Thanh niên Việt Nam là những nhân tố chính làm nên thay đổi, sáng tạo
Ngày Quốc tế thanh niên năm nay là dịp để khẳng định vai trò duy nhất, quan trọng của thanh niên trong quá trình ra quyết định và hoạch định chính sách ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế.
Việt Đức
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, Trưởng nhóm Hành động vì vị thành niên và thanh niên Việt Nam của Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm. (Nguồn: UNFPA Việt Nam)
Sáng 12/8, Liên hợp quốc tại Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Quốc tế Thanh niên 2021 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Ngày Quốc tế Thanh niên năm nay có chủ đề "Sự tham gia của thanh niên: Sức trẻ góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững" và gửi đến cộng đồng thông điệp: "Thanh viên Việt Nam là những nhân tố chính làm nên sự thay đổi, sáng tạo, hướng tới đạt được phát triển bền vững, có khả năng ứng phó và không bỏ ai ở lại phía sau."
Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, Trưởng nhóm Hành động vì vị thành niên và thanh niên Việt Nam của Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho biết nhận thấy tầm quan trọng của thanh niên và nhu cầu giải quyết các vấn đề thanh niên, năm 2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra tuyên bố, lấy ngày 12/8 hằng năm là Ngày Quốc tế Thanh niên, nhằm tạo cơ hội tôn vinh những tiếng nói, sáng kiến thanh niên và kêu gọi tất cả các chính phủ giải quyết các vấn đề thanh niên trên toàn thế giới.
Theo bà Naomi Kitahara, kỷ niệm Ngày Quốc tế thanh niên năm nay là dịp để khẳng định vai trò duy nhất, quan trọng của thanh niên trong quá trình ra quyết định và hoạch định chính sách ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế.
Bà Naomi Kitahara cho biết: "Liên hợp quốc tại Việt Nam ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo cơ hội cho thanh, thiếu niên tham gia các quá trình hoạch định, xây dựng, thực hiện chính sách và góp phần cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước."
Dẫn kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam ghi nhận 20,4 triệu thanh niên độ tuổi từ 10-24 tuổi, chiếm 21% tổng dân số - số lượng thanh niên lớn nhất trong lịch sử, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Thanh niên sửa đổi và cho rằng, đây là một trong những bước tiến lớn của Việt Nam nhằm bảo đảm vai trò, trách nhiệm và quyền của thanh niên trong quá trình phát triển đất nước.
Luật Thanh niên quy định rõ sự tham gia của thanh niên, trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về thanh niên và các tổ chức khác, đồng thời bảo đảm sự phân bổ của ngân sách quốc gia trong việc thực thi Luật. Ngoài ra, các chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ thanh niên dân tộc thiểu số và thanh niên từ đủ 16 đến 18 tuổi đã được đưa vào trong Luật sửa đổi.
Đại diện Ban Bí thư Trung ương Đoàn tham dự Lễ kỷ niệm, Bí Thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm đã khẳng định sức trẻ và hành động của thanh niên là một phần sức mạnh của quốc gia.
Bí Thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm cho rằng: "Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc; là lực lượng chủ yếu trên nhiều lĩnh vực, đảm nhiệm những công việc đòi hỏi hy sinh, gian khổ, sức khỏe và sáng tạo. Thanh niên là độ tuổi sung sức nhất về thể chất và phát triển trí tuệ, luôn năng động, sáng tạo, muốn tự khẳng định mình."
Tại Lễ kỷ niệm, các đại biểu thanh niên Việt Nam tiêu biểu đã tham gia thảo luận trực tuyến về thực thi Luật Thanh niên 2020 và sự tham gia cũng như đóng góp có ý nghĩa của thế hệ trẻ vào quá trình phát triển bền vững của đất nước.
Các đại biểu đã chia sẻ quan điểm về quyền và trách nhiệm của thanh niên, cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đoàn thể có liên quan trong chăm lo, phát triển thanh niên, bảo đảm cho thanh niên thụ hưởng đầy đủ các quyền, lợi ích cơ bản được pháp luật quy định.
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Tường Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm. (Nguồn: UNFPA Việt Nam)
Các đại biểu khẳng định mạnh mẽ rằng thanh niên Việt Nam bao gồm các nhóm dễ bị tổn thương, như thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên di cư, thanh niên khuyết tật... là những nhân tố làm nên sự thay đổi, sáng tạo, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, có khả năng ứng phó trước những biến đổi và không ai bị bỏ lại phía sau.
Sự tham gia của thanh niên là rất quan trọng và luôn luôn đề xuất các giải pháp phù hợp để đưa các vấn đề về thanh niên, phản ánh tiếng nói của thanh niên trong quá trình xây dựng chính sách cho mỗi ngành, mỗi lĩnh vực. Điều này càng đặc biệt quan trọng khi Việt Nam hiện đang được hưởng lợi từ thời kỳ dân số vàng mang lại. Đầu tư đúng lúc cho thanh niên là điều cần thiết để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Tham gia thảo luận, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam năm 2017, H’Hen Niê đã chia sẻ kinh nghiệm của mình khi hỗ trợ các y, bác sỹ, cũng như người dân địa phương trong các đợt giãn cách xã hội do dịch COVID-19.
Hoa hậu H’Hen Niê cho biết khi tình nguyện tham gia cùng các nghệ sỹ trẻ và các bạn trẻ hỗ trợ các y, bác sỹ ở tuyến đầu và cộng đồng, cô chỉ có tâm niệm mong muốn đóng góp, dù là những đóng góp khiêm tốn cho cuộc chiến chống lại COVID-19. Qua các hoạt động tình nguyện, H’Hen Niê cho hay bản thân cô đã và đang thay đổi từng ngày.
"Tại thời điểm này, tôi coi mình là một tình nguyện viên. Tôi không phải là hoa hậu và cũng không phải là người nổi tiếng. Tôi hết lòng tham gia các hoạt động tình nguyện, bất kể công việc có vất vả tới đâu. So với những khó nhọc của các y, bác sỹ đang làm việc ở tuyến đầu chống dịch thì sự mệt nhọc của tôi có là gì đâu. Tôi mong tất cả các bạn trẻ hãy suy nghĩ tích cực và góp phần hỗ trợ cộng đồng một cách sáng tạo, cho dù đóng góp của các bạn về vật chất hay tinh thần. Chúng ta hãy đoàn kết, chúng ta hãy hành động để đẩy lùi đại dịch COVID-19 và góp phần phát triển cộng đồng và đất nước bền vững," Hoa hậu H’Hen Niê nói./.
Trong một thông điệp hướng tới Ngày Quốc tế Thanh niên 12/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo thế hệ trẻ ngày nay đang đối với mặt một cuộc khủng hoảng học hành.
Nhân ngày quốc tế thanh niên năm 2020, giới trẻ Việt Nam kêu gọi mọi người cùng tham gia giữ gìn môi trường sạch sẽ, an toàn không bị ô nhiễm và thực hành lối sống bền vững, thân thiện với môi trường.
Tổng Giám đốc WHO cho biết mặc dù phần lớn thanh niên không có nguy cơ cao bị mắc COVID-19, họ lại đóng vai trò quan trọng và có chung trách nhiệm trong việc hỗ trợ ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh.
Lực lượng Thanh niên xung phong nói riêng cũng như thế hệ trẻ Việt Nam nói chung góp phần viết nên những trang sử xanh nối tiếp bề dày truyền thống đóng góp cho Tổ quốc của tuổi trẻ.
Theo Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam, đến năm 2030, phấn đấu 80% thanh niên được tư vấn hướng nghiệp và việc làm; 60% thanh niên được đào tạo nghề gắn với tạo việc làm.
Tham gia chiến dịch 'Triệu bữa cơm-Hà Nội nghĩa tình,' dàn Hoa hậu không chỉ phát các suất ăn cho lao động nghèo, người vô gia cư mà sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm thực phẩm cho người dân Thủ đô.
Với phương châm “Mỗi đoàn viên, thanh niên là một cảm biến xã hội,” thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của đoàn viên thanh niên TP Hồ Chí Minh cùng cộng đồng nâng cao ý thức phòng, chống dịch.
Thanh niên là lực lượng chủ chốt thực hiện chương trình quốc gia về phát triển bền vững, chúng ta cần đầu tư cho thanh niên trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, phát triển kỹ năng...