Tính đến 14 giờ ngày 9/11, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 7.355 phương tiện cùng 24.266 lao động trên biển đã vào nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn. Tuy nhiên vẫn còn 140 phương tiện với 467 lao động đang hoạt động trên biển chưa vào bờ.
Các phương tiện kể trên đều đã nắm được thông tin về cơn bão số 14 và đang khẩn chương vào nơi tránh trú bão an toàn.
Hiện tại chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ với các gia đình kêu gọi các ngư dân trên các chòi canh, lồng bè vào bờ, giúp dân chằng chống nhà cửa xong trước 18 giờ ngày 9/11.
Cũng theo báo cáo của trung tâm tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa trong ngày 9/11 tàu cứu hộ BP 341901 có công suất 4.500CV của biên phòng Hà Tĩnh trên đường ra Hải Phòng bị hỏng máy tại vị trí cách đảo Hòn Mê (tỉnh Thanh Hóa) khoảng 16 hải lý về phía Đông Nam.
Đến 14 giờ 30 phút ngày 9/11, Hải đội 2 bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã tiếp cận được con tàu trên và đang tiến hành lai dắt vào bờ.
Cũng trong ngày 9/11, tàu cá TH 1102 TS có công suất 60CV do anh Bùi Văn Dũng (sinh năm 1981, ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia) làm thuyền trưởng trên đường chạy vào cửa Lạch Ghép (huyện Tĩnh Gia) bị sóng đánh chìm tàu.
Hiện tại lực lượng Biên phòng tỉnh Thanh Hóa phối hợp với chính quyền địa phương đã cử năm tàu cứu hộ ra trục vớt và đưa bốn ngư dân trên tàu kể trên vào bờ.
Trong ngày 9/11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cũng đã cử 13 đoàn công tác của các sở, ban ngành liên quan đến các địa phương triển khai phương án phòng chống lụt bão, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
Theo chỉ đạo của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, các đoàn công tác sẽ cắm chốt tại các huyện có nguy cơ bị ảnh hưởng cao bởi cơn bão số 14 đến khi tan bão mới trở về chứ không kiểm tra như những lần bão trước.
Tại các huyện ven biển, chính quyền địa phương phối hợp với bộ đội biên phòng phải cương quyết chỉ đạo nhân dân đưa tàu thuyền vào ấu tránh trú bão an toàn, tuyệt đối không cho các phương tiện đậu ngoài cửa sông, cửa biển.
Ngày 10/11, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng cho biết bắt đầu từ 7 giờ ngày 10/11, tỉnh Ninh Bình thực hiện cấm biển. Các tuyến đò trên sông tạm ngừng hoạt động vận tải kể từ 10 giờ ngày 10/11 cho đến khi bão tan.
Nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 14 có thể gây ra trên địa bàn, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình yêu cầu huyện ven biển Kim Sơn kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về bờ hoặc đến nơi trú tránh an toàn; phối hợp với lực lượng vũ trang tăng cường tuần tra kiểm soát, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè; tổ chức di dân khu vực ngoài đê Bình Minh 2 và có biện pháp đảm bảo an toàn cho lồng bè nuôi trồng thủy hải sản.
Các huyện, thành phố, thị xã di dân đang sống ở khu vực cửa sông, vùng thấp trũng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn; tiến hành chặt tỉa cây cối, chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, trường học, bệnh viện xong trước 14 giờ ngày 10/11, hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo phòng chống bão lũ; thông báo cho các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học đến khi bão tan.
Công ty khai thác công trình thủy lợi Ninh Bình thực hiện xả nước đón lũ ở các hồ chứa thủy lợi nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình và khu dân cư, chủ động tiêu úng ở các vùng trũng thấp và có biện pháp chống ngập sau bão để bảo đảm sản xuất vụ Đông.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Ninh Bình liên tục thông báo diễn biến và hướng di chuyển của bão số 14 đến 245 chòi canh ngao với 392 lao động đang hoạt động từ đê Bình Minh 3 ra Cồn Nổi và 748 hộ với 896 nhân khẩu đang nuôi trồng thủy sản từ đê Bình Minh 2 đến đê Bình Minh 3 để người dân có biện pháp bảo vệ tài sản và sẵn sàng di chuyển khi có lệnh.
Các lực lượng trên sẵn sàng 100% quân số, chuẩn bị phương tiện cứu hộ cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có tình huống bất thường xảy ra; bố trí lực lượng cảnh sát giao thông hướng dẫn và kiểm soát giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu trên địa bàn thành phố Ninh Bình và thị xã Tam Điệp, khu vực ngầm tràn qua sông, suối.
Các phương tiện thông tin đại chúng gồm Báo Ninh Bình, Cổng Thông tin Điện tử Ninh Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình thường xuyên đưa tin, liên tục phát sóng 30 phút/lần về diễn biến của bão, mưa lũ và các chỉ đạo của cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh./.