Tại kỳ họp thứ 20, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 10/12 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội năm 2025 của thành phố.
Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ yêu cầu quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhận thức và hành động về “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”; nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, tiềm năng đặc thù, lợi thế vượt trội của Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới; tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để đưa Thủ đô Hà Nội phát triển mạnh mẽ, toàn diện, xứng đáng với vai trò, vị thế Thủ đô của một đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới.
Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả Luật Thủ đô (sửa đổi); Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Chuẩn bị các cơ chế, chính sách phát triển tăng tốc, đột phá cho giai đoạn phát triển 2026-2030 và năm 2025; Xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, đầu tư công và các chương trình, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực 5 năm 2026-2030 gắn với “tầm nhìn mới-tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội.”
Hà Nội: Hoàn thành và vượt 23 trong tổng số 24 chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2024
Năm 2024, kinh tế Thủ đô Hà Nội duy trì tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm ngoái, dự kiến đạt khoảng 6,52% (cùng kỳ 6,27%); quy mô GRDP khoảng 58 tỷ USD.
Nghị quyết nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành và thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện 3 chuyển đổi (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng).
Đáng chú ý, một số chỉ tiêu chính gồm GRDP tăng từ 6,5% trở lên; GRDP/người từ 172,4 triệu đồng trở lên; Vốn đầu tư thực hiện tăng từ 10,5% trở lên; Kim ngạch xuất khẩu tăng từ 5% trở lên; Kiểm soát chỉ số giá dưới 4,5%; đến cuối năm 2025 không còn hộ nghèo…
Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đặt ra gồm bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; đổi mới quản trị chính quyền địa phương gắn với chuyển đổi số; xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR INdex và SIPAS./.