"Tâm Thành và Lộc Đời" là cuốn hồi ký đầu tiên Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc viết về hành trình làm nghề cũng như những câu chuyện đời mình. Chúng tôi xin trích đăng Chương 8 của cuốn hồi ký này:
Sau khi ngồi ngó lại mấy trăm cái Bóng của mình, tôi cũng chẳng biết cái Hình gốc của mình có còn đọng lại sắc màu gì không? Hay nói như dân gian, Phù Thuỷ cũng có lúc bị âm binh khống chế.
Có một truyện ngắn của Nhật Bản, hình như tựa là Nhà. Một người quần quật làm việc, với giấc mơ sẽ có được một căn nhà như mình thích.
Một ngày thấy chân mình bị dính vào mặt đường, kéo lên thì thấy hình như nó có một sợi thòng lòng như cọng tơ dư của mấy cái áo dệt bằng tơ sợi.
Kéo sợi tơ ấy ra và dệt căn nhà như mơ của mình. Anh kéo tiêu đôi chân, rồi đôi tay, mình, đầu, toàn thân của mình.
Khi căn nhà hoàn tất, thì anh không còn tồn tại để bước vào sống trong căn nhà đó nữa. Tôi nghĩ chắc mình cũng vậy, một ngày nào có được cái nhà hát như tôi mơ ước, chắc chẳng còn Thành Lộc để bước vào đó diễn.
Vậy tôi là ai? Thử làm một nét phác hoạ về mình. Đầu tiên, chắc chắn đó là một người không tỉnh táo cho lắm, nói thẳng ra là một người điên, không phải loại điên không biết họ là ai, mà điên có lý trí và kiểm soát được, để lao vô nỗi cám dỗ khi đóng vai chết thì cũng không thể chết được.
Tên điên nầy làm một nghề gọi là nghệ thuật, là một nghề không thể sản xuất hàng loạt như bánh trung thu, có thể một thời gian dài ngủ đông đến độ bị nghi là tiêu rồi, hết hành nghề nổi hay lụt mất tiêu nghề rồi, có thời kỳ chui vào cuộc đời một người khác, với kiểu diễn mà nhiều người nghi là diễn xong sẽ chết.
Mỗi người có một số phận riêng của mình, khi vơ hết vào mình, diễn xong rồi, hồn xác trả lại nhau, làm sao sống, rồi làm sao làm sạch mình để rồi lại chui vào đời khác nữa.
Thời gian năm, sáu năm trời gắn mình với vở Dạ Cổ Hoài Lang, sau mỗi xuất diễn, mắt tôi dường như mờ đi không phải vì nước mắt, mà vì nỗi buồn cứ trào ra nơi khoé mắt cứ như là nhiệt huyết rỉ ra.
Tôi phải đi kiếm một quán về khuya, kiếm một ly vang uống vào để chắt cạn nỗi buồn rồi mới về nhà ngủ được.
Nhớ một thời được xem những vở khác mình thời gian và không gian như Thái Hậu Dương Vân Nga, Tiếng Hát Tuyệt Vời, Hòn Đão Thần Vệ Nữ, Thanh Gươm và Nữ Tướng mà gần gũi mình biết bao.
Rồi liên tưởng đến Bạch Lê, người chị thân thiết và cũng là thần tượng của mình. Không phải tự nhiên mà chị được phong tặng cái danh xưng Hồ Quảng Chi Bảo.
Đó là ngoài xã hội, còn trong gia đình, chị là người con đại hiếu. Chính chị gồng gánh phần lớn kinh tế gia đình, nuôi các em ăn học cùng phụng dưỡng cha mẹ.
Cả nhà tôi chuyển từ đình Cầu Quan sang ngôi nhà ở quận 10 phần lớn từ tiền đi hát của chị. Để làm được điều đó, chị phải hi sinh hạnh phúc riêng một thời gian dài, lập gia đình khá muộn ở tuổi 40, hai năm sau mới sanh con đầu lòng.
Nếu tài năng, sự hiếu đạo của chị khiến tôi nể một, thì tôi nể đến mười vào ngày chị ở trên đỉnh cao danh vọng rồi khi cần, phủi tay, quay lưng bỏ sạch, không còn một chút mơ mộng tiếc nuối nào.
Ước chi tôi có thể an nhiên tự tại, không sân hận gì với đời, với nghề được như chị. Với các chị lớn, tôi thương quý hết, ai cũng hướng về và có trách nhiệm cao với gia đình.
Tôi dùng chữ "chị lớn" vì tôi vẫn còn có... chị nhỏ! Ở đây tôi chỉ muốn nói về các chị lớn với tất cả lòng quý trọng của mình.
Đôi khi tôi thấy kiểu sống trút hết sức cho nghệ thuật của mình có một kiểu gì đó quá cá nhân. Là kẻ thiện tâm với đời như vậy đã đủ chưa?
Hay mình là đứa đầu thai lộn kiếp vào nhà mình, cứ theo rượt mãi những bóng ảo của hào quang danh vọng mà mất đi những gắn bó với gia đình.
Nhìn lại đi, so với các chị, mình có ảo không? So với anh Bạch Long, mở lớp đào tạo, biết người biết ta, chưa chắc mình bằng.
Giá trị lớn nhất của một con người là bạn đã cống hiến gì cho cộng đồng đang sống. Còn lại những gì thuộc về cuộc sống riêng tư là bất khả xâm phạm. Tôi nên khơi mở thêm đời riêng hay dừng lại ở đây?
Hai mươi năm nay, nếu đồng ý tôi đã có nhiều vật chất hơn những gì đang có. Xe sẽ đổi? Nhà sẽ thêm?
Đã gọi là điên thì mọi của cải vật chất chỉ là phương tiện chớ chưa bao giờ với tôi là mục đích sống.
Đã gọi là điên thì đừng ai hỏi tôi những câu thừa như: Cờ đến tay, sao không phất? Mỗi người một kiểu nghĩ.
Loại người điên tỉnh táo như tôi chỉ mơ được làm những gì mình thích mà thôi. Nhờ lăng ba vi bộ giữa mộng và thực, tỉnh và điên, tôi mới có thể đứng trong lòng khán giả lâu như vậy và sâu nặng như vậy.
Dù tỉnh hay điên thì tôi cũng tin vào thuyết tương đối của Albert Einstein, mọi sự đều là tương đối. Đừng cầu toàn vì con người không bao giờ là hoàn hảo.
Mình không phải là người ở tuyệt đỉnh thông tuệ, nhưng mình cũng từng được đóng những con người tiêu biểu cho văn hóa là Nguyễn Trãi, Khuất Nguyên...
Đừng lý tưởng hoá mọi việc, hãy tìm cái hay từ trong những điều tệ hại nhứt. Thất vọng đầu tiên về thầy cô mình hay ai đó được tôi bào chữa ngay bằng ý tưởng nầy.
Tôi sống thiên về tình hơn là tiền, chẳng thích những số tiền ai đó muốn cho mình bằng những mẩu quà nhỏ xinh gói tình trong đó.
Với những cấp dưới nào nghĩ rằng không quà cáp cho tôi sẽ bị mất điểm là không hiểu tôi. Tôi quý trọng tình cảm của những bạn nghèo trong một môi trường vật chất.
Có lẽ do tên Lộc của mình, tôi rất thích lá. Như đã kể, từ nhỏ, tôi đã ép đầy vở mình những chiếc lá bồ đề ngâm tro nhuộm màu và yêu lắm những gân lá mong manh.
Sau nầy thấy thiên hạ đi hái lộc cũng thấy bất ổn vì cảm giác như sự sống lại bị hái đi. Nhưng rồi cũng ngộ ra, lộc đến cuộc đời này làm gì nếu không là để cho đi.
Ngó đời sống của những con nhộng xấu xí trước khi thành những cánh bướm rực rỡ, tận cùng cũng là cái chết. Đám dâu tơ tằm khi nhả hết những sợi óng ánh trong lòng mình rồi cũng đến lúc đi đó thôi.
Ở chương tả mình nầy, để dễ cho các bạn hình dung hơn, tôi sẽ kể ra những điều tôi yêu và những gì tôi không ưa.
Tôi cũng sẽ thử kê ra những cái gọi là tật của mình. Cứ tạm coi là mình có tài đi, thì tài thường đi với tật. Yêu mình có phải là một cái tật không?
Riêng tôi cũng thấy mình xứng đáng được mình... yêu, sau những gì mà tôi đã trải qua, có nhiều điều công chúng biết, cũng có những trải nghiệm sâu nặng nó rồi tiễn biệt nó trôi xa.
Ai theo dõi trang facebook của tôi sẽ thấy xuất hiện nhiều hình về ăn uống, tuy chẳng phải là người ham hố chuyện nầy.
Chỉ là một kiểu cố thưởng mình sau những giờ vắt sức ra gần như kiệt lực. Có người thương tôi quá đã kêu tôi rầy ngay mặt, nè chẳng hay ho gì lắm đâu, cai kiểu làm việc gì mà cứ như đó là cơ hội cuối cùng được diễn, được làm.
Tương đối, tôi tin mình biết mình là ai và biết mình nên làm cái gì. Thành Lộc à? Có vẻ như đó là một người cũng khá đa tài, không ngán ngại chuyện khám phá cái mới.
Điều may mắn lớn cho đời tôi là tôi được làm nhiều loại hình nghệ thuật mà mình thích. Có thể nói tôi có năng khiếu bẩm sinh và cảm thụ âm nhạc từ khi rất nhỏ.
Tôi không phải là loại giỏi nhạc lý nhưng cảm nhận và thể hiện cao độ, trường độ đều không phô, riêng về thẩm âm thì cực hay.
Ngay lúc tám, chín tuổi tôi đã có thể dựa vào luật bằng trắc để vừa hát đại, vừa sáng tác thêm lời, dựa trên âm nhạc của ai đó sáng tác rồi.
Một ngày đẹp trời, tôi bỗng khám phá ra mình có thể hát được y chang những gì mình vừa nghe...
Một kỉ niệm không bao giờ quên khi tám tuổi, giai đoạn còn bận áo bà ba trắng, tôi đã có thể hát y như chất giọng thanh trong của Hoàng Oanh, hay luyến láy rồi chuyển sang cao vút như tiếng hát Thái Thanh.
Chỉ khi sang tuổi thiếu niên, bị vỡ giọng, tôi mới tạm ngừng khát vọng hát ca, nhưng vốn trời cho nầy bổ ích để kỹ năng diễn được hoàn hảo hơn khi trình diễn trên sân khấu. Tôi vô cùng hạnh phúc về điều nầy.
Nhất là khi tôi sớm biết mình không hát cải lương được. Cải lương cần giọng đẹp hơn và phải được rèn luyện nhiều từ các lò dạy ca cổ.
Có dịp làm chung là thấy ngay công việc của mình có hiệu ứng cho những người khác. Ví dụ như khi tôi tham gia Thanh xướng Lụa của Quốc Bảo (sau nầy còn có live show của Thanh Thảo, Cẩm Ly, Phan Đinh Tùng, Quách Tuấn Du...), tuy không ký xướng âm được, nhưng chỉ cần nghe ai ca qua là tôi hát được ngay.
Tất cả những năng khiếu thiên bẩm nầy càng khiến tôi cảm nhận được bản thân mình là một vốn quý, là tài sản của nhiều người.
Vậy tại sao mình lại không thể yêu mình? Mà càng thương mình, mình cần phải bảo vệ gìn giữ bởi mình có sống riêng cho cá nhân mình nữa đâu.
Khi yêu tôi, tôi càng yêu một cách đau đớn sự nổi loạn của chính mình. Sẽ tiếc lắm nếu mình chết đi, phải chăng sẽ rụng luôn mốt thế hệ nghệ sỹ thiếu sự liều mình để có tác phẩm hay và sẽ tồn tại một thế hệ hiền ngoan chỉ biết vâng lời.
Khi còn trẻ, còn nhiều ngông ngạo, nghĩ mình 40 tuổi chết được rồi. Đến lúc chạm ngõ 40, thấy chưa chết được đâu, ngoài chuyện chung quanh tạo cảm giác mình còn trẻ măng, còn là việc ngổn ngang bao ước vọng về nghề chưa đủ thời để bung ra hết.
Giờ đã hơn 50, cơn điên nghề nầy vẫn luẩn quẩn loanh quanh, có làm thêm được gì nhiều đâu, khi chung quanh vẫn toả ra, tưởng là nhiều hướng, nhưng thật ra cũng chỉ là nói một chiều?!
Càng ngày, tôi càng thấy gần hơn cảm giác sợ khi mình chết đi, chẳng còn nữa cái tinh thần nổi loạn trong sáng tạo của thế hệ chúng tôi.
Được trong giới phong tặng cho hay chữ Phù Thuỷ, tôi cần nói thêm về chữ Thời. Cứ cho là mình có tài năng, nhưng nếu xuất hiện không đúng thời điểm thì cũng chẳng tới đâu.
Cần biết bao những tao ngộ và cả đụng độ cọ xát thì tài năng mới có cơ hội phát tiết. Có lúc tôi chẳng mong cầu ai công nhận tài năng của mình.
Mà ai đó cứ tạm xem tôi là hiện tượng cũng chẳng sao. Một ngày nào đó, một số kịch bản của anh Lưu Quang Vũ sẽ không thọ lâu như thơ của anh mà sẽ bị trôi vào dĩ vãng.
Đàm Vĩnh Hưng đó. Hưng tự thấy mình không hát hay, chỉ là người biết hát, và biết sử dụng giọng hát của mình, biết biến cái chưa hay thành cái hay, cái đặc biệt.
Tôi rất quý những người biết mình biết ta. Như có những người biết rõ cơ địa của mình không hợp cà phê, thuốc lá hay rượu bia, tôi biết thân hình mình thiếu sự hấp dẫn của một người đàn ông cường tráng cao to, và tôi đã biết biến cái khuyết điểm nầy thành cái gì đó không ai thay thế được.
Thích nổi loạn, nhưng tôi cũng là người không ưa những ai len lỏi bon chen, không đủ nhẫn mà cứ muốn đốt giai đoạn cho đủ có thể xâm phạm luật pháp và sự tự do của người khác.
Kiểu như đến các ngã tư có đèn, tôi muốn phải đậu đúng vạch dành cho mình và chờ đèn. Đứng vượt lố vạch làm chi để khi ngọn đèn phía sau mình bật lên thì không thấy, bị vượt mặt, kiểu nào rồi cũng rớt lại thành người đi sau.
Lấn hơn nửa vòng bánh xe chẳng là gì. Có những người giận dữ bóp kèn khi cảm giác bị là người đi sau.
Thay vì vậy, cứ trang bị đầy đủ cho mình rồi khi Thời đến, ánh sáng tự toả ra. Núp bóng ai chi? Mà cũng tìm chi một vị thế riêng cho mình để rồi trở thành vật cản đường người khác.
Tạo chi chướng ngại cho cả dòng chảy? Sao không tắt còi, chờ đến lượt hoà nhập vào đời, như vậy tất cả mới cùng đi được.
Là người của công chúng, nhưng hơn ai hết, tôi cũng là người rất sợ đám đông, loại đám đông coi sự tự do của nghệ sỹ là của "chùa," thích nhảy xổm vào lúc nào thì nhảy.
Có lần tôi vào chợ. Nghe có tiếng reo vui, á, Thành Lộc nè, nói câu gì vui vui cái coi. Thấy ở tivi vui quá mà, nói gì đi.
Mặt tôi lúc đó xạm lại, xin lỗi anh, tui đi mua đồ. Cảm giác lúc đó là bị xúc phạm ghê lắm. Muốn coi xiếc thú anh cũng phải mua vé và chờ xuất, huống chi tôi là người.
Khi ra mắt đoàn phim có mình tham gia cũng vậy. Bị nắm vai, chụp áo, lôi ngược lôi xuôi. Cho chụp hình cái coi!
Thì chụp hình chớ muốn cái gì! Dạ, thưa, muốn vậy chị phải xin phép tui chớ, tui có công chuyện gấp phải đi.
Nói chung văn hoá ứng xử của người mình tệ quá. Một lần bạn tôi đi vào một cái chợ ở miền Nam nước Pháp, thấy từ xa Isabelle Adjani.
Có vẻ như không ai nhìn ra cô, định nhào tới xin chụp hình, bị bạn cản lại, chỉ nên lịch sự cúi đầu chào thôi.
Hoá ra không phải người ta không nhận ra cô, mà chỉ vì người ta không muốn làm phiền đến một người mà họ quý mến mà thôi.
Khi đến Nhật, tôi biết người Nhật rất không thích kiểu chụp hình không xin phép trước như vầy.
Họ có thể kiện ra toà, và dĩ nhiên là họ sẽ thắng. Khi diễn ở miền Trung, chúng tôi tranh thủ đi Đồng Hới, Quảng Bình chơi, một phụ nữ ào tới đòi chụp hình.
Khi xe đến đón, chị ta níu vai áo, khoan đi đã. Mình thấy khó chịu, kêu chị ơi, xe đi kìa. Chị ta ra vẻ bà chủ, xe đi kệ xe, tui chưa chụp hình thì xe chưa đi. Chị có là sếp của ai, cũng chưa bao giờ là sếp của tui à. Tiếc là nước mình khá nhiều kiểu sếp nghèo nàn văn hoá như vậy lắm.
Thời tôi cùng đi diễn với Hồng Vân, Lê Vũ Cầu, Hồng Đào, đang ngồi ăn bỗng có người rón rén chạy sang, nói sếp của em xin chụp hình với các anh chị. Ủa, sếp hay lính gì thì nếu muốn chụp hình cũng phải đến đây.
Làm gì có chuyện chúng tôi phải tuôn sang. Nghệ sỹ là người của công chúng, không có nghĩa, công chúng muốn gì cũng được, ai nhào tới chụp hình cũng xong. Có lần chúng tôi đi ăn với MC Kỳ Duyên.
Một số các vị chức sắc có quân hàm ở bàn bên mời chị sang chụp hình. Duyên nói, các anh cần gì cũng phải đợi sau bữa ăn nầy đi rồi sang đây.
Tôi nghĩ nếu các anh có phật ý thì cũng nên học bài học nầy. Nghệ sỹ luôn mở lòng với tất cả, nhưng tuyệt đối không nên chạm vào quyền tự do và không gian riêng của chúng tôi. Dù anh là ai đi nữa, khi đến với nhau, người được vinh dự là các anh chớ nào phải chúng tôi.
Đặc biệt, với nghệ sỹ cùng nghề, càng phải cẩn thận điều nầy. Tôi không phải là người thù dai, cố chấp, nhưng với những đồng nghiệp nhân cách quá tệ- dù với người khác, chớ chưa với tôi- thì không chỉ khinh thường, tôi còn tìm cách tránh xa cho xong.
Có những dự án hấp dẫn, nhưng thấy có tên vài em hậu sinh lếu láo là tôi kiếm chuyện bận đi làm xa để rút lui cho lành.
Dĩ nhiên, chẳng bao giờ tôi dám rước loại đó về sân khấu của mình. Tôi không chủ trương, kẻ thù của bạn mình thì mình cũng... thù ké.
Nhưng mặc kệ quan hệ giữa chúng ta như thế nào, khi anh vào nhà tôi, Facebook của tôi, chửi bạn tôi, thì tôi bắt buộc phải xoá ngay, vì coi như anh chửi tôi rồi.
Mặt khác, tôi cũng tin mình có khả năng cảm hoá người khác. Tôi luôn tìm lý do để bào chữa những hành động không tốt của bạn mình, tôi sẵn sàng bỏ qua nhiều chuyện, nhưng nếu một số nguyên tắc sống và làm nghề bị vi phạm thì tôi sẽ không thấy hứng thú làm việc chung nữa, cũng như không thể tiếp tục sống giả, coi như không có gì được.
Tôi đã từng cộng tác với một sân khấu mười năm, đã coi như gia đình thứ hai, với các anh em từ trường ra, đồng cam cộng khổ, yêu từng người ở đó, cứ tưởng chôn chân ở đó suốt đời.
Khi một sân khấu thể nghiệm biến thành một nhà hát, các cung cách lề thói quan chức xin, cho theo mô hình nhà nước với tất cả sự lạc hậu của nó như đội mồ sống dậy.
Mọi phương thức và suy nghĩ để làm nghề dễ bị quy chụp thành quan điểm chính trị khiến chúng tôi cảm thấy bị xúc phạm bởi những người tưởng là ân nhân của mình. Sức mạnh của quyền lực buộc phải ra đi, còn chưa thấm đòn.
Nhưng đến khi bị một hội nghề khiến mình đi lần hai, cảm giác đau ghê lắm. Nhất là khi biết mình bị xuyên tạc, vu khống, gán cho nhiều tội tày đình.
Mà có ai đâu, toàn như anh em trong nhà với nhau. Là bạn, bạn có đau không? Gần đây tôi tiếp nhận được một cụm từ mới: nhóm lợi ích. Tôi thích cách gọi nầy vì nó thật thâm thuý và tượng hình.
Về ngôi nhà mới, thấy anh em đổ về, tôi tin là mình hiểu cảm giác đó nên dang tay đón nhận và tạo điều kiện tối đa.
Anh em càng giỏi nghề, tôi càng xin cho anh em có phương tiện tối đa để thể hiện ý tưởng nếu là đạo diễn, đưa những vai chánh và nhiều đất diễn, có cơ hội lấy huy chương, giải thưởng, nếu là diễn viên.
Tiếc là rồi cũng đến ngày các anh, chị ấy ra đi, tôi lại nghe gieo tiếng ác về mình. Đã có những người, quên những gì họ gây khổ cho tôi, để rêu rao, làm nghề với Lộc sướng ghê. Họ đã quên thì tôi nhớ làm gì.
Tôi là đứa con của nghề nghiệp nầy. Những trò tôi bị tung ra có gì mới đâu. Là bầu, tôi dư sức đẻ ra những trò nầy nhưng đã xác định đến với nhau vì tình, tôi bày ra làm gì.
Chỉ thấy tội, sao lại không kiếm nổi trò mới mà cứ bày trò cũ mốc với tôi. Chẳng hạn như đi tung tin, ai muốn đóng chánh, phải ngủ với Lộc.
Nhiều đêm, trong căn phòng đơn lẻ của mình, tôi bật cười khi nghĩ, nếu lời đồn đó đúng thì mấy cái gối đơn lẻ của tôi sẽ có ngày thành tinh mà đi đóng những vai chánh.
Lần nầy thì cùng với các anh em hậu đài, tôi cười được. Nhưng nỗi đau không giảm. Biết sao khi đó là cái giá phải trả, khi chọn theo cái nghiệp nầy.
Cộng đi trừ lại, tôi còn được gì sau những đêm diễn, những tràng pháo tay và hoa rực rỡ ngoài kia, cùng nước mắt chảy ngược trong nầy?
Tôi vẫn thấy ấm áp vô cùng khi nghĩ đến ba. Cám ơn ba, người cha đã khuất của tôi. Và má. Cám ơn má, người mà tôi chỉ mong được dành giờ sống nhiều hơn nữa cho người.
Còn các bạn thấy sao? Tôi vẫn còn chút gì của mình để bước vào căn nhà của mình chớ!?