Thanh niên sẽ tò mò hơn về ma túy nếu dự phòng nghiện không đúng cách

Phương pháp giáo dục, tuyên truyền về tác hại của ma túy có thể trở nên phản tác dụng khi nó khiến cho trẻ em, thanh thiếu niên biết đến ma túy nhiều hơn, thậm chí tò mò, quan tâm tới hơn tới ma túy.
Điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng sử dụng thuốc thay thế bằng Methadone. (Ảnh minh họa: Thanh Thương/TTXVN)

Tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy là một trong những biện pháp dự phòng nghiện ma túy được nhiều quốc gia sử dụng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có thể phản tác dụng vì nó khiến cho trẻ em, thanh thiếu niên biết đến ma túy nhiều hơn, thậm chí quan tâm tới ma túy hơn.

Đây là khuyến nghị được ông John Hamilton, Giám đốc điều hành Mạng lưới các Chương trình Hồi phục đến từ Mỹ đưa ra tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về dự phòng nghiện và xây dựng chương trình can thiệp dự phòng nghiện ma túy trong thời gian tới do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức ngày 18/9 tại Hà Nội.

Ông John Hamilton chia sẻ, trong vòng 50 năm qua, Mỹ đã thay đổi dự phòng nghiện từ đơn thuần là các chiến thuật đe dọa, giáo dục và thông tin về may túy tới cách tiếp cận dựa theo khoa học bằng giáo dục cảm xúc, nhân rộng các mô hình….

Ông John Hamilton cho biết, trước đây, Mỹ đã tốn khoảng 600 triệu USD cho chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy tới thanh thiếu niên nhưng các nghiên cứu sau đó cho thấy việc tuyên truyền này không những không có tác dụng mà còn làm tăng sự tò mò, quan tâm về ma túy của thanh thiếu niên.

“Theo những nghiên cứu thì trẻ em không kiểm soát được cảm xúc là những trẻ có nguy cơ sử dụng ma túy cao và trẻ bắt đầu sử dụng ma túy thường vì lý do cảm xúc. Vì vậy, theo tôi không chỉ giáo dục đơn thuần về tác hại của ma túy mà còn cần đào tạo cho giáo viên để giải quyết các xung đột, dạy trẻ biết kiểm soát cảm xúc. Những phương pháp tiếp cận khoa học này đã được sử dụng và có tác dụng tích cực ở Australia, Anh, Canada…” Ông John Hamilton nói.

Nghiên cứu cho thấy các chương trình dự phòng không chỉ tránh việc lạm dụng các chất gây nghiện mà còn là một cách tiết kiệm chi phí. Ở Mỹ, mỗi 1 USD chi cho dự phòng lạm dụng chất gây nghiện tiết kiệm từ 2-20 USD nhu cầu cho các dịch vụ y tế và xã hội.

Đánh giá về tình hình thực hiện dự phòng nghiện tại Việt Nam, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhận định, số người nghiện ma túy tổng hợp ở Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh nhưng hiện nay vẫn đang chú trọng đến cai nghiện mà chưa chú ý đến công tác dự phòng can thiệp sớm trong khi quốc tế đã quan tâm đào tạo dự phòng nghiện từ lâu.

“Do chưa quan tâm đến các biện pháp dự phòng nên nhiều khi chúng ta lúng túng trong xử lý đối với người mới sử dụng ma túy, người lạm dụng ma túy chưa đến mức độ nghiện,” ông Lê Đức Hiền nói.

Ông Lê Đức Hiền cho biết, Chính phủ đã đồng ý giao Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội xây dựng Luật Dự phòng và Điều trị nghiện ma tuý. Luật này được xây dựng theo hướng chú trọng phân loại người mới sử dụng, người lạm dụng, người nghiện ma túy để có biện pháp tư vấn, quản lý phù hợp (không nhất thiết phải đưa vào các chương trình cai nghiện), đồng thời đa dạng hoá biện pháp, hình thức cai nghiện cho từng người nghiện khác nhau…

Các chính sách dự phòng nghiện ma túy sẽ tập trung vào các đối tượng thanh thiếu niên và xây dựng các chiến dịch dự phòng trong trường học, nơi làm việc và tại cộng đồng./.

Theo báo cáo của Bộ Công an, tình hình nghiện ma túy ở nước ta những năm gần đây tiếp tục diễn biến phức tạp. Số người nghiện ma túy đã xuất hiện ở 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn trong cả nước; số người tái nghiện chiếm tỷ lệ tương đối cao. Cả nước hiện có trên 204.000 người nghiện ma túy.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục