Thanh long xuất khẩu Bình Thuận gặp khó đầu ra

Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết, thanh long Bình Thuận gặp khó đầu ra, lượng thanh long xuất khẩu hiện chỉ đạt 60%.
Ngày 26/12, ông Bùi Đăng Hưng – Chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận cho biết, thanh long Bình Thuận đang gặp khó đầu ra, lượng thanh long xuất khẩu hiện chỉ đạt 60% so với cùng kỳ năm trước.

Bình Thuận hiện là “thủ phủ” thanh long của cả nước với tổng diện tích trên 19.500 ha, sản lượng bình quân hàng năm gần 400.000 tấn. Thanh long Bình Thuận đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu… Thị trường lớn nhất vẫn là châu Á với hơn 85% thị phần. Tuy nhiên đến 80% sản lượng thanh long xuất khẩu của tỉnh hiện nay bằng đường tiểu ngạch (chỉ 20% xuất khẩu chính ngạch).

Theo ông Hưng, xuất khẩu tiểu ngạch là phương thức mua - bán chứa đựng nhiều rủi ro. Bởi doanh nghiệp gần như lệ thuộc phía đối tác về giá mua và sản lượng tiêu thụ. Tình trạng ép giá cũng xảy ra, làm các doanh nghiệp và người trồng thanh long bị thiệt. Đối với các thị trường có tiềm năng lớn như Mỹ, Canada, Nhật Bản, châu Âu… đòi hỏi các khâu phải đạt chuẩn theo qui định từ trồng, thu mua, đóng gói và bảo quản. Trong khi đó, thanh long Bình Thuận hiện vẫn yếu về vấn đề này.

Theo thống kê, toàn tỉnh đã có hơn 5.000 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, và 240 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây là tiêu chuẩn để được xuất khẩu sang các thị trường như châu Âu, châu Mỹ… Nhưng con số này vẫn còn nhỏ bé so với tổng diện tích thanh long hiện có của tỉnh.

Về vấn đề đầu ra đang gặp khó, ông Hưng cho biết, nguyên nhân là những thị trường nhập khẩu thanh long của Bình Thuận như: Trung Quốc, Thái Lan… đều đang vào mùa trái cây nên họ hạn chế nhập trái cây từ bên ngoài. Để mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long bền vững thì ngoài tiêu chuẩn sạch, an toàn, đòi hỏi phải đáp ứng được những yêu cầu riêng của từng quốc gia nhập khẩu.

Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đang vận động ít nhất 80% thành viên là các doanh nghiệp, đi tiên phong và gương mẫu trong việc xây dựng nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn và tổ chức thu mua sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiệp hội Thanh long Bình Thuận cũng đang xây dựng và hình thành các tổ liên kết, nhằm tạo sức mạnh trong tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh công tác kiểm tra, đánh giá để tăng thêm diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP… Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề ra giải pháp đầu tư phát triển mạnh hệ thống thu mua, đóng gói và bảo quản để đảm bảo tiêu thụ kịp thời cho nông dân.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đã phê duyệt đề án Xây dựng khu ứng dụng công nghệ cao cho thanh long, theo đó sẽ xây dựng khu thí nghiệm, chọn giống thanh long rộng 52 ha tại xã Hàm Minh (huyện Hàm Thuận Nam ), công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020./.

Nguyễn Thanh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục