Chiều 26/3, tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (cơ sở 2 Vĩnh Phúc), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của Học sinh, sinh viên lần thứ 4.
Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải và Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova tổ chức.
Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của Học sinh, sinh viên lần thứ 4 được tổ chức từ ngày 26-27/3, gồm chương trình khai mạc; phiên đối thoại chính sách “Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên - Vai trò của nhà trường, doanh nghiệp, quỹ đầu tư và địa phương”; diễn đàn “Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên và Tiềm năng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên theo nhóm ngành”; chung kết cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ 4 (SV-STARTUP) và chương trình trao giải, bế mạc.
Điểm nhấn của sự kiện là Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV- STARTUP) được tổ chức trên quy mô toàn quốc với 400 trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia. Tại sự kiện còn diễn ra hoạt động tham quan các không gian trưng bày ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Đổi mới sáng tạo, đi sau có thể về trước
Phát biểu tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính bảy tỏ vui mừng khi Ngày hội Khởi nghiệp thu hút ngày càng đông đảo học sinh, sinh viên tham gia với nhiều dự án chất lượng ở các lĩnh vực, ngành nghề, các địa phương. Phong trào khởi nghiệp trong sinh viên không ngừng lan tỏa; các cơ sở giáo dục, đào tạo ngày càng quan tâm tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Theo Thủ tướng, chúng ta đang sống trong một thế giới thay đổi nhanh chóng và khó lường. Khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội. Các quốc gia, các doanh nghiệp và từng cá nhân muốn phát triển phải không ngừng đổi mới, sáng tạo. Tinh thần khởi nghiệp, chủ động tiếp cận với những thay đổi chưa có tiền lệ, chưa từng xảy ra đã trở thành xu thế chung của các quốc gia hiện nay.
Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phong trào đổi mới, sáng tạo; có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp. Đặc biệt là Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và các Đề án 844, 939, 1665 của Chính phủ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, hỗ trợ phụ nữ, sinh viên khởi nghiệp. Các bộ, ban, ngành, cơ quan, địa phương đều có các chương trình, đề án riêng nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tạo sức lan tỏa, thu hút đông đảo thành phần tham gia, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, 100% các cơ sở đào tạo có kế hoạch hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Ngân hàng Thế giới đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia Đông Á đầu tư cho đổi mới sáng tạo, có số lượng bằng sáng chế, sáng tạo cao hơn kỳ vọng trước đây.
[Phát huy sức trẻ, sức sáng tạo, sự cống hiến thanh niên Việt Nam]
Tuy nhiên, Việt Nam là một nước có xuất phát điểm chậm hơn về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn có khoảng cách so với nhiều nước trên thế giới, cơ chế chính sách còn một số bất cập, vướng mắc. Các hệ sinh thái về khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo còn đang từng bước được hình thành, hoàn thiện. Quan điểm chấp nhận rủi ro và vốn đầu tư cho khởi nghiệp còn hạn chế. Số lượng, chất lượng các dự án, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng.
Bên cạnh đó, tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, ngay cả trong thế hệ trẻ. Sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học với đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp còn hạn chế. Giáo dục đào tạo còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng, sáng tạo, khát vọng, tầm nhìn, chưa chú trọng phát huy năng lực đặc thù của từng học sinh, sinh viên, từng vùng miền khác nhau.
Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của thanh niên
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của thanh niên như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn (ngày 23/3/2021) "Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia. Thanh niên có mạnh thì dân tộc mới mạnh; trong sức mạnh của dân tộc có sức mạnh của thanh niên."
Trong 91 năm qua, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã làm tốt nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp, giáo dục, vận động thanh niên tham gia công việc chung của đất nước với tinh thần: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm." Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, tuổi trẻ cả nước đã phát huy truyền thống quý báu của các thế hệ cha anh, sớm thích nghi với điều kiện mới, có ý chí vươn lên lập thân, lập nghiệp, tiên phong, xung kích, sáng tạo, dấn thân, luôn có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới.
Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định về sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước và cá nhân Thủ tướng đến thế hệ trẻ, đến các bạn học sinh, sinh viên. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để có một môi trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi nhất.
Nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp
Dự báo tình hình thời gian tới có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh để phục hồi nhanh, phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế tự lực, tự cường thì phải thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
"Trong đó có nhiệm vụ quan trọng là phải tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng nguồn nhân lực mạnh cả về số lượng và chất lượng theo tinh thần lấy tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam làm trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Để phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần: "Chúng ta phải coi đây là một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị chứ không phải là nhiệm vụ của riêng một bộ, ban, ngành, địa phương nào. Phải đẩy mạnh truyền thông về đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy."
Bên cạnh đó, phải thúc đẩy mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp ngành giáo dục nói chung, nhất là hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng nói riêng. Nhà trường và các thầy, cô giáo phải là người truyền cảm hứng, truyền lửa để học sinh, sinh viên xác định rõ mục đích của việc học tập, có tinh thần học tập, thay đổi tâm thế khi ra trường. Đồng thời, khuyến khích sinh viên có những sáng kiến, đổi mới sáng tạo, tạo ra những mô hình kinh doanh mới, có những đề tài nghiên cứu ứng dụng có thể thương mại hóa hoặc áp dụng vào thực tế, hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho cộng đồng và cho toàn xã hội.
Để thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục phát huy truyền thống con người Việt Nam thông minh, cần cù, sáng tạo, bản lĩnh, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; nghiên cứu, phân tích kỹ hơn, rõ hơn, nhìn thẳng vào những mặt mạnh, mặt yếu của người Việt Nam dưới góc độ khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo để phát huy những mặt mạnh, mặt tích cực, khắc phục, hóa giải những mặt yếu, mặt hạn chế. Truyền thống dân tộc Việt Nam là càng khó khăn, thách thức, càng đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, vượt qua, khẳng định và trưởng thành.
Trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Thủ tướng nêu rõ phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình, phát huy tối đa các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài. Trong đó, Thủ tướng phân tích, nguồn lực bên trong chính là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa. Chúng ta phải lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài và quyết định trong phát triển. Bên cạnh đó cần phối hợp, hài hòa với nguồn lực bên ngoài, gồm: hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn vốn, công nghệ...
Mặt khác, Thủ tướng nhấn mạnh cần sớm khắc phục những tư duy, cách nghĩ không phù hợp, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa nói chung và tới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng. Đó là tâm lý “tiểu nông;" nếp nghĩ theo kinh nghiệm, ngại thay đổi, tầm nhìn ngắn hạn; không dám thể hiện chính kiến; thụ động, “an phận thủ thường”; cục bộ, địa phương, dòng họ; tâm lý bình quân chủ nghĩa “xấu đều hơn tốt lỏi," “đèn nhà ai nhà ấy rạng;" tùy tiện, ý thức kỷ luật kém…
Bên cạnh đó, phát huy tối đa nguồn lực con người, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo; nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Tập trung đào tạo, ươm mầm tài năng, hình thành nguồn nhân lực công nghệ vững chắc, làm nền tảng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
"Muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo," Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần này.
Cũng theo Thủ tướng, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải chú trọng phát triển từ gốc, từ chính kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam. Đưa giáo dục về khởi nghiệp sáng tạo vào nhà trường không chỉ ở bậc đại học, sau đại học mà từ các cấp học. Nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực. Đổi mới từ cách nghĩ, cách làm đến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng, trong đó, lý thuyết phải gắn chặt với thực tiễn, thực hành.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện; tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, tạo môi trường khơi gợi khả năng sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần đổi mới sáng tạo trong tất cả bộ, ban, ngành, địa phương, các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên. Toàn hệ thống giáo dục và đào tạo, từ lãnh đạo các trường trung học phổ thông đến lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo, đặc biệt là lãnh đạo của các trường đại học, cao đẳng đẩy mạnh triển khai Đề án 1665 về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thúc đẩy chương trình chuyển đối số trong giáo dục, gắn các hoạt động chuyển đối số với hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số giải pháp về tạo môi trường, thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh kết nối nhà nước-nhà trường-nhà đầu tư trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, kết nối trong nước và quốc tế...
Thủ tướng giao các địa phương từng bước xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương theo hướng xanh và bền vững. Trung ương Đoàn có giải pháp tạo môi trường, tăng cường truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh việc thành lập các đơn vị chuyên trách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; xây dựng giải pháp hỗ trợ tài năng trẻ trong khởi nghiệp, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường thu hút nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo; quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ quốc gia hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp của Trung ương Đoàn./.