Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu hướng tới tương lai ‘xanh’

Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu 2022” được viết bởi 24 tác giả trẻ tiêu biểu trên cả nước với hơn 130 sáng kiến và dự án khí hậu do thành niên khởi xướng.
Các nhóm tình nguyện viên chung tay dọn rác trên các đảo Vịnh Hạ Long. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Sáng 1/11, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu năm 2022.”

Đây cũng là báo cáo đã được giới thiệu tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại "Đối thoại chính sách với thanh niên khi ông sang thăm chính thức Việt Nam" vào tuần trước.

Báo cáo được viết bởi 24 tác giả trẻ tiêu biểu trên cả nước, tập trung vào bốn chủ đề chính, bao gồm: Thanh niên với chính sách khí hậu và quá trình ra quyết định, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải hướng tới phát thải ròng bằng “0,” thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Đặc biệt, tại báo cáo này, các tác giả đã nghiên cứu hơn 130 sáng kiến và dự án khí hậu do thành niên khởi xướng. Đây là những trường hợp điển hình về hành động khí hậu thiết thực do thanh niên thực hiện; xác định một số giải pháp thúc đẩy cần ưu tiên triển khai; xây dựng các chương trình giáo dục và nâng cao năng lực về biến đổi khí hậu, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các dự án do thanh niên lãnh đạo.

Tại buổi lễ, các bạn trẻ đã trình bày tuyên bố của mình trong đó mong muốn Chính phủ ưu tiên đầu tư vào các nhà máy điện tái tạo; xác lập lộ trình loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030; hạn chế các tổ chức tài chính đầu tư vào các dự án phát thải cao; giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần với mục tiêu loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm này vào năm 2030.

[Việt Nam tiến bước vào ‘sân chơi lớn’ quyết đưa phát thải ròng về O]

Các bạn trẻ đề nghị chính quyền địa phương và các bên liên quan thu hút thanh niên tham gia tổ chức các chiến dịch truyền thông sáng tạo và nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, khuyến khích lối sống xanh và hành động chống chịu với biến đổi khí hậu; kêu gọi Chính phủ tạo khung pháp lý và cơ sở thuận lợi để hỗ trợ các cá nhân, người sáng lập, và tổ chức thanh niên thực hiện hành động vì biến đổi khí hậu, đặc biệt tạo cơ chế thuận lợi để trao quyền cho thanh niên dân tộc thiểu số...

Thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. (Nguồn ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Chia sẻ tại buổi lễ công bố, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường cho biết biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn dự báo và đe dọa cuộc sống của con người; tác động đến mọi mặt, cả về kinh tế, xã hội, chính trị, ngoại giao, an ninh của mỗi quốc gia.

Là một trong những quốc gia bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu và thiên tai, tại Hội nghị COP26, cùng với nhiều quốc gia, Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ như phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tham gia Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu cùng nhiều sáng kiến khác trong xu thế phát triển tất yếu của thế giới về chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển phát thải thấp.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, theo ông Cường, cần có sự đóng góp tích cực của người dân, cộng đồng và toàn xã hội. Trong đó thanh niên là những người trẻ luôn tràn đầy năng lượng, hoài bão, với tầm nhìn của tương lai - sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy những hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

“Với việc công bố Báo cáo đặc biệt Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu năm 2022 diễn ra trước thềm Hội nghị COP27, chúng tôi mong muốn các cơ quan, tổ chức tạo điều kiện hơn nữa để giúp thanh niên Việt Nam tham gia và đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia nhằm thúc đẩy thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050,” ông Cường nhấn mạnh.

Về phía quốc tế, bà Ramla Al Khalidi, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết UNDP sẽ cam kết hỗ trợ thanh niên Việt Nam, đảm bảo các mối quan tâm và ý tưởng của giới trẻ được lắng nghe đồng thời tiếp tục hợp tác với thanh niên để tận dụng khả năng sáng tạo của họ nhằm thúc đẩy hành động vì biến đổi khí hậu.

“UNDP không những đặc biệt quan tâm đến các hoạt động của thế hệ trẻ mà đây còn là nghĩa vụ của chúng tôi trong việc đảm bảo rằng thanh niên và các thế hệ tương lai sẽ được sống trong một tương lai công bằng, xanh và bền vững,” bà Khalidi nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục