Thanh Hương và những lựa chọn để đi ‘đường dài’ trong nghệ thuật

“Từ việc vai diễn được khán giả đón nhận, tên tuổi ‘hot’ lên, tôi có thêm nhiều lời mời cộng tác, thu nhập vì thế cũng tốt hơn. Tôi vui đấy nhưng cũng không khỏi suy nghĩ,” Thanh Hương chia sẻ.
Thanh Hương và những lựa chọn để đi ‘đường dài’ trong nghệ thuật ảnh 1Thanh Hương là gương mặt quen với khán giả truyền hình trong thời gian qua. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Dù không ít lần phải ‘hóa điên’ trên phim trường hay đóng cảnh bị hiếp dâm tập thể, bạo lực, bầm dập và đau đớn, tôi cũng chưa khi nào cảm thấy hối hận. Nếu có, đó chỉ là đôi chút tiếc nuối bởi khi xem lại, tôi nghĩ, đáng ra mình phải làm tốt hơn thế,” diễn viên Thanh Hương chia sẻ.

Nữ nghệ sỹ gắn bó với nghiệp diễn đến nay chừng một thập kỷ nhưng phải tới khi bộ phim truyền hình “Quỳnh búp bê” phát sóng, tên Thanh Hương mới thực sự “hot.” Trong phim, Thanh Hương vào vai Lan - một cô gái làng chơi hết thời, luôn khát khao làm lại cuộc đời.

“Từ việc vai diễn được khán giả đón nhận, tên tuổi ‘hot’ lên, tôi có thêm nhiều lời mời cộng tác, công việc đầy lên, thu nhập vì thế cũng tốt hơn. Tôi vui đấy nhưng cũng không khỏi suy nghĩ, có chút chạnh lòng. Thực tế ấy cũng khiến tôi phải tự nhìn lại bản thân chứ, bởi trước ‘Quỳnh búp bê,’ tôi đã có một hành trình gắn bó với nghề diễn,” Thanh Hương tâm sự.

“Phim là phim, còn đời là đời!”

- Khi nói về “Quỳnh búp bê” - bộ phim về đề tài mại dâm, buôn bán phụ nữ với nhiều mảng hiện thực trần trụi đến khốc liệt, nghệ sỹ ưu tú Đỗ Thanh Hải có nói, để làm được tác phẩm “gai góc” đó, cần một đạo diễn rất liều và một dàn diễn viên rất điên. Bản thân chị cảm thấy thế nào khi nhìn lại quá trình hóa thân thành một cô gái làng chơi?

Diễn viên Thanh Hương: Đây là lần đầu tiên tôi đóng dạng vai này, có những lúc thấy mình như hóa điên thật, cạn kiệt sức lực.

Đó là một vai diễn hay nhưng cũng rất nặng bởi thế giới nội tâm, diễn biến tâm lý nhân vật phức tạp, đặc biệt là càng về những tập cuối, khi cuộc sống của Lan bị dồn vào tận cùng bi kịch. Mắt tôi thường xuyên bị sưng, đỏ vì khóc quá nhiều. Thế nhưng, những đau đớn về thể chất vẫn còn nhẹ nhàng hơn nhiều so với ám ảnh tinh thần. Với một người phụ nữ, bị hiếp dâm đã là điều kinh khủng. Trong khi nhân vật do tôi thủ vai còn bị hiếp dâm tập thể.

Trong bóng tối, bốn người đàn ông lao vào khống chế (kẻ bịt miệng, kẻ giữ tay, kẻ túm chân…) rồi ném cô gái lên chiếc giường nơi góc nhà như quăng một thứ đồ vật, mặc cho cô ấy gào thét, giãy giụa, vùng vẫy trong đau đớn, tuyệt vọng. Do mất sức, tiếng gào thét, rên la giảm dần âm lượng nhưng không hề tắt lịm bởi dù trong hoàn cảnh bi thương, đau đớn, đơn độc kháng cự, cô ấy vẫn mong chờ, hy vọng vào một sự giải cứu…

[Mỹ nhân Việt diện đồ bay bổng, khoe phong cách nữ tính ngày Thu]

Trước khi bấm máy, đạo diễn Mai Hồng từng nói với tôi rằng, vai Lan là vai khó nhất trong phim, nếu không thực sự dấn thân để làm tới thì sẽ không lột tả được số phận bi thảm của nhân vật. Quả thực, nếu không “điên” một chút thì tôi đã không thể nhập được vào nhân vật.

Thanh Hương và những lựa chọn để đi ‘đường dài’ trong nghệ thuật ảnh 2Tạo hình của Thanh Hương trong "Quỳnh búp bê." (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

- Nghệ sỹ thường rất hạnh phúc và hãnh diện khi được gọi tên bằng vai diễn. Dẫu vậy, nếu công chúng nhắc đến chị là “Lan cave” - một biệt danh kém nhã nhặn khi đặt trong thực tế đời sống, chị cảm thấy thế nào?

Diễn viên Thanh Hương: Tôi là người sống và suy nghĩ rất tích cực. Hơn nữa, tôi cũng khá rạch ròi trong công việc và cuộc sống.

Thực tế là, khi gặp tôi ngoài đời, không ít người vẫn gọi tôi là “Lan cave.” Thú thực, ban đầu, tôi cũng có chút giật mình, thảng thốt. Tuy nhiên, nghĩ lại, tôi coi đó là một niềm vui bởi mình đã được khán giả nhớ tới. Vai diễn của mình đã tạo được dấu ấn với người xem. Một đồng nghiệp của tôi (diễn viên Kiều Thanh) cũng đã gắn với biệt danh “Trà cave” suốt 17 năm nay kể từ sau khi bộ phim “Phía trước là bầu trời” phát sóng và chị ấy rất vui vẻ.

Chúng tôi ý thức rất rõ, phim là phim, còn đời là đời! Bản thân không làm chuyện gì xấu, khuất tất thì không có gì phải lăn tăn.

- Gia đình chị đón nhận thế nào khi ra đường, những người xung quanh gọi vợ, con mình bằng cái tên như vậy?

Diễn viên Thanh Hương: Tôi thấy mình rất may mắn và hạnh phúc khi gia đình, (đặc biệt là ông xã) rất hiểu và thông cảm với công việc của tôi.

Năm 21 tuổi, tôi đã lên xe hoa về nhà chồng. Sau đó, tôi lại sinh liền hai nhóc con. Khoảng thời gian đó, tôi dành phần lớn tâm sức chăm lo gia đình. Trong ba năm trở lại đây, khi con cái đã cứng cáp hơn, tôi mới thực sự hết mình với nghệ thuật, dồn năng lượng cho các vai diễn (cả ở sân khấu kịch và phim).

Sau khi xem “Quỳnh búp bê,” chồng tôi có nói rằng, anh ấy không muốn tôi đảm nhận thêm những vai diễn kiểu như vậy nữa. Lý do không phải là vì anh ấy ghen khi xem tôi đóng “cảnh nóng” hay ngại ngùng vì ra đường, vợ mình bị gọi là “Lan cave.” Anh ấy không muốn tôi vất vả, đau đớn khi phải diễn những cảnh bị đánh đập, rượt đuổi như thế.

- Vậy tức là công chúng sẽ không gặp lại chị trong những vai tương tự?

Diễn viên Thanh Hương: Không, nếu có vai khác tương tự như vậy mà thực sự hay, cuộc sống nhân vật có nhiều khúc quanh với những chi tiết thắt nút, mở nút… thì tôi vẫn sẽ nhận. Tôi thích những nhân vật có chiều sâu.

Tuy nhiên, tôi sẽ ưu tiên hơn với những dạng vai khác (với tính cách, số phận được xây dựng khác) bởi tôi muốn hướng tới sự đa năng, đa dạng. Tôi quan niệm, diễn viên thì phải đóng được nhiều dạng vai khác nhau, không nên đóng khung trong một dạng thức nhất định.

Thanh Hương và những lựa chọn để đi ‘đường dài’ trong nghệ thuật ảnh 3Thời gian gần đây, Thanh Hương chăm chút hơn về mặt hình ảnh mỗi khi xuất hiện tại các sự kiện. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chiến lược dài hơi hay thay đổi chớp nhoáng?

- Từ “Zippo, mù tạt và em,” “Sống chung với mẹ chồng,” “Người phán xử” đến “Thương nhớ ở ai” và “Quỳnh búp bê,” khán giả được thấy chị ở khá nhiều chiều kích, diện mạo khác nhau: “bà tám” công sở lắm điều nhiều lời, “bà cô xã hội đen” ngổ ngáo, nàng ca nương thời hậu chiến với nhiều ẩn ức và cô gái làng chơi khát khao làm lại cuộc đời… Trong những vai diễn ấy, chị tâm đắc nhất với vai nào?

Diễn viên Thanh Hương: Mỗi vai diễn mang đến cho tôi những trải nghiệm riêng nhưng có lẽ, vai tôi thích hơn cả là vai Lan trong “Quỳnh búp bê” và vai Nương trong “Thương nhớ ở ai.” Đó cũng là hai vai diễn “nặng ký” nhất trên phim truyền hình mà tôi từng đảm nhận.

Tôi không muốn là cái bóng của ai và càng không muốn lặp lại chính mình. Trước hai vai diễn trên, tôi thường vào vai nhân viên văn phòng với thói “chọc gậy bánh xe” với diễn xuất thiên về những màn cãi vã, quát tháo, chơi xấu đồng nghiệp, thể hiện sự “ghen ăn tức ở”…

Tuy nhiên, Nương và Lan là hai nhân vật mang màu sắc hoàn toàn khác với đời sống tâm lý phức tạp, đòi hỏi diễn xuất nội tâm.

Thanh Hương và những lựa chọn để đi ‘đường dài’ trong nghệ thuật ảnh 4Trong "Thương nhớ ở ai," Thanh Hương hóa thân thành một ca nương thời hậu chiến với nhiều ẩn ức. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

- Cùng với quá trình làm mới mình trên màn ảnh, Thanh Hương ngoài đời cũng có nhiều đổi khác về ngoại hình, phong cách theo hướng “sexy,” quyến rũ hơn. Sự thay đổi ấy của chị là ngẫu nhiên hay có tính toán?

Diễn viên Thanh Hương: Đúng là thời gian gần đây, tôi chú ý hơn về mặt hình ảnh, chăm chút hơn về trang phục, kiểu tóc mỗi khi xuất hiện.

Với diễn viên, quan trọng nhất là được ghi nhận về diễn xuất. Dù đã làm nghề khá lâu nhưng tôi vẫn theo học các lớp học nâng cao kỹ năng diễn xuất. Năng lực chuyên môn là yếu tố then chốt, quan trọng hàng đầu nhưng không phải là tất cả để quyết định thành công của nghệ sỹ. Để đi đường dài, diễn viên thì cần cả thanh và sắc.

Hơn nữa, tôi cũng là mẫu phụ nữ hiện đại, suy nghĩ cởi mở. Cái gì đẹp thì hoàn toàn có thể phô ra, miễn là đừng làm quá, sẽ thành lố bịch và phản cảm.

- Thanh Hương xuất thân là một diễn viên kịch. Khi chuyển sang đóng phim, chị có gặp khó khăn gì không?

Diễn viên Thanh Hương: Sân khấu là gốc của tôi. Tôi cũng chưa hề nghĩ sẽ từ bỏ nguồn cội ấy. Hiện nay, tôi vẫn tham gia đều đặn các vở diễn của Nhà hát Kịch Hà Nội.

Có một thực tế khá buồn là, độ phủ sóng của sân khấu không bằng điện ảnh, truyền hình nên diễn viên kịch dù khá thành công ở những vai khó, kinh điển, giành được nhiều giải thưởng uy tín nhưng lại không được biết đến nhiều như các ngôi sao ở hai lĩnh vực kia.

Tôi có thể lực khá tốt nên không ngại những vai “bà la sát” hay những cảnh đánh đấm, hành động (như vai Phan Hương trong phim “Người phán xử”…). Ngoài ra, diễn viên kịch thường có đài từ tốt nên tôi khá tự tin trong những phim thu tiếng đồng bộ.

- Trân trọng cảm ơn chị!

Trích đoạn nhân vật Lan "hóa điên" trong phim "Quỳnh búp bê."
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục