Thanh Hóa tổ chức cầu siêu kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hàm Rồng

Tối 2/4, tại Công viên Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ, giáo sinh trường y, học sinh trường sư phạm 7+3 hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ.
Thả hoa đăng bên cầu Hàm Rồng. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tối 2/4, tại Công viên Hàm Rồng, bên bờ sông Mã, thành phố Thanh Hóa, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sỹ, giáo sinh trường y, học sinh trường sư phạm 7+3 và đồng bào đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Tại lễ cầu siêu, các đại biểu và nhân dân địa phương đã cung kính dâng hương, cầu nguyện, cầu siêu, tưởng niệm những người con ưu tú của mảnh đất Thanh Hóa anh hùng đã cống hiến, hy sinh tuổi trẻ, xương máu của mình để giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, Mỹ đã huy động 1.891 lượt máy bay đến đánh phá cầu Hàm Rồng, dội hàng chục nghìn quả bom và đạn các loại xuống khu vực này. Nhưng với ý chí của quân và dân Nam Ngạn-Hàm Rồng, cầu hỏng tới đâu sửa tới đó, cây cầu vẫn đảm bảo ngày đêm thông tuyến, thông xe.

Trong 4 năm, Mỹ đã bỏ lại nơi đây 107 xác máy bay hiện đại, chiếm gần 1/3 tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Thanh Hóa.

Tại địa điểm đắp đê sông Mã, cách cây cầu Hàm Rồng khoảng 1 km, vào lúc 8 giờ sáng 14/6/1972, máy bay Mỹ bất ngờ, dồn dập từ cửa biển lao vào khu vực này dội bom, đạn xuống 2.000 giáo viên, học sinh trường y sỹ, trường sư phạm 7+3, thị xã Thanh Hóa và dân công các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa đang đắp đê sông Mã khiến 64 giáo viên, học sinh vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này, 287 người khác bị thương trong khi không có vũ khí trong tay, không có gì để tự vệ, cả một đoạn đê sông Mã bị bom đạn cầy nát.

(Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Lễ cầu siêu cũng là dịp để các thế hệ ngày nay thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn," "đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc Việt Nam, thể hiện sự tri ân, đời đời ghi nhớ công lao to lớn của những người con ưu tú đã hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của cuộc đời mình cho độc lập dân tộc. Đây cũng là dịp giáo dục tinh thần, truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.

Kết thúc lễ cầu siêu, các đại biểu và người dân địa phương đã làm lễ thả hoa đăng trên dòng sông Mã./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục