Thanh niên dân tộc Thái khởi nghiệp thành công từ đèn ống tre

Sản phẩm đèn làm từ ống tre của Hà Văn Thời, thanh niên dân tộc Thái ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng bởi sự độc, lạ, an toàn và thân thiện môi trường.
Những chiếc đèn ống tre được chàng trai trẻ Hà Văn Thời làm ra nhìn độc, lạ và thân thiện môi trường. (Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN)

Với ý tưởng sáng tạo làm đèn từ ống tre, anh Hà Văn Thời, ở bản Đông, xã Mường Than, huyện Than Uyên (Lai Châu) quyết định khởi nghiệp từ chính niềm đam mê với sản phẩm thủ công này.

Đến nay, các sản phẩm của anh làm ra rất phong phú, đa dạng, thân thiện môi trường và được khách hàng trong, ngoài nước ưa chuộng.

Từ đam mê đến sáng tạo

Cách đây hơn 10 năm, Hà Văn Thời (sinh năm 1993, người dân tộc Thái) học xong trung học phổ thông và đi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Đến đầu năm 2015, anh ra quân và trở về quê chăn nuôi lợn. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh tả lợn châu Phi, anh đã thất bại.

Năm 2018, Thời rời quê hương đi làm thuê tại Hà Nội. Năm 2019, anh làm việc cho một công ty ở Hải Phòng. Trong một lần đi chơi, anh thấy có nhiều cơ sở, đơn vị sản xuất bóng đèn trang trí đều làm bằng nhựa, thủy tinh hoặc giấy.

Đặc biệt, một lần vào quán càphê ngồi nghỉ uống nước, nhìn lên những chiếc bóng đèn thủy tinh được trang trí tại quán, anh đã nhen nhóm ý tưởng sáng tạo ra bóng đèn với kiểu mẫu khác.

Về phòng trọ, chàng trai ấy trăn trở suy nghĩ tại sao mình không tạo ra sản phẩm bóng đèn độc, lạ, thân thiện môi trường. Nghĩ là làm, anh xin nghỉ việc và trở về quê.

Khi phụ giúp gia đình làm ruộng, Thời nhận thấy địa phương có nhiều tre. Trong khi đó, ít nơi sử dụng các loại đèn này để trang trí quán càphê, khách sạn, nhà hàng, phòng ngủ, phòng khách và sân vườn. Từ sự trăn trở ấy, anh nghĩ ra ý tưởng làm đèn từ ống tre.

Khi có ý tưởng, Thời tự mình nghiên cứu rồi tìm tòi trên các trạng mạng để tạo ra sản phẩm có mẫu mã khác lạ. Sau đó, anh tiếp tục đi học hỏi từ các thợ mộc về cách cắt ống tre và dùi lỗ, vẽ tạo họa tiết.

[9X khởi nghiệp thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao]

Khi học được chút kinh nghiệm, Thời trở về nhà bắt tay ngay vào việc làm thử. Mới đầu, anh còn bỡ ngỡ nên liên tục làm hỏng. Có lúc, anh cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc.

Anh Hà Văn Thời hướng dẫn các thanh niên sơn bóng cho sản phẩm. (Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN)

Thời nghĩ nếu bỏ cuộc lại quay về với công việc làm thuê vất vả trước đây, vì vậy, anh quyết tâm kiên trì làm bằng được. Từng ngày trôi qua, anh vẫn chăm chỉ tập làm các sản phẩm. Sau vài tháng thử nghiệm, anh đã tạo ra sản phẩm ưng ý cho mình.

Lúc đầu, anh làm sản phẩm từ họa tiết đơn giản trước, sau đó mới tập làm họa tiết hoa văn phức tạp hơn. Trong quá trình làm, anh đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau từ tre.

Sản phẩm thân thiện môi trường

Khi mới bắt đầu khởi nghiệp, số vốn trong tay của Thời không đủ để mua sắm máy móc. Nhờ sự hỗ trợ từ Huyện Đoàn Than Uyên, anh có thêm vốn để mua máy móc và giới thiệu sản phẩm.

Năm 2020-2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh làm sản phẩm với số lượng ít và tìm kiếm thị trường. Đến năm 2022, dịch bệnh được kiểm soát, anh đã thuê thêm người để làm ra nhiều sản phẩm với mẫu mã khác nhau. Anh chú trọng các hoa văn vừa đảm bảo sự sắc nét và gắn với phong tục tập quán của đồng bào Thái.

Cầm trên tay chiếc đèn ống tre, Hà Văn Thời chia sẻ, lúc đầu triển khai, anh tập làm bằng phương pháp thủ công. Sau đó, anh mua máy móc về để tạo hoa văn và thiết kế sản phẩm phức tạp hơn.

Ngoài sản phẩm đèn ống tre, Hà Văn Thời còn sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau từ thiên nhiên như đèn trang trí, cốc uống nước, ống đựng văn phòng phẩm, đồng hồ. (Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN)

Một sản phẩm hoàn thành phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Tre được chọn là loại cây có ống thẳng, không non vì dễ biến dạng ống và không quá già để đảm bảo tính thẩm mỹ cho sản phẩm. Thời gian để tạo ra sản phẩm tùy thuộc vào từng loại.

Nếu sản phẩm đơn giản, một người có thể làm ra từ 5-7 cái/ngày; đối với mẫu phức tạp có hình hoa lá hay con vật mỗi người chỉ làm được 2-3 sản phẩm/ngày, bởi phải trải qua các công đoạn như cắt, gọt, mài, chà, nhám, vẽ khuôn và hoàn thiện sơn.

Về đầu ra sản phẩm, lúc đầu, anh chủ yếu bán qua mạng xã hội. Dần dần, nhiều người biết đến và chủ động liên hệ đặt hàng.

Đến nay, mô hình khởi nghiệp của anh đã sản xuất được 50-70 mẫu từ ống tre như đèn trang trí, cốc uống nước, ống đựng văn phòng phẩm, đồng hồ…

Mỗi sản phẩm đều có giá bán khác nhau, mẫu đơn giản từ 65.000-80.000 đồng/sản phẩm, đồ đựng văn phòng từ 45.000-50.000 đồng, mẫu phức tạp hơn có giá 200.000 đồng/bộ. Các sản phẩm chủ yếu bán tại thị trường Lào Cai, Hà Nội, Sơn La và một số nước.

Sở dĩ sản phẩm của Hà Văn Thời nhanh chóng được mọi người biết đến chính là sự độc, lạ, an toàn và thân thiện môi trường. Hiện, người tiêu dùng ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường nên sản phẩm của anh dần được các cửa hàng nhập.

Đến nay, mô hình khởi nghiệp của Thời đã tạo việc làm cho từ 3-5 lao động địa phương, với mức lương từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. Đa số các lao động đều là thanh niên trong bản và có đam mê giống anh.

Đến nay, Hà Văn Thời tạo việc làm cho 3-5 lao động là thanh niên địa phương với mức lương từ 4,5-6 triệu đồng/người/tháng. (Ảnh: Đinh Thùy/TTXVN)

Em Hoàng Đình Nguyên, bản Đông, xã Mường Than cho biết thấy anh Thời làm đồ thủ công từ tre, em rất thích nên đã xin vào làm. Công việc hiện tại của em là sơn hoàn thiện và quay video quảng bá sản phẩm. Công việc này rất phù hợp với khả năng của em và thu nhập ổn định. Em thấy việc làm đèn từ ống tre rất có ý nghĩa, bởi sản phẩm làm từ thiên nhiên góp phần bảo vệ môi trường.

Mặt khác, địa phương có nhiều tre nên tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để sáng tạo sản phẩm nhằm quảng bá đến mọi người về hình ảnh quê hương.

Hà Văn Thời cho biết thời gian tới, để sản phẩm đèn ống tre tiếp tục vươn xa ra thị trường, anh có kế hoạch mở rộng xưởng và đầu tư thêm máy móc. Tuy nhiên, do nguồn vốn còn hạn chế, anh mong muốn được chính quyền địa phương và tổ chức Đoàn tiếp tục hỗ trợ về nguồn vốn và khâu giới thiệu bán sản phẩm, qua đó góp phần tạo việc làm ổn định cho thanh niên trong bản.

Đánh giá về mô hình khởi nghiệp của Hà Văn Thời, Bí thư Huyện Đoàn Than Uyên Đỗ Văn Tuấn nhấn mạnh, đây là mô hình khởi nghiệp mới và đầu tiên của thanh niên trên địa bàn huyện về thủ công mỹ nghệ.

Thời gian tới, Huyện Đoàn tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Thời phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường và kết nối với homestay, nhà hàng để xuất bán sản phẩm.

Trong nhiệm kỳ, Huyện Đoàn đặt mục tiêu đưa sản phẩm đèn ống tre nói riêng và các sản phẩm khác của thanh niên trở thành sản phẩm OCOP có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục