Thanh Hóa: Tạo sinh kế giúp đồng bào vùng cao Cẩm Thủy thoát nghèo

Nhờ mô hình hỗ trợ trâu, bò giống sinh sản cho người dân vùng cao ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 4,63% năm 2022 xuống còn 2,96% vào tháng 6/2024.
Hiệu quả từ các dự án hỗ trợ trâu bò giống sinh sản đã góp phần thay đổi đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: TTXVN phát)

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân, trong đó mô hình hỗ trợ trâu, bò giống sinh sản đang phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn.

Thuộc diện hộ nghèo của thôn Yên Duyệt, xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy, nhiều năm liền, bà Trương Thị Cúc, dân tộc Mường cứ loay hoay với bài toán vươn lên thoát nghèo. Không có vốn để đầu tư sản xuất, thu nhập chính của gia đình bà chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và số tiền đi làm thuê ít ỏi.

Đầu năm 2023, sau khi rà soát, bình bầu từ cơ sở, gia đình bà được hỗ trợ vốn để mua trâu, bò giống sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024.

Với số tiền được hỗ trợ 15 triệu đồng, gia đình bà vay mượn thêm và mua một con bò sinh sản. Tận dụng lợi thế vườn rộng, gia đình bà trồng thêm mía, cỏ voi để làm thức ăn cho bò.

Sau một thời gian chăm sóc, đến nay, con giống phát triển khỏe mạnh và sinh sản thêm một con bê cái. Dự kiến bê cái nuôi thêm một thời gian nữa sẽ bán được khoảng 10 triệu đồng.

Số tiền này giúp gia đình bà trang trải nợ và có thêm vốn đầu tư phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2024. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước gia đình bà không biết khi nào mới thoát khỏi cảnh nghèo khó…, bà Cúc chia sẻ.

Gia đình bà Bùi Thị Chiến, thôn Yên Duyệt thường xuyên rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau, quanh năm lao động nhưng cũng không thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Cuối năm 2023, gia đình bà được hỗ trợ 18 triệu đồng để mua trâu sinh sản, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024.

Đến nay, nhờ được hỗ trợ và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trâu giống của gia đình bà sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh và đã sinh sản một con nghé. Vừa qua, gia đình bà bán nghé con được hơn 10 triệu đồng. Gia đình đang tiếp tục chăm sóc trâu mẹ để sinh sản những lứa tiếp theo.

Các hộ tham gia dự án được tập huấn nâng cao năng lực về kỹ thuật chăm sóc giống cây trồng, vật nuôi. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2024, trên địa bàn xã có 40 hộ được hỗ trợ tiền mua con giống.

Mức hỗ trợ mua con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi, chế phẩm sinh học, hóa chất khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi, công cụ, dụng cụ sản xuất, tiền chuồng trại là 15 triệu đồng/con bò giống và 18 triệu đồng/con trâu giống sinh sản.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Thủy Bùi Văn Lâm cho biết, với phương châm “trao cần câu, không cho con cá,” việc hỗ trợ trâu giống đã tạo “điểm tựa” giúp các hộ nghèo, cận nghèo nỗ lực vượt khó vươn lên.

Xã Cẩm Yên chỉ đạo công chức nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn các hộ dân kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh. Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo của xã Cẩm Yên giảm đáng kể.

Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 8,15%; năm 2023 giảm xuống 5,65%% và đến tháng 6/2024 còn 3,8%. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 53 triệu đồng/người/năm.

Thực hiện Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, đến ngày 31/5/2024, Ủy ban Nhân dân huyện đã phê duyệt 11 dự án chăn nuôi trâu, bò sinh sản hỗ trợ cho 188 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ 3,1 tỷ đồng, huy động của các hộ dân tham gia dự án 2,2 tỷ đồng.

Hiện nay, huyện Cẩm Thủy tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi trâu sinh sản. Theo đó, huyện chỉ đạo các xã rà soát nhu cầu của hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng dự án, trình Ủy ban Nhân dân huyện phê duyệt.

Ông Nguyễn Hải Sâm, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Cẩm Thủy, cho biết những năm trước, thực hiện chương trình giảm nghèo, huyện xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế, trong đó mô hình nuôi trâu, bò sinh sản đã phát huy hiệu quả, giúp hàng trăm hộ dân vươn lên thoát nghèo.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện Cẩm Thủy tiếp tục thực hiện mô hình nuôi trâu, bò sinh sản tại các xã Cẩm Giang, Cẩm Tú, Cẩm Yên, Cẩm Vân, Cẩm Phú, Cẩm Ngọc, Cẩm Tân.

Với việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, “công cuộc” giảm nghèo của huyện tiếp tục đạt những kết quả khả quan. Năm 2022, toàn huyện có 1.365 hộ nghèo, chiếm 4,63%, đến tháng 6/2024, số hộ nghèo giảm xuống còn 870 hộ (2,96%)…

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên. Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, thực hiện Dự án 2 về đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo, toàn tỉnh triển khai 320 dự án, trong đó có 21 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, 299 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng.

Các loại hình dự án chủ yếu tập trung vào chăn nuôi với 302 dự án; 12 dự án trồng trọt, chủ yếu là cây dược liệu và cây ăn quả; 6 dự án nuôi cá lồng. Kinh phí thực hiện dự án hơn 116 tỷ đồng, từ vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Dự án giúp hơn 11.000 hộ được hưởng lợi, trong đó có 5.409 hộ nghèo, 311 hộ người khuyết tật, 4.202 hộ cận nghèo.

Các hộ tham gia dự án được tập huấn kỹ thuật chăm sóc giống cây trồng, vật nuôi; cách thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm của dự án.

Các dự án góp phần nâng cao đời sống người dân, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục