dân bàn giao mặt bằng, giải phóng nốt khối lượng mặt bằng còn lại.

Các sở, ngành và đơn vị liên quan phối hợp kịp thời với Ủy ban Nhân dân quận Bắc Từ Liêm giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, bồi thường giải phóng mặt bằng, di chuyển công trình ngầm nổi, tổ chức đảm bảo an toàn giao thông thông suốt, an toàn trong quá trình triển khai dự án, kịp thời báo cáo các vấn đề vượt thẩm quyền lên Ủy ban Nhân dân thành phố; cân đối ưu tiên bố trí vốn kịp thời cho dự án...

Thành phố Hà Nội khởi công xây dựng đường Tây Thăng Long ảnh 2Phương tiện kỹ thuật sẵn sàng thực hiện giai đoạn 2 dự án. (Ảnh: TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục