Một đoạn băng đã được lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Nam Phi, trong đó ghi lại cảnh một người đàn ông Nam Phi đang ép buộc một người đàn ông da đen kêu khóc thảm thiết chui vào một chiếc quan tài và đe dọa sẽ châm lửa đốt.
Theo Daily Mail, đoạn băng đã làm dấy lên một lần nữa cuộc tranh luận về xung đột chủng tộc đã và đang gây ảnh hưởng xấu tới "quốc gia cầu vồng" này.
Những người bình luận về đoạn băng đã chia thành 2 phe khi nói tới 'nạn nhân' thực sự trong cảnh tượng kinh khủng đó. Điều này đã cho thấy quốc gia này vẫn còn bị chia cắt tới mức nào hơn 2 thập kỷ sau khi chủ nghĩa apartheid bị chấm dứt.
Trong đoạn clip dài 20 giây được quay bằng điện thoại di động, một người đàn ông da trắng - được cho là một nông dân - đã thả một thanh gỗ lớn ra để nhét một người da đen đang hoảng sợ vào chiếc quan tài gỗ, ra lệnh cho anh này "vào quan tài, tao muốn tưới chút xăng."
Người đàn ông thứ hai đang cầm máy quay đã đưa ra lời đe dọa "cho rắn" vào, trong khi người thanh niên da đen tiếp tục rên rỉ và lăn lộn trong hoảng loạn khi nắp quan tài bị đóng lên người anh.
Trong suốt đoạn clip, hai người đàn ông da trắng la hét bằng tiếng Afrikaan và Zulu, được sử dụng chủ yếu bởi người Nam Phi da đen và một số nông dân da trắng, ở những vùng mà bạo lực ở các nông trại là điều phổ biến.
Người đàn ông da trắng đội mũ màu kaki, mặc áo sơ mi, quần short, bộ đồng phục không chính thức của nông dân Nam Phi, và nạn nhân của ông này trong quan tài mặc chiếc áo của đội Orlando Pirates, một trong số những đội bóng nổi tiếng nhất của Johannesburg.
Trong khi phần lớn người bình luận lên án hành động thô bạo trong đoạn clip như một điển hình cho nạn phân biệt chủng tộc vẫn còn dai dẳng đang ảnh hưởng tới sự thay đổi đầy khó khăn của Nam Phi sau khi kết thúc thời kỳ cai trị của người gia trắng, thì những người khác lại cho rằng nạn nhân trong đoạn phim đang bị trừng phạt thích đáng vì là một mối đe dọa.
Trong khi lực lượng cảnh sát đang phải chịu áp lực lớn nhằm kiềm chế sự vô luật pháp đang lên - trong bối cảnh thất nghiệp và nghèo đói ở mức cao - việc tự trừng trị các hành vi phạm pháp luật đang ngày càng tăng cao và đáng báo động.
Căng thẳng giữa người da trắng và da màu dường như tồi tệ hơn bao giờ hết.
Vào tháng Một năm nay, Ủy ban nhân quyền Nam Phi đã nhận được 160 khiếu nại liên quan tới chủng tộc, con số hàng tháng cao nhất trong lịch sử 20 năm của ủy ban.
Các nhóm ủng hộ da trắng cho rằng họ mới là người cần được bảo vệ.
Theo số liệu thống kê tội phạm, làm một người nông dân da trắng ở Nam Phi nguy hiểm gần gấp đôi so với một sỹ quan cảnh sát.
Liên hiệp Nông nghiệp Transvaal của nước này ước tính có gần 3000 vụ tấn công bạo lực ở các trang trại và hơn 1600 vụ giết người ở trang trại kể từ năm 1990.
Năm ngoái, tổ chức này đã khiếu nại với Liên hợp quốc rằng nhóm này là một "nhóm thiểu số bị chèn ép" - người da trắng chỉ chiếm 9% dân số, nhưng vẫn được hưởng mức lương cao hơn và thống trị các ngành công nghiệp sinh lợi nhiều nhất.
Đảng cầm quyền ANC đang cố gắng thông qua đạo luật chống phân biệt chủng tộc, nhằm phạt tù những người phạm tội "cuồng tín chủng tộc."
Nhóm Chiến binh Tự do Kinh tế, một nhóm đối lập cực đoan đang ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ, đã kêu gọi "một cuộc thập tự chinh chống lại quyền tối thượng của dân da trắng."
Những cuộc biểu tình bạo lực diễn ra tại các trường đại học, chủ yếu tiến hành bởi các sinh viên da đen do vấn đề lệ phí và việc tiếp tục sử dụng tiếng Afrikaan như một ngôn ngữ học thuật, đã dẫn tới việc một số cơ sở bỏ dở cả năm học.
Tiến sỹ Johann Burger, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu An ninh, dự đoán rằng đoạn video sẽ được sử dụng bởi cả hai bên để hỗ trợ cho quan điểm cực đoan của họ.
Ông trả lời phỏng vấn với Mail Online: "Có rất nhiều thách thức ở Nam Phi vào thời điểm này, và một sự cứng rắn trong quan hệ chủng tộc, trong đó con người ngày càng cảm thấy tự do hơn khi đưa ra những lời lẽ phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội và điều đó đang góp phần làm gia tăng căng thẳng.
"Tôi chắc chắn một đoạn video như vậy sẽ được những người cực đoan ở cả hai phía của cuộc tranh luận sử dụng như bằng chứng củng cố cho quan điểm của họ.
"Tuy nhiên, tôi rất lo ngại việc chính phủ đang xem xét tìm tới luật pháp để cố gắng phi pháp hóa nạn phân biệt chủng tộc, và tôi không thấy cách đó có thể đem lại bất kỳ hiệu quả nào trong việc tăng cường sự khoan dung ở Nam Phi. Nó rất có thể sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn," tiến sỹ nói thêm./.