Chiều 16/10, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức Lễ khánh thành Ngân hàng mô, lễ tiếp nhận thiết bị y tế do Bộ Công An tặng bệnh viện và khánh thành khu khám theo yêu cầu của bệnh viện.
Phát biểu tại buổi lễ, giáo sư Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, tại Bệnh viện Việt Đức và các bệnh viện của Việt Nam nhu cầu về ghép xương, mạch máu, van tim, gân… rất lớn.
Cho đến nay ngân hàng mô của Bệnh viện Việt Đức là ngân hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác về việc thành lập Ngân hàng mô thuộc Bệnh viện.
[Chuyện người lính hiến tạng cứu 6 người: Phía sau cuộc ly biệt]
Ngân hàng mô sẽ là địa chỉ tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, cung ứng mô cho các cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học, sản xuất cung ứng trao đổi mô với các ngân hàng khác, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm mục đích khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Giáo sư Giang cho hay, tại Viện Chấn thương chỉnh hình từ năm 2011 đến nay đã ghép xương đồng loại cho 120 người bệnh, mổ nội soi tái tạo dây chằng khớp gối bằng móng, gân đồng loại cho 263 người bệnh. Tại Trung tâm phẫu thuật thần kinh hàng năm hàng nghìn ca ghép mảnh xương sọ.
Trong khi đó, cho tới gần đây tại Việt Nam chỉ có 2 phòng thí nghiệm nghiên cứu bảo quản mô tại Trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, mà chưa có một ngân hàng mô thực sự nào được thành lập để thực hiện các hoạt động chuyên môn phục vụ điều trị cho người bệnh mặc dù cho tới nay có trên 300.000 ngân hàng mô ở 46 Quốc gia trên Thế giới đã được thực hiện.
Chính từ nhu cầu cấp thiết đó, ngày từ năm 2016 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã có định hướng phát triển công nghệ này và bắt tay xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn cũng như chuẩn bị cơ sở tốt nhất để thành lập một ngân hàng mô chuẩn mực. Nhiều cán bộ đã được cử đi đào tạo tại các trung tâm lớn trên thế giới và trong nước.
Ngân hàng mô từ khi đi vào hoạt động đã bảo quản gần 1.000 mảnh xương sọ, hơn 300 trong số đó đã ghép lại cho người bệnh, hàng trăm mẫu tinh trùng, mô tinh hoàn đã được bảo quản. Việc bảo quản van tim, gân, mạch máu cũng đang được hoàn thiện kỹ thuật thực hiện.
Bệnh viện là trung tâm hàng đầu cả nước về ghép tạng với hàng nghìn ca ghép thận, hầu hết các trường hợp ghép tim, gan tại Việt Nam được thực hiện tại đây. Bệnh viện cũng là trung tâm đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về ghép tạng cho các trung tâm trong cả nước như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bênh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phú Thọ, Bệnh viện Saint Paul, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Quốc tế Vinmec…
Chính vì vậy nhu cầu vận chuyển tạng ghép từ Bệnh viện Việt Đức đến các trung tâm ghép tạng khác trong cả nước và ngược lại là rất cần thiết, hơn nữa các trung tâm sử dụng các phương tiện bảo quản vận chuyển tự tạo không đảm bảo tiêu chuẩn trong hoạt động.
Trước những khó khăn về nhu cầu trang bị các thiết bị lưu trữ và vận chuyển tạng chuyên dụng, lãnh đạo Bộ Công an đã quyết định trích 5 tỷ đồng từ Quỹ nghĩa tình đồng đội của ngành công an để tặng bệnh viện nhằm trang bị các hộp đựng tạng phục vụ cho công tác ghép mô tạng.
Chiều cùng ngày, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã đưa vào hoạt độngkhu khám bệnh theo yêu cầu mới khang trang, đảm bảo các điều kiện tốt phục vụ người bệnh./.
Hiện nay, nhu cầu về lưu trữ, bảo quản các mô, sử dụng mô và tổ chức cơ thể trong điều trị là rất lớn.
Tại Mỹ hàng năm có trên 350.000 đơn vị mô được sử dụng, trong giai đoạn 1992-2007 có hơn 2.000.000 đơn vị xương được ghép.
Tại Châu Á, Nhật Bản trong 04 năm có 134.782 đơn vị mô xương, Đài Loan năm 2016 có 86.000 đơn vị mô xương được ghép.