Thanh khoản thị trường chứng khoán đạt hơn 1,1 tỷ USD mỗi phiên

Thị trường chứng khoán đầu tháng 9 đón nhận nhiều thông tin như PMI tháng 8 tăng trở lại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức họp về các giải pháp nâng hạng Thị trường Chứng khoán Việt Nam...
Thanh khoản thị trường chứng khoán đạt hơn 1,1 tỷ USD mỗi phiên ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dưới tác động của nhiều thông tin vĩ mô tích cực, Thị trường Chứng khoán Việt Nam giao dịch rất sôi động trong tuần đầu tháng 9 với điểm số và thanh khoản đều đi lên.

Đáng chú ý, thanh khoản trung bình mỗi phiên giao dịch tuần qua đạt tới hơn 1,1 tỷ USD.

Nhận định về thị trường tuần tới (từ 11-15/9), chuyên gia phân tích từ công ty chứng khoán cho rằng thị trường có thể đón nhận một số thông tin hỗ trợ tích cực.

Thanh khoản tăng mạnh sau nghỉ lễ

VN-Index chốt tuần (từ 5-8/9) tăng 17,4%; HNX-Index tăng 2,6% lên mức 256,2 điểm và chỉ số UPCOM-Index tăng 1,5% lên mức 94,7 điểm.

Tuần qua, GAS tăng 3,7%, HPG tăng 4,2% và VPB tăng 4,1% là động lực chính dẫn dắt VN-Index khi đóng góp 5 điểm vào đà hồi phục của thị trường.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu họ “Vingroup” như VIC giảm 4,8%, VRE giảm 2,3% và VHM giảm 1,3% đã kéo giảm chỉ số chung.

[Những yếu tố ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán trong tháng 9]

Sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, thanh khoản hồi phục mạnh. Cụ thể tuần qua, giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt 27.682 tỷ đồng (tương ứng hơn 1,1 tỷ USD theo tỷ giá hiện tại), tăng 19,6% so với tuần trước đó.

Khối ngoại tuần qua bán ròng 843 tỷ đồng trên HOSE và 28 tỷ đồng trên UPCOM, trong khi mua ròng trên HNX 109 tỷ đồng. Như vậy, khối ngoại bán ròng 763 tỷ đồng trên cả ba sàn.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết thị trường chứng khoán đầu tháng 9 đón nhận nhiều thông tin như chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 8 đã tăng trở lại lên trên ngưỡng 50 điểm sau 6 tháng; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức họp về các giải pháp nâng hạng Thị trường Chứng khoán Việt Nam và hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm tổ chức vào ngày 7/9.

Cùng đó, Bộ Tài chính không đồng ý với đề xuất hỗ trợ 1.000 USD cho người Việt khi mua ôtô điện do ngân sách còn gặp nhiều khó khăn; số tài khoản chứng khoán mở mới liên tục ở mức cao, khi chỉ trong tháng 8 vừa qua đã có thêm hơn 150.000 tài khoản đầu tư mới tham gia thị trường. Đây là những thông tin tác động mạnh tới thị trường chứng khoán tuần qua.

Nhận định về thị trường tuần tới (từ 11-15/9), theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược Thị trường, Khối Phân tích, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, nhờ chuỗi tăng điểm tích cực trước và sau nghỉ lễ, chỉ số VN-Index đang tiến vào vùng đỉnh cũ 1.240-1.250 điểm.

Trong tuần tới, thị trường có thể đón nhận một số thông tin hỗ trợ liên quan tới chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.

“Có một thống kê khá thú vị là trong những lần Tổng thống Hoa Kỳ sang Việt Nam trước đây thì thị trường chứng khoán thường diễn biến khá tích cực. Điều này là do những kỳ vọng về sự cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sau mỗi chuyến thăm,” vị chuyên gia tới từ VNDIRECT nhìn nhận.

Hiện tại, Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD và Việt Nam xuất siêu lớn.

Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ đã tăng hơn 140 lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên hơn 130 tỷ vào năm 2022.

Dẫn số liệu của Cục thống kê Hoa Kỳ (US Census), Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết năm 2022, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 25,2%, chiếm xấp xỉ 3,9% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Tính đến hết tháng 8/2023, kim ngạch thương mại với Hoa Kỳ đạt gần 62,3 tỷ USD, giảm gần 18% do khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhưng vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Thanh khoản thị trường chứng khoán đạt hơn 1,1 tỷ USD mỗi phiên ảnh 2Đóng gói và kiểm tra lô hàng đồ gỗ xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tại Công ty Triệu Phú Lộc (Bình Dương). (Ảnh: TTXVN)

Ở chiều ngược lại, năm 2022 nhập khẩu từ Hoa Kỳ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Thặng dư thương mại của Việt Nam-Hoa Kỳ đạt hơn 116 tỷ USD và xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (sau Trung Quốc với 382,9 tỷ USD và Mexico với 130,6 tỷ USD).

Theo ông Đinh Quang Hinh, trong chuyến thăm lần này, sẽ có nhiều doanh nghiệp của Mỹ tháp tùng và tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam như Boeing, Google, Walmart...

Ông Hinh nhận định những thông tin này sẽ hỗ trợ tích cực cho dòng tiền trên thị trường chứng khoán, đặc biệt là tại các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp và các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao sang thị trường Hoa Kỳ như thủy sản, đồ gỗ, vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, thị trường vẫn đang chịu áp lực liên quan tới vấn đề tỷ giá. Trong bối cảnh tỷ giá tăng, áp lực lạm phát quay trở lại trong những tháng cuối năm thì dư địa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước có thể bị thu hẹp đáng kể.

Bên cạnh đó, hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) của chỉ số VN-Index hiện đã lên mức 14,8 lần, không còn rẻ như giai đoạn đầu năm.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS), nhìn chung kinh tế vĩ mô vẫn đang trong giai đoạn chưa có nhiều chuyển biến tích cực nhưng không xấu đi, tình hình địa chính trị thế giới vẫn tồn tại nhiều bất ổn, kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp dẫn tới đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, mặt khác tình hình lạm phát toàn cầu vẫn chưa thực sự được kiểm soát, do xu hướng giá năng lượng và thực phẩm tiếp tục tăng, kinh tế khu vực EU dễ bước vào suy thoái...

Tuy nhiên, điểm tích cực là lãi suất của Việt Nam đang có xu hướng giảm, đồng thời các tổ chức kinh tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)... đang điều chỉnh tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu dù vẫn ở mức thấp.

Chính phủ cũng đang tích cực đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.

Nhìn chung, thường thị trường chứng khoán sẽ có những phản ứng sớm nên SHS kỳ vọng việc thị trường chuyển trạng thái sang vận động tích cực trong thời gian qua là hợp lý, khi tâm lý lạc quan của giới đầu tư dần trở lại khi những khó khăn của vĩ mô có thể sẽ dần qua.

SHS nhận định thị trường đã vượt qua nhịp điều chỉnh quan trọng và đang hồi phục trở lại mạnh mẽ, củng cố xu hướng uptrend (xu hướng tăng giá tổng thể của thị trường chứng khoán) trung hạn.

Hiện, VN-Index đang đối diện ngưỡng cản ngắn hạn 1.250 điểm và sẽ cần thêm thời gian để hình thành vùng tích lũy mới, chuẩn bị cho khả năng hướng tới mốc cao hơn tại ngưỡng cản mạnh trung hạn 1.300 điểm, SHS nêu quan điểm.

Chuyên gia phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) Phạm Bình Phương cho biết VN-Index tăng liên tiếp 6 phiên và mới chỉ điều chỉnh giảm nhẹ trong 2 phiên gần nhất thể hiện xu hướng tăng điểm đang chiếm ưu thế.

Vùng 1.255 điểm hiện là kháng cự quan trọng của chỉ số, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cũng cho rằng VN-Index cần có nhịp tích lũy trong tuần sau trước khi vượt kháng cự này. Mốc hỗ trợ ngắn hạn đang là vùng 1.220-1.225 điểm.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên trong bối cảnh các thị trường chứng khoán thế giới diễn biến không khả quan khi giới đầu tư lo ngoại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể nâng lãi suất nhiều hơn dự báo trước đó.

Lo ngại về lãi suất “kìm chân” thị trường

Mặc dù phục hồi nhẹ vào phiên giao dịch cuối tuần, song thị trường chứng khoán Mỹ vẫn ghi nhận một tuần giảm điểm, giữa bối cảnh giới đầu tư lo ngại Fed có thể nâng lãi suất nhiều hơn so với dự báo trước đó.

Thanh khoản thị trường chứng khoán đạt hơn 1,1 tỷ USD mỗi phiên ảnh 3Bảng chỉ số chứng khoán tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/9, chỉ số S&P 500 tăng 0,14% lên 4.457,49 điểm, dứt chuỗi 3 phiên giảm điểm liên tiếp.

Chỉ số Dow Jones tăng 0,22% lên 34.576,59 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite nhích nhẹ 0,09% lên 13.761,53 điểm.

Tuy nhiên, cả ba chỉ số chính đều khép lại tuần qua với đà giảm. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt mất 1,3% và 1,9%, đánh dấu tuần sụt giảm đầu tiên trong ba tuần. Bên cạnh đó, Dow Jones giảm 0,8% trong tuần qua.

Các số liệu kinh tế khả quan gần đây của Mỹ đã xoa dịu những lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế trong ngắn hạn, nhưng lại làm gia tăng khả năng Fed có thể nâng lãi suất hơn nữa.

Ông John Williams, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, cho rằng dù lạm phát “đang đi đúng hướng,” nhưng các nhà hoạch định chính sách không loại trừ khả năng phải tiếp tục tăng lãi suất.

Tại châu Á, các thị trường chứng khoán đi xuống trong phiên chiều 8/9, trong bối cảnh đồng USD ghi nhận chuỗi tăng giá dài nhất của 9 năm và nhiều đồn đoán cho rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên mức cao hơn trong thời gian dài hơn.

Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Nhật Bản) giảm 0,2%.

Tính theo tuần, chỉ số này đã giảm tổng cộng 1,4% so với tuần trước đó. Do ảnh hưởng của cơn bão lớn, sàn giao dịch Hong Kong (Trung Quốc) đã đóng cửa.

Trên sàn giao dịch Thượng Hải, phiên chiều 8/9, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,18% xuống còn 3.116,72 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,16% xuống 32.606,84 điểm.

Các nhà đầu tư đang chú ý vào diễn biến của nhóm cổ phiếu công nghệ, sau khi xuất hiện hiện tượng bán tháo cổ phiếu loại này trên các sàn chứng khoán châu Á và thế giới.

Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu của TSMC, nhà cung cấp linh kiện lớn của Apple, đã giảm 0,37%.

Cổ phiếu của SK Hynix (Hàn Quốc), công ty sản xuất chip cho hãng Huawei Technologies (Trung Quốc) giảm 4% và cổ phiếu Tokyo Electron giảm khoảng 4%.

Nhà phân tích Kyle Rodda của Capital.com cho biết căng thẳng xung quanh cuộc đua công nghệ toàn cầu khiến các nhà đầu tư lo ngại.

Hơn nữa, lực bán cũng diễn ra khi cổ phiếu công nghệ chịu thêm áp lực từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao, xuất phát từ đồn đoán Fed sẽ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong 20 năm, do áp lực từ giá dầu tăng và dựa trên cơ sở dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục