Thành lập Câu lạc bộ luật sư thương mại quốc tế Việt Nam

Câu lạc bộ là mô hình mở dựa trên yếu tố tự nguyện nhưng có nhiều đặc thù vì liên quan đến trách nhiệm của luật sư trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho xã hội.

Sáng 7/12, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức họp báo về Đại hội thành lập Câu lạc bộ luật sư thương mại quốc tế Việt Nam (Vietnam Bussiness Laywer Club-VBLC).

Câu lạc bộ là một tổ chức thuộc Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Luật sư-Tiến sỹ Đỗ Ngọc Thịnh-Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, Đại hội sẽ diễn ra tại Hà Nội vào 11/12 với sự tham dự của khoảng 80 luật sư thành viên câu lạc bộ. Đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp sẽ phát biểu chào mừng Đại hội.

Với tinh thần “Đoàn kết-Kỷ cương-Trí tuệ-Bảo vệ công lý,” Đại hội sẽ bầu Ban Chủ nhiệm (11 thành viên); thảo luận và thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của câu lạc bộ, Chương trình hành động và nhiệm vụ của câu lạc bộ.

Câu lạc bộ là mô hình mở dựa trên yếu tố tự nguyện nhưng có nhiều đặc thù vì liên quan đến trách nhiệm của luật sư trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho xã hội.

Do vậy, việc lựa chọn thành viên rất kỹ càng, có tính chọn lọc, có sự giới thiệu để đảm bảo thành viên đủ điều kiện tham gia câu lạc bộ để thụ hưởng ưu thế trong đào tạo, bồi dưỡng, giao lưu và cung cấp dịch vụ pháp lý cho xã hội; đồng thời phải có nghĩa vụ xây dựng câu lạc bộ, đội ngũ luật sư thương mại quốc tế của Việt Nam và đóng góp vào các nhiệm vụ chính trị pháp lý của đất nước…

Ngoài các cá nhân luật sư và tổ chức hành nghề luật sư là thành viên, Luật sư Trần Tuấn Phong, Giám đốc VILAF Hồng Đức, thành viên Ban vận động thành lập Đại hội cho biết, câu lạc bộ sẽ kêu gọi cả các chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực này (trọng tài viên, đấu giá viên, ngân hàng, giám đốc các doanh nghiệp kinh doanh cổ phiếu…), các doanh nghiệp để tạo sự kết nối rộng rãi, đảm bảo sự đa dạng cho hoạt động hợp tác vì mục tiêu phát triển luật sư thương mại quốc tế và hoạt động hội nhập quốc tế của luật sư Việt Nam.

Câu lạc bộ được thành lập nhằm tập hợp, gắn kết các tổ chức hành nghề luật sư, các luật sư hành nghề độc lập và các luật sư của các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài; thúc đẩy các hoạt động giao lưu, hợp tác, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư, chuyên gia pháp luật và với doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức trong nước và quốc tế về pháp luật liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện các hoạt động góp phần phát triển nguồn nhân lực luật sư phục vụ hội nhập; tạo nền tảng để phát triển nghề luật sư Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục