Ngày 12/4, Văn phòng điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức Lễ công nhận 544 sản phẩm đạt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 và 4 sao, nâng số sản phẩm được đánh giá, phân hạng và chứng nhận lên 2.711 sản phẩm OCOP.
Trong số 2.711 sản phẩm OCOP của Hà Nội có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao.Đây được đánh giá là điểm sáng của thành phố Hà Nội, đi đầu của cả nước trong phát triển OCOP. Riêng năm 2023, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 544 sản phẩm OCOP, vượt 136% kế hoạch thành phố giao (400 sản phẩm).
Sản phẩm OCOP năm 2023 được đánh giá là đa dạng về chủng loại, gồm 280 sản phẩm thực phẩm chế, biến chiếm 51,5%; 16 sản phẩm thực phẩm thô, sơ chế chiếm 2,9%; 61 sản phẩm thực phẩm tươi sống, chiếm 11,2%; 16 sản phẩm đồ uống, chiếm 2,9%; 1 sản phẩm thảo dược, chiếm 0,2%; 142 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vải may mặc chiếm 26,1%; 28 sản phẩm sinh vật cảnh, chiếm 5,1%.
Tổng số sản phẩm từ làng nghề tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 là 141/544, chiếm 25,9%.
Đại diện Công ty cổ phần Sữa Nông trại Ba Vì, đơn vị có sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao chia sẻ, từ năm 2020, công ty đã có sản phẩm tham gia đánh giá phân loại sản phẩm OCOP và có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Đến tháng 10/2023, công ty lại tiếp tục tham gia và có 10 sản phẩm đánh giá lại đạt OCOP 4 sao. Tính đến nay công ty đã có 14 sản phẩm đạt OCOP 4 sao.
Từ những thành quả đó, sản phẩm của công ty được người tiêu dùng biết đến và đón nhận. Hiện nay, sản phẩm của công ty đã phủ hết các tỉnh thành trong cả nước và thậm chí còn xuất khẩu sang thị trường Lào. Kết quả doanh thu năm sau tăng trưởng cao hơn năm trước từ 20-30%. Đây chính là động lực để công ty phấn đấu và phát triển doanh nghiệp trong những năm tới.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho biết để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo hướng liên kết phát triển sản phẩm bền vững theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Bên cạnh kết quả đạt được một số sản phẩm OCOP tham gia dự thi mặc dù chất lượng tốt nhưng hồ sơ minh chứng cho sản phẩm còn chưa đầy đủ (thiếu kế hoạch bảo vệ môi trường, chứng minh nguồn gốc xuất xứ đối với hàng thủ công mỹ nghệ; trang trí; hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đại lý, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, trang website,...); bao bì vẫn còn đơn giản chưa bắt mắt khách hàng tiềm năng.
Đặc biệt câu chuyện sản phẩm còn sơ sài chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa của địa phương với công nghệ sản xuất và mong mỏi của công chúng tiêu dùng với sản phẩm đem lại cho họ. Chính vì vậy giá trị gia tăng của sản phẩm chưa được cao so với kỳ vọng.
Để phát triển các sản phẩm OCOP, thời gian tới, các sở, ngành thành phố liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tập trung triển khai thực hiện các nội dung nhằm tạo điều kiện phát huy giá trị văn hóa của Hà Nội trong việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề gắn với triển khai hiệu quả Chương trình OCOP kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề.
Sản phẩm OCOP: Định vị sản phẩm để lan tỏa các giá trị thương hiệu
Đối với các sản phẩm OCOP, để thâm nhập thị trường quốc tế cần phải có nghiên cứu một cách bài bản để nắm rõ các tiêu chuẩn, quy chuẩn và thị hiếu của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, các sở, ngành thành phố triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn đảm bảo đúng quy định; phấn đấu thực hiện Chương trình OCOP hoàn thành mục tiêu trước 1 năm so với kế hoạch của Ủy ban Nhân dân thành phố nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội và các ngày lễ lớn của đất nước, của thành phố trong năm 2024./.