Thành lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ khó khăn do COVID-19

Các đoàn công tác do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thành lập sẽ thực hiện kiểm tra tình hình triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khó khăn do COVID-19 tại 32 tỉnh, thành phố.
Hà Nội thực hiện chi trả hỗ trợ tiền mặt cho người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Ngày 21/10, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã ký Quyết định số 1191/QĐ-LĐTBXH về việc thành lập 12 đoàn kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo Quyết định 1191, các đoàn kiểm tra có nhiệm vụ kiểm tra tình hình, kết quả và đôn đốc việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Thời gian các đoàn tiến hành kiểm tra từ 21/10 đến hết ngày 3/11. 

Đoàn công tác sẽ kiểm tra các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP; chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg. Đoàn công tác cũng sẽ kiểm tra tình hình hỗ trợ gạo và các chính sách an sinh xã hội khác.

[Chăm lo tốt hơn cho người nghèo, người yếu thế trong xã hội]

Ngoài ra, đoàn công tác cũng có nhiệm vụ nắm bắt thực trạng thiếu hụt lao động trong các ngành, nghề, lĩnh vực, trong các doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khu công nghiệp, khu chế xuất; tình hình dịch chuyển lao động ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động tự do; đề xuất các giải pháp khắc phục, phục hồi, phát triển thị trường lao động và các kiến nghị.

Thành phần các đoàn kiểm tra bao gồm: Đại diện lãnh đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, lãnh đạo các đơn vị của Bộ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 14/10, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là gần 21.890 tỷ đồng, hỗ trợ cho 24,26 triệu lượt đối tượng.

Tại 23 tỉnh, thành phố miền Nam, tổng kinh phí thực hiện các chính sách là 17.750 tỷ đồng (chiếm 80% toàn quốc) hỗ trợ 16,8 triệu đối tượng (chiếm 69,5% toàn quốc). Riêng Thành phố Hồ Chí Minh đã chi 10.130 tỷ đồng hỗ trợ 9,41 triệu lượt đối tượng. Một số địa phương có tổng kinh phí hỗ trợ cao là Bình Dương (1.965 tỷ đồng), Hà Nội (1.641,7 tỷ đồng), Đồng Nai (1.143,8 tỷ đồng), Bà Rịa-Vũng Tàu (986 tỷ đồng).

Kết quả triển khai nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg đến ngày 14/10 là đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho 428.894 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 111.212 người đã dừng tham gia với tổng số tiền hỗ trợ là 1.251 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 quyết định xuất cấp tổng cộng 137.090 tấn gạo hỗ trợ cho trên 2,41 triệu hộ với gần 9,14 triệu nhân khẩu ở 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị thiếu đói do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục