Thành lập Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) ngành hàng lúa gạo

Nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo được thành lập nhằm cải thiện chất lượng, tính bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam thông qua khai thác nỗ lực sẵn có của các tác nhân đa dạng trong chuỗi giá trị.
Việc tăng cường hoạt động của Nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo sẽ thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Chiều 3/3, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức công bố quyết định thành lập Nhóm công tác đối tác công tư (PPP) ngành hàng lúa gạo Việt Nam; trao đổi về dự thảo quy chế và định hướng hoạt động, kế hoạch hành động năm 2023 của nhóm lúa gạo; chia sẻ cách kinh nghiệm mô hình phát triển chuỗi giá trị lúa gạo tại Hội thảo định hướng chiến lược của nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cam kết hỗ trợ chuyển đổi hệ thống lương thực của Việt Nam trở thành một hệ thống minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, giảm phát thải và thúc đẩy nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; trong đó có Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, giảm phát thải đang được nghiên cứu xây dựng.

Việc thành lập nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo là rất cần thiết và đúng lúc để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo thông qua chuỗi giá trị.

Nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo được thành lập nhằm cải thiện chất lượng và tính bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam thông qua khai thác nỗ lực sẵn có của các tác nhân đa dạng trong chuỗi giá trị.

Việc tăng cường hoạt động của Nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo sẽ thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia khẳng định, Nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo cam kết chuyển đổi ngành gạo của Việt Nam từ cạnh tranh về giá thành sang cạnh tranh về chất lượng, dinh dưỡng và tính bền vững; chuyển dịch dần sang nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị gắn liền với phát triển du lịch thông qua việc tăng cường liên kết sản xuất với nông dân, tăng cường khả năng đáp ứng các yêu cầu của thị trường và thúc đẩy khả năng tiếp cận các kênh phân phối bán lẻ ở các thị trường khác nhau.

Tái cơ cấu lúa gạo giai đoạn mới phải mang lại hiệu quả nâng cao thu nhập cho nông dân, bền vững môi trường và lợi ích cho người tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu gạo theo hướng chất lượng cao và giá trị cao.

Lúa gạo là ngành hàng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, chính trị-xã hội và môi trường ở Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng.

Sau gần 30 năm đổi mới, ngành lúa gạo Việt Nam đã đảm bảo an ninh lương thực tạo việc làm và thu nhập cho 9,3 triệu hộ gia đình ở khu vực nông thôn là nhân tố quyết định xóa đói giảm nghèo và suy dinh dưỡng.

[Chuyển đổi chuỗi lúa gạo, hướng tới hiện đại, bền vững ở ĐBSCL]

Ngành lúa gạo đang chuyển dịch từ canh tác truyền thống sang phát triển theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ cao, công nghệ số, sản xuất lúa gạo phát thải thấp. Điều đó đã góp phần tăng giá trị chất lượng và tính cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam.

Việt Nam đã xuất khẩu gạo đến hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm hơn 15% tổng lượng gạo xuất khẩu trên thế giới.

Ngoài các thị trường truyền thống như: Philippines, Trung Quốc thì gạo Việt Nam cũng đã được đẩy mạnh xuất khẩu sang các khu vực thị trường nhiều tiềm năng khác, nhất là khi tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại biểu công bố. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành lúa gạo của Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường nội địa và quốc tế; tăng trưởng sản xuất lúa gạo trong thời gian qua tập trung nhiều vào số lượng hơn là chất lượng; chế biến sâu còn hạn chế, dẫn đến chất lượng gạo chưa cao; chưa có được một thương hiệu riêng cho gạo Việt; thu nhập của nông dân trồng lúa còn thấp, do đó không tạo được động lực để người dân đầu tư phát triển sản xuất lúa gạo; sản xuất lúa gạo gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường do sử dụng nhiều tài nguyên và lạm dụng phân và thuốc bảo vệ thực vật trong thâm canh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều giải pháp, chính sách và kỹ thuật cụ thể để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, đảm bảo thu nhập ổn định cho người trồng lúa, phát triển bền vững ngành lúa gạo.

Một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức PPP.

Năm 2010, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiên phong thành lập Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), gồm các nhóm công tác PPP.

Tiếp theo, ngày 23/6/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định số 2258/QĐ-BNN-HTQT về việc thành lập Nhóm công tác đối tác công tư về lúa gạo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục