Xây dựng nông thôn mới là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng của Đảng và Nhà nước, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Xây dựng nông thôn mới được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó đoàn viên, thanh niên là lực lượng xung kích đi đầu.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành kế hoạch về việc triển khai phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới."
Qua gần 10 năm triển khai, phong trào đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đông đảo đoàn viên, thanh niên trên cả nước; góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn Việt Nam theo hướng tích cực.
Phát huy tối đa vai trò, khả năng của thanh niên trên các lĩnh vực
Phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới" được Trung ương Đoàn phát động triển khai với các nội dung trọng tâm: công tác thông tin tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò thanh niên tham gia xây dựng hạ tầng, cảnh quan môi trường nông thôn; phát huy thanh niên tham gia phát triển kinh tế; tham gia xây dựng đời sống văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc; giữ gìn an ninh trật tự; xây dựng Đoàn, Hội vững mạnh.
Từ việc triển khai tại ba xã điểm tại ba miền Bắc, Trung, Nam, sau gần 10 năm, phong trào đã được triển khai rộng khắp, trở thành phong trào sôi động của tuổi trẻ cả nước, thu hút đông đảo thanh niên và nhân dân tham gia.
Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong cho rằng, thông qua phong trào, nhận thức của đa số đoàn viên, thanh niên và nhân dân đã thay đổi từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã chuyển sang chủ động, tự tin, tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới; cổ vũ, động viên, hướng dẫn thanh niên thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Hoạt động phát triển sản xuất đã gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho thanh niên. Điều kiện sống cả về vật chất, tinh thần của phần lớn thanh niên và cư dân nông thôn được nâng cao. Vai trò, vị thế của tổ chức Đoàn được phát huy và nâng lên về chất.
Để phong trào được thực hiện toàn diện, hiệu quả, nhiều chương trình, kế hoạch, phong trào nhánh cụ thể về các mặt nội dung, lĩnh vực đã được các cấp bộ Đoàn triển khai đến từng chi đoàn tại cơ sở. Nhằm hỗ trợ, khuyến khích, động viên đoàn viên, thanh niên hăng hái thi đua sản xuất, kinh doanh, phong trào "Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất kinh doanh giỏi" đã được triển khai với 4 nội dung chính: tư duy mới, kỹ thuật mới, sản phẩm mới, nếp sống mới.
Trung ương Đoàn đã ký kết hợp tác với các bộ, ngành để góp phần thực hiện tốt phong trào như: Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện "Phát huy vai trò của thanh niên trong việc tham gia xây dựng và phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2013 - 2017"; cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp "Tăng cường hoạt động bảo vệ tài nguyên và môi trường giai đoạn 2014-2017."
Trung ương Đoàn triển khai kế hoạch với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai đưa giảng viên trẻ, sinh viên tình nguyện tham gia thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới...
Hằng năm, tổ chức Đoàn đưa chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới vào Chương trình công tác năm, xác định tiêu chí đánh giá trong bộ tiêu chí đánh giá công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cấp tỉnh; tổ chức tuyên dương những cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, phát triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới thông qua Giải thưởng Lương Định Của.
Việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được Đoàn Thanh niên các cấp chú trọng. Trung ương Đoàn đã huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, các đoàn trực thuộc tham gia xây dựng nông thôn mới, tập trung vào xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn ở các tỉnh chỉ đạo điểm; triển khai thực hiện 12 dự án Làng Thanh niên lập nghiệp khu vực biên giới và xã đặc biệt khó khăn, xây dựng 270 cầu giao thông nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên.
Hoạt động bảo vệ môi trường được đông đảo đoàn viên, thanh thiếu niên tại các địa phương tích cực tham gia, với các hoạt động: tổ chức tuyên truyền về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch; triển khai chương trình "Vì một Việt Nam xanh," "Hạnh phúc xanh," "Chống rác thải nhựa," "Đường hoa thanh niên,""Con đường bích họa"…
Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn đã có nhiều giải pháp phát huy tinh thần sáng tạo, mạnh dạn của thanh niên trong phát triển kinh tế nông thôn.
Nhiều hoạt động khuyến khích, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được tổ chức đa dạng với nhiều hoạt động như cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo Thanh niên nông thôn, Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn, Startup Hunt… đã thu hút hàng triệu thanh niên, sinh viên tham gia với các dự án trên lĩnh vực nông nghiệp, góp phần không nhỏ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Ngoài ra, tổ chức đoàn các cấp đã tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, xung kích giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.
Góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thế mạnh của địa phương
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Đây cũng là chương trình được Đoàn Thanh niên nhiều tỉnh, thành phố triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần đưa kinh tế địa phương có những bước khởi sắc trong giai đoạn mới.
Năm 2013, chương trình "Tỉnh Quảng Ninh-mỗi xã, phường một sản phẩm" được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt và triển khai đã đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn quốc.
Xác định tầm quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản của địa phương, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn tỉnh Quảng Ninh đã tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Để triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, Tỉnh Đoàn Quảng Ninh xác định 6 bước tuyên truyền cụ thể, từ tuyên truyền về lợi ích của cộng đồng khi tham gia chương trình OCOP; hướng dẫn đăng ký mẫu phiếu đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận và triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá, phân hạng sản phẩm và xúc tiến thương mại.
Với sự đóng góp của tuổi trẻ tỉnh Quảng Ninh, qua 6 năm triển khai, chương trình được Trung ương đánh giá cao và được lựa chọn làm điểm để nhân rộng ra toàn quốc.
Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 167 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất và 421 sản phẩm tham gia chương trình OCOP; thực hiện dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho trên 90% các sản phẩm OCOP. Toàn tỉnh có 32 trung tâm và điểm bán hàng OCOP; 29 sản phẩm có thế mạnh của đã tỉnh xây dựng được thương hiệu.
[Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, kết nối đô thị]
Xác định tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, chương trình OCOP cũng được Tỉnh Đoàn Bắc Kạn lựa chọn là một trong những chương trình trọng tâm nhằm phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế, tạo việc làm cho thanh niên nông thôn. Các sản phẩm tạo ra từ chương trình có sự khác biệt mang đặc thù gắn với nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng có của mỗi địa phương, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn.
Tỉnh Đoàn Bắc Kạn đã quán triệt đến các Huyện, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc đưa nội dung chương trình OCOP vào các hội nghị giao ban công tác đoàn, các buổi sinh hoạt đoàn để động viên, khuyến khích đoàn viên, thanh niên tham gia khởi nghiệp từ các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương mình.
Đặc biệt, Tỉnh Đoàn Bắc Kạn đã tổ chức 3 Diễn đàn "Thanh niên Bắc Kạn khởi nghiệp từ Đề án OCOP" cấp tỉnh với sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo các sở ngành, đoàn thể trong tỉnh và trên 600 cán bộ Đoàn cấp huyện, cấp cơ sở và đoàn viên, thanh niên.
Tại các diễn đàn, đoàn viên, thanh niên được giới thiệu tổng quan về chương trình OCOP; thảo luận về vai trò của tổ chức Đoàn, cán bộ, đoàn viên thanh niên trong việc thực hiện, triển khai Đề án; tận dụng thế mạnh địa phương để khởi nghiệp, gắn với chương trình OCOP. Bên cạnh việc giải đáp một số thắc của các bạn trẻ, chuyên gia, lãnh đạo các sở ngành đã trực tiếp tư vấn giúp đoàn viên, thanh niên có những lựa chọn sáng suốt trên con đường khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp từ OCOP.
Với những nỗ lực của tổ chức Đoàn trong triển khai chương trình OCOP, năm 2018, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức đánh giá xếp hạng, cấp giấy công nhận cho 37 sản phẩm của 32 doanh nghiệp, hợp tác xã, và hộ sản xuất, trong đó có 6 sản phẩm của thanh niên.
Trí thức trẻ tình nguyện đóng góp xây dựng nông thôn mới
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa là một trong những tiêu chí cơ bản của phong trào xây dựng nông thôn mới. Di sản văn hóa dân tộc không chỉ được coi là tài sản có giá trị giáo dục truyền thống, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ mà còn là một nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Giới trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước cần thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị di sản, bản sắc văn hóa dân tộc để ứng xử bằng lòng tự hào, sự hiểu biết và quý trọng các giá trị văn của dân tộc. Xác định rõ xây dựng quê hương là nhiệm vụ hàng đầu, những năm qua, thanh niên Đắk Lắk đang ra sức cống hiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng cho mình hình ảnh xung kích đi đầu trong các phong trào tình nguyện, trong đó có giữ gìn bản sắc, di sản văn hóa dân tộc.
Một trong những di sản nổi tiếng của Tây Nguyên là không gian văn hóa cồng chiêng, đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. Nhưng hiện nay, di sản văn hóa này đang phải đối diện với nguy cơ bị mai một bởi sự suy giảm nhanh chóng về số lượng các dàn cồng chiêng, các bản nhạc chiêng, các nghệ nhân...
Trước nguy cơ bị mai một của những nét văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk đã chỉ đạo các tổ chức đoàn cơ sở thành lập và phát triển các đội chiêng trẻ, đội múa, sử dụng nhạc cụ tre, nứa của các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk. Các huyện, thành phố trong tỉnh đã mở được các lớp dạy đánh cồng chiêng, hướng dẫn sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc cho con em bà con dân tộc Ê Đê, M’nông và Giarai...
Trong 10 năm qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 150 lớp đào tạo dạy đánh cồng chiêng, hướng dẫn sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc cho hơn 4.500 lượt thiếu nhi, đoàn viên, thanh niên tham gia.
Ngoài ra, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk còn tổ chức các lớp dạy dệt thổ cẩm, tổ chức làng nghề, giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ trong những ngày nông nhàn, đồng thời tổ chức những cuộc thi dệt thổ cẩm dân tộc, thu hút nhiều nghệ nhân tham gia.
Nhận thức được vị trí và vai trò của đoàn viên, thanh niên trí thức trẻ trong các đơn vị nghiên cứu khoa học, Ban Thường vụ Đoàn Khối các cơ quan Trung ương đã tổ chức nhiều đội hình trí thức trẻ tình nguyện, tập trung vào chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi cho nhân dân; xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi; định hướng cho nông dân các loại cây trồng phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng đem lại hiệu quả kinh tế cao; triển khai các chương trình, đề tài, dự án khoa học công nghệ do thanh niên nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn sản xuất nông nghiệp.
Giai đoạn 2010-2019, các cấp bộ Đoàn trong Khối đã tổ chức 1.430 buổi tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, thu hút 215.320 lượt nhân dân, đoàn viên, thanh niên tham gia với tổng giá trị hơn 70 tỷ đồng.
Nhiều hoạt động tiêu biểu, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong chuyển giao khoa học kỹ thuật có thể kể đến như: nghiên cứu các giải pháp an toàn trong phòng trừ sâu bệnh cho cây nho Ninh Thuận; Mô hình phủ xanh vùng núi đá vôi; nghiên cứu khả năng xây dựng hồ treo, vấn đề quy hoạch giao thông tại các thôn bản; cách nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn mùa đông và phòng bệnh cho gia súc bằng chế phẩm sinh học, thu thập mẫu phục vụ cho việc nghiên cứu hoạt chất sinh học từ cây bản địa...
Bí thư Đoàn Khối các cơ quan Trung ương Trần Hữu cho rằng những hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống và sản xuất do Đoàn Khối triển khai đã góp phần giúp nhân dân ở nhiều địa bàn nông thôn phát triển kinh tế, xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, củng cố quốc phòng, nâng cao nhận thức về ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào cuộc sống đối với người nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; tuyên truyền, động viên nhân dân thay đổi phong tục, tập quán trong sản xuất nông nghiệp.
Tuổi trẻ Khối các cơ quan Trung ương mong muốn đóng góp một phần công sức vào việc thực hiện các mục tiêu của Chính phủ về xây dựng và phát triển nông thôn mới./.