Trước những diễn biến phức tạp của bão Noru, chiều 25/9, ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với bão tại thị xã Sông Cầu - vùng nuôi tôm hùm lớn nhất cả nước.
Trực tiếp kiểm tra khu vực cảng cá Dân Phước và các lồng bè nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là tôm hùm) tại thị xã Sông Cầu, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên yêu cầu chính quyền địa phương chủ động thông báo, hướng dẫn người nuôi các biện pháp chằng chống, thả chìm hoặc di chuyển 82.696 lồng nuôi thủy sản đến vùng an toàn. Đối với 4.780 người thường xuyên làm việc, canh giữ các bè nuôi phải được sơ tán trước thời điểm bão Noru đổ bộ vào đất liền. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu cần xây dựng phương án cụ thể để sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm, nhất là vùng ven biển, cửa sông khi cần thiết.
Mặc dù chưa chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Noru nhưng từ 19 giờ ngày 24/9 đến 11 giờ ngày 25/9, trên địa bàn thị xã Sông Cầu đã có mưa to đến rất to, lượng mưa đo được phổ biến từ 60-148mm. Mưa to đã khiến cho khu phố Dân Phước và Vạn Phước (phường Xuân Thành) bị ngập úng với khoảng 600 hộ dân bị ảnh hưởng. Địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ để khơi thông dòng chảy nên tình trạng ngập úng đã cơ bản được khắc phục.
Để chủ động ứng phó khi bão NORU đổ bộ vào đất liền, tỉnh Phú Yên đã đã duy trì nghiêm chế độ trực; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Các địa phương ven biển là thị xã Sông Cầu, Đông Hòa; huyện Tuy An và thành phố Tuy Hòa đã tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp chằng néo nhà cửa.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên đã thông tin cho 4.107 phương tiện nghề cá với 24.600 lao động vào nơi tránh trú an toàn. Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 26/9, tỉnh Phú Yên sẽ cấm tàu thuyền ra khơi.
Thanh Hóa quản lý chặt chẽ phương tiện tàu thuyền ra khơi
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 17 về việc chủ động ứng phó với bão Noru trên biển Đông.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương, cơ quan liên quan quản lý chặt chẽ các phương tiện tàu thuyền ra khơi; tổ chức kiểm đếm theo dõi tàu, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để kêu gọi, hướng dẫn thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến; bảo đảm an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội, an toàn về người, tài sản trên các đảo và lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, các tàu vận tải, hoạt động du lịch trên các đảo, ven biển, công trình đang thi công.
Các địa phương khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các công trình cột tháp cao; bảo đảm an toàn các tuyến đê sông, đê cửa sông, đê biển, nhất là các vị trí xung yếu hoặc đang thi công. Các địa phương sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu đô thị và khu công nghiệp có nguy cơ ngập lụt; chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản đến thời kỳ thu hoạch.
[Ứng phó bão Noru: Quảng Trị hoàn thành sơ tán dân trước ngày 27/9]
Hiện các đơn vị của Bộ đội Biên phòng tỉnh đang theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão Noru trên biển Đông. Đơn vị chỉ đạo 4 đài Thông tin báo bão thường xuyên thông báo, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí , hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm
Đơn vị chỉ đạo các đơn vị bổ sung kế hoạch và triển khai thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của trên; thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến tình hình thời tiết, báo cáo kiểm đếm, giữ liên lạc với các phương tiện hoạt động trên biển; thường trực lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh.
Theo thống kê toàn tỉnh hiện có tổng số 6.513 phương tiện với 25.240 lao động; trong đó neo đậu tại bến 6.330 phương tiện/24.439 lao động; đang hoạt động trên biển 183 phương tiện/801 lao động. Cụ thể tại vùng biển Thanh Hoá 154 phương tiện/568 lao động; Quảng Ninh 8 phương tiện với 65 lao động; Hải Phòng 47 phương tiện với 363 lao động; Nam Định 9 phương tiện với 65 lao động… Số phương tiện trên đã nắm được thông tin bão số 4 và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương.
Cũng theo tổng hợp từ Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, do mưa lớn kéo dài từ ngày 21/9 đến chiều 24/9, gần 50% số hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã tích đầy nước. Trong số đó, 57 hồ do các công ty khai thác công trình thủy lợi quản lý và 239 hồ do các huyện quản lý. Dự báo trong những ngày tới, mưa vẫn tiếp diễn ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh, vì vậy các đơn vị quản lý đang có giải pháp xả nước bảo đảm an toàn./.