Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra, Giám sát ngân hàng cho biết, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước mua lại Ngân hàng Xây dựng (VNCB nay đổi tên thành CB), Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP.Bank) với giá "0 đồng," đến nay dòng tiền gửi đã trở lại 3 ngân hàng trên rất tốt và thanh khoản hoàn toàn được đảm bảo.
"Hiện nay dự trữ thanh khoản của Ngân hàng Xây dựng là 1.000 tỷ đồng; GPBank là 3.000 tỷ đồng và OceanBank là 7.000 tỷ đồng. Đây là lực lượng sẵn sàng chi trả cho người dân," ông Nghĩa khẳng định.
Nợ xấu, tài sản không sinh lời của những ngân hàng này bước đầu được xử lý và thu hồi, tiền gửi mới được gia tăng, tình trạng khách hàng rút tiền hàng loạt chấm dứt, quản trị điều hành được củng cố lại.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã bắt đầu nới lỏng kiểm soát đối với 3 ngân hàng này khi xét thấy có những chuyển biến trong hoạt động. Trong đó, bước đầu cho tăng trưởng tín dụng trở lại vào một số lĩnh vực an toàn.
Hiện nay cả 3 ngân hàng này đều được thuê kiểm toán quốc tế. "Khi định giá xong thì tài sản các ngân hàng đó âm hết vốn, tức giá trị cổ phiếu chẳng còn gì nữa trong trường hợp đã mất hết vốn chủ sở hữu thì mua 0 đồng là hợp lý," ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết.
Trước đó, từ tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc CB, OceanBank, GP.Bank với giá "0 đồng," do vốn chủ sở hữu của các ngân hàng này đã âm lớn và không thể tự khắc phục.
“Ngân hàng Nhà nước mua lại 3 ngân hàng 0 đồng vì bảo đảm sự an toàn của hệ thống. Chúng tôi không có ý định nắm giữ và gia tăng tài sản tại các ngân hàng đó mà mua lại vì sự an toàn của Nhà nước của người dân. Cùng với đó, xử lý nợ xấu và phát triển kinh doanh cho các ngân hàng," ông Nghĩa lý giải.
Cũng theo ông Nghĩa, Ngân hàng Nhà nước luôn làm đầy đủ thủ tục dựa trên luật đã cho phép như: kết quả kiểm toán, giá độc lập khách quan và yêu cầu phải tăng vốn điều lệ, nếu các cổ đông ngân hàng không đạt được 49% thì Ngân hàng Nhà nước sẽ mua lại theo giá quy định.
Trả lời câu hỏi nguồn vốn ở đâu để Ngân hàng Nhà nước phục hồi các ngân hàng thương mại được mua lại 0 đồng? Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này không dùng tiền thuế của dân, ngân sách để xử lý các ngân hàng yếu kém. Đó là nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng, nguồn vốn của Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn theo đúng quy định của luật tín dụng và quan trọng nhất là nguồn vốn huy động mới.
Ngoài ra, theo ông Nghĩa, đó là nguồn tiền thu về từ việc xử lý nợ xấu và các tài sản không sinh lời; nguồn vốn đến từ các tổ chức tín dụng khác, nguồn vốn liên ngân hàng.
Nguồn vốn này được dựa trên quan hệ tài chính bình đẳng, rành mạch, có vay, có trả, có tính lãi theo đúng quy định của pháp luật và quy luật thị trường. Bên cạnh đó, đại diện cơ quan Thanh tra, Giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong quá trình tái cơ cấu, các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ tích cực các ngân hàng yếu kém tìm kiếm cơ hội, hỗ trợ thị trường thông qua các hoạt động về hợp vốn để giảm bớt các chi phí.
Ông Nghĩa cho biết, trước khi được Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua lại, VNCB, OceanBank, GPBank đã phải đối diện với tình trạng rút tiền hàng loạt, khả năng thanh khoản bị đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau khi về với Ngân hàng Nhà nước, niềm tin của người gửi tiền vào các ngân hàng này đã được cũng cố, tâm lý rút tiền của người dân cũng không còn; thậm chí đã có một lượng lớn tiền gửi mới được huy động vào.
"Chúng tôi tin tưởng rằng, khi nhà nước đã sở hữu thì nguồn vốn sẽ gia tăng trở lại. Ngân hàng Nhà nước chỉ lấy người của ngân hàng tham gia công tác quản trị điều hành, mọi vấn đề về tài chính rành mạch trên cơ sở của luật dân sự," ông Nghĩa nói.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng thừa nhận việc Ngân hàng Nhà nước mạnh tay mua lại các ngân hàng yếu kém với giá "0 đồng" đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều, cả đồng thuận và không đồng thuận.
Tuy nhiên, trên quan điểm của cá nhân, ông cho rằng “mua lại 0 đồng” chính là một trong những sáng kiến “kịp thời nhất” của Ngân hàng Trung ương trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng 3 năm qua.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, nếu không có động thái quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước, công cuộc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém sẽ còn rất gian nan, tốn thời gian và không hiệu quả. Các ngân hàng yếu kém sẽ vẫn nghĩ rằng tài sản của mình là "rất giá trị và ra sức mặc cả, cò cưa" dù rằng trên thực tế hoạt động của họ đã hết sức bê bết, âm sâu vốn chủ sở hữu./.