Thanh Hóa: Sạt lở đất chia cắt các huyện miền núi rất nghiêm trọng

Khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xảy ra mưa to khiến tình trạng sạt lở chia cắt tại các huyện miền núi vẫn rất nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng.
Thanh Hóa: Sạt lở đất chia cắt các huyện miền núi rất nghiêm trọng ảnh 1Hơn 100 cán bộ chiến sỹ công an được huy động giúp trường học dọn dẹp bùn đất. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Ngày 3/9, ông Đặng Tiến Dũng, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, cho biết do tối 2/9, khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xảy ra mưa to khiến tình trạng sạt lở chia cắt tại các huyện miền núi vẫn rất nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng.

Tuyến Quốc lộ 15C đã có 40km đường bị sạt lở nghiêm trọng (đoạn từ xã Trung Lý lên đến trung tâm huyện Mường Lát) khiến huyện này bị cô lập hoàn toàn với vùng xuôi. Dự kiến phải mất 5-7 ngày tới mới thông tuyến Quốc lộ 15 C. Không chỉ bị cô lập về giao thông, thông tin liên lạc của huyện Mường Lát cũng bị hỏng hoàn toàn.

Ngoài ra các huyện Quan Hóa, Quan Sơn cũng bị sạt lở, gây tắc đường, ngập sâu hàng chục điểm trên các tuyến Quốc lộ 15C, Quốc lộ 16, Quốc lộ 217… Các tuyến đường tuần tra biên giới của các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân cũng xảy ra sạt lở chưa thống kê được.

[Thanh Hóa khẩn trương ổn định cuộc sống cho người dân vùng lũ]

Trước thực trạng trên, Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị để khắc phục các sự cố về giao thông, đồng thời chỉ đạo lực lượng trực gác lũ, làm rào chắn, cắm biển báo điều tiết giao thông tại các khu vực bị ngập sâu, sạt lở, tắc đường.

Bộ Chỉ huy quân sự đã huy động 211 cán bộ chiến sỹ, 2.286 dân quân cơ động giúp dân sơ tán, di dời, khắc phục hậu quả thiên tai. Lực lượng biên phòng cũng huy động tối đa lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm người mất tích, tham gia sơ tán.

Lực lượng công an cũng huy động trên 1.600 lượt cán bộ, chiến sỹ đến các huyện miền núi tổ chức di dời người dân đến vùng an toàn, tổ chức cắm chốt lực lượng, phân luồng, hướng dẫn, kiểm soát phương tiện giao thông không cho đi vào các điểm sạt lở nguy hiểm.

Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, các huyện miền núi đã chủ động sơ tán trên 5.000 hộ dân sinh sống ở các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng thấp trũng, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đá, gần 7.300 hộ dân, các huyện, thành phố có đê sông Mã, sông Bưởi và sông Lèn đến nơi sơ tán an toàn.

Từ ngày 28/8 đến nay, mưa lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã làm chín người chết (huyện Mường Lát bốn người, huyện Cẩm Thủy năm người); ba người mất tích và hai người bị thương (đều ở huyện Mường Lát).

Mưa lũ cũng làm 267 nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 24 điểm trường bị ngập, hai nhà bán trú cho học sinh và giáo viên bị vùi lấp do sạt lở đất.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục