Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại Thành phố Hồ Chí Minh, hàng nghìn đoàn viên, thanh niên tình nguyện đã không ngại khó khăn tham gia hỗ trợ cùng lực lượng chức năng, ngành Y tế thực hiện nhiều công việc từ lấy mẫu xét nghiệm cho đến vận chuyển, cung cấp trang thiết bị, nhu yếu phẩm cho khu cách ly, điểm phong tỏa, chốt kiểm soát trên toàn địa bàn.
Họ có mặt ở khắp các “mặt trận” để cùng chung tay giúp Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua đại dịch COVID-19.
Hỗ trợ từ sáng đến đêm
Những ngày này, cứ mỗi buổi sáng, Phó Bí thư Huyện Đoàn Nhà Bè Phạm Minh Tâm lại cùng các đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên của chiến dịch Kỳ nghỉ Hồng tất bật sắp xếp các loại nhu yếu phẩm thiết yếu lên gian hàng của siêu thị 2.000 đồng nhằm hỗ trợ người lao động nghèo, người có thu nhập thấp tại địa phương.
Đến gần trưa, anh Tâm cùng các bạn đoàn viên lại khẩn trương đi phát 300 suất cơm cho người dân tại khu phong tỏa, người bán vé số, người vô gia cư và người dân trong khu phòng trọ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn huyện.
Anh Phạm Minh Tâm cho biết, tính đến ngày 17/6, huyện Nhà Bè có 5 khu phong tỏa, 2 khu cách ly của huyện và một khu cách ly của thành phố nằm trên địa bàn.
Khu phong tỏa vì dịch COVID-19 lớn nhất mới phát sinh là chung cư Phú Hoàng Anh tại xã Phước Kiển với khoảng 600 người dân. Chính vì thế, công tác hỗ trợ chống dịch của đoàn viên, thanh niên trong huyện phải làm xuyên suốt từ sáng đến đêm.
Anh Tâm chia sẻ, công việc chính của đoàn viên, tình nguyện viên là làm công tác hậu cần, chăm lo đời sống của người dân và hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu chống dịch ở các khu phong tỏa.
Mỗi ngày, từ 4-5 giờ, các đoàn viên, thanh niên tình nguyện đã đi chợ mua rau củ quả và nhu yếu phẩm cung cấp cho siêu thị 2.000 đồng đặt tại xã Hiệp Phước để người dân, công nhân khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 có thể đến lấy về dùng.
Cùng lúc, một nhóm thanh niên tình nguyện khác sẽ tiếp nhận những chuyến hàng là lương thực, gạo và trang thiết bị y tế như tấm chắn giọt bắn, khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay, nước sát khuẩn… do các cá nhân, tổ chức ủng hộ cho công tác chống dịch của huyện.
Sau khi kiểm tra số lượng, lập danh sách, các nhóm sẽ chở đi phân phối cho người dân tại các khu phong tỏa, cách ly vì dịch.
Trong tuần qua, các đoàn viên, thanh niên đã vận động, trao tặng hơn 6.000 vật phẩm, trang thiết bị y tế cho lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 và người dân ở những nơi cần.
Chị Lê Thị Hiệp (trú tại xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) cho biết, từ khi các bạn thanh niên tình nguyện khai trương siêu thị 2.000 đồng ngay tại xã, ngày nào chị cũng dẫn các con đến mua thực phẩm.
Chỉ tốn 2.000 đồng làm phí tượng trưng, chị Hiệp có thể mua được nhiều loại rau củ, trứng, đậu hũ, nước tương… mỗi lần mua có thể đủ nấu bữa trưa và bữa tối cho cả gia đình.
[TP.HCM: Lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái” trong đại dịch]
Bản thân chị bị bệnh, mất sức lao động, chồng làm công nhân xây dựng thời gian qua thu nhập giảm vì dịch, gia đình chị vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn.
Siêu thị 2.000 đồng cùng sự quan tâm hỗ trợ của các bạn đoàn viên, thanh niên đã phần nào giúp chị vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Quận Tân Phú cũng là một trong những “điểm nóng” về dịch COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh. Lực lượng đoàn viên, thanh niên địa phương luôn phải hoạt động hết công suất để cùng tham gia trên các mặt trận chống dịch.
Bí thư Đoàn phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú) Phạm Thị Thu Dung cho biết, thời gian biểu của các đoàn viên, thanh niên tình nguyện tại đây bắt đầu vào khoảng 4 giờ mỗi ngày để sắp xếp nhu yếu phẩm lên gian hàng 0 đồng cho người dân ở khu vực phong tỏa của phường, sau đó hỗ trợ Hội Liên hiệp Phụ nữ phường nấu bữa sáng mang đến cho lực lượng trực tại chốt cách ly, phong tỏa.
Trong ngày, đoàn viên, thanh niên tiếp tục vận chuyển, phân phát dụng cụ bảo hộ y tế, nước rửa tay, gạo, nhu yếu phẩm… cho hộ nghèo, người lao động bị mất việc làm vì dịch...
Tranh thủ giờ nghỉ trưa hoặc tối, các bạn trẻ cắt, may khẩu trang để trao tặng cho người dân. Công việc tất bật từ sáng sớm đến tận đêm khuya nên nhiều tình nguyện viên chọn cách ngủ lại điểm trực, ít khi về nhà.
Chị Phạm Thị Thu Dung cho biết, bên cạnh hoạt động chăm lo cho người dân, các đoàn viên, thanh niên sẵn sàng hỗ trợ ở các chốt chặn, cùng lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 nếu xuất hiện ca mắc COVID-19.
Công việc luôn tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định nên không tránh khỏi sự e ngại, lo lắng từ phía gia đình nhưng các bạn đoàn viên đều động viên người thân rằng “chống dịch như chống giặc,” tuổi trẻ càng không nên ngại khó, ngại khổ mà cống hiến hết mình, vì dân phục vụ, cùng thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Nắng nóng và áp lực công việc không làm vơi sự nhiệt huyết
Chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh) được xem là một trong những chợ đầu mối lớn nhất Việt Nam, tập trung hơn 10.000 tiểu thương, lao động cùng hơn 30.000 lượt người, phương tiện đến mua sắm, phân phối hàng hóa mỗi ngày đến nhiều nơi trên địa bàn thành phố.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều bạn trẻ đã gửi đơn tình nguyện về Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh và chia ca, túc trực tại chợ đầu mối khổng lồ này từ 6 giờ đến 20 giờ hàng ngày tiếp sức chống dịch.
Với 3 ca trực xuyên suốt trong ngày tại 3 chốt: cổng chính xe máy vào chợ, chốt Bến Đò và chốt từ Quốc lộ 1, lực lượng tình nguyện viên có trách nhiệm phân làn đường, kiểm soát thân nhiệt, hướng dẫn khai báo y tế, nhắc nhở tiểu thương, nhân dân đi chợ đảm bảo các quy tắc về phòng, chống dịch bệnh.
Trung bình mỗi bạn phải trực chốt từ 8-12 tiếng và chỉ nghỉ khoảng một tiếng để ăn cơm. Với mật độ tiếp xúc cao, dù nắng hay mưa các bạn tình nguyện viên cũng phải mặc đồ bảo hộ, đeo găng tay, kính… khi làm nhiệm vụ trong suốt ca trực hàng giờ đồng hồ.
Bí thư Đoàn thanh niên chợ Bình Điền Huỳnh Duy Hiếu cho biết, điều khó khăn nhất của các đoàn viên tình nguyện khi làm nhiệm vụ tại đây là hướng dẫn khai báo y tế cho người lao động nghèo, không biết chữ, không có số điện thoại hoặc không nhớ địa chỉ nhà trọ.
Khi gặp những trường hợp này, các bạn đoàn viên phải thật kiên nhẫn hướng dẫn từng bước để lưu lại thông tin của tất cả người ra vào chợ dùng làm đối chiếu khi cần.
Nhiều khi, các bạn phải kiên nhẫn gần 30 phút để khai báo xong thông tin cho một người lao động hay thỉnh thoảng gặp người gắt gỏng, không chịu hợp tác...
Thế nhưng, cái nắng và sự áp lực của công việc vẫn không thể làm vơi đi sự nhiệt huyết, trách nhiệm của tuổi trẻ thành phố mong muốn giúp người dân yên tâm mưu sinh, cũng là góp phần gìn giữ sự bình yên cho thành phố trước đại dịch.
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp diễn với sự tham gia của toàn dân, toàn quân, trong đó đoàn viên, thanh niên là một trong những lực lượng chủ chốt.
Từ những nơi nguy hiểm đến chỗ khó khăn đang cần được giúp đỡ đều có sự xuất hiện của màu áo xanh thanh niên tình nguyện, với sức trẻ, tinh thần xung kích cùng hướng đến mục tiêu Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhanh chóng chiến thắng đại dịch để cuộc sống trở lại bình thường./.