Thành lập Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn

Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn là cơ sở giáo dục đại học thành viên thứ 6 của Đại học Đà Nẵng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Thành lập Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn ảnh 1Sinh viên ngành điện tử viễn thông trong giờ thực hành. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngày 16/6, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho hay, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn là cơ sở giáo dục đại học thành viên thứ 6 của Đại học Đà Nẵng.

Việc thành lập trường có ý nghĩa rất lớn, giúp hoàn thiện mạng lưới các trường thành viên Đại học Đà Nẵng, góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông cho khu vực.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc tin tưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn sẽ đột phá, đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế.

Trường tập trung đầu tư cơ sở vật chất và phát triển đội ngũ cán bộ, tăng cường năng lực ngoại ngữ, kỹ năng mềm cho sinh viên để đào tạo những thế hệ sinh viên mới thích nghi với môi trường lao động cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Ông Huỳnh Công Pháp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn cho biết Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn là một trường đại học lớn về quy mô và nguồn lực, thuộc vào "top" đầu các trường đại hoc trong cả nước về đào tạo công nghệ thông tin và truyền thông.

[Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Ngọc Vũ giữ chức Giám đốc Đại học Đà Nẵng]

Trường dựa trên cơ sở sự tập hợp và kế thừa được những thế mạnh, tiềm năng sẵn có từ các đơn vị cấu thành về bề dày lịch sử, thành tích học thuật, đội ngũ cán bộ viên chức hùng hậu, trong đó có 2 phó giáo sư, 34 tiến sỹ và 100% giảng viên trình độ thạc sĩ; hạ tầng, cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn với tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Nhà nước và nguồn viện trợ 16,2 triệu USD của Chính phủ Hàn Quốc.

Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn chia sẻ trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục phát huy những thành quả, thế mạnh và tiềm năng kế thừa được; xây dựng khối đoàn kết vững mạnh, phát huy trí tuệ tập thể, đề cao đầy đủ trách nhiệm của mỗi cá nhân để vượt qua khó khăn, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao, nhanh chóng đưa trường sớm ổn định, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, thực hiện tốt sứ mạng cầu nối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc, với tham vọng vươn tầm quốc tế.

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU) được thành lập ngày 3/1/2020, là trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng, đào tạo chuyên về công nghệ thông tin và truyền thông.

Trường thành lập trên cơ sở hợp nhất các đơn vị đào tạo công nghệ thông tin gồm Trường Cao đẳng Công nghệ hữu nghị Việt-Hàn, trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin, Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông và một số đơn vị khác thuộc Đại học Đà Nẵng.

Đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường gồm 242 cán bộ viên chức, trong đó giảng viên là 139 (với 2 phó giáo sư và 34 tiến sỹ; 100% giảng viên đạt trình độ từ thạc sỹ; 19 nghiên cứu sinh).

Trường có 5 khoa, 8 phòng chức năng, 3 trung tâm và 2 tổ trực thuộc với gần 2.000 sinh viên, định hướng quy mô đến năm 2025 là 10.000 sinh viên đại học và sau đại học.

Năm 2020, trường dự kiến tuyển sinh 1.200 chỉ tiêu của 3 ngành đào tạo bậc Đại học có nhu cầu nhân lực hiện nay gồm ngành Công nghệ thông tin, Ngành Công nghệ kỹ thuật máy tính và Ngành Quản trị kinh doanh.

Trong những năm tiếp theo, trường sẽ triển khai chương đào tạo Đại học, thạc sỹ, tiến sỹ cho những ngành thuộc các lĩnh vực mới theo xu hướng chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, robotics, IoT, an toàn thông tin, kinh tế số, thương mại điện tử, logistics./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục