Ngày 1/8, thông tin từ Công an huyện Như Xuân, tỉnh Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết đã triệt phá được đường dây lừa đảo liên tỉnh, bắt giữ 4 đối tượng có thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng của nhiều người ở nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Trước đó, từ cuối tháng 6 đến tháng 7/2022, Công an huyện Như Xuân liên tiếp nhận được nhiều tin báo của người dân ở nhiều địa phương khác nhau về việc bị các đối tượng không rõ lai lịch trên mạng Internet chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng với số lượng lớn.
Điển hình, ngày 12/6/2022, chị T.T.T ở xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương khi đi công tác trên địa bàn huyện Như Xuân đã bị các đối tượng lừa chiếm đoạt số tiền 340 triệu đồng; ngày 24/6, chị L.T.Tr. ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân bị chiếm đoạt số tiền 22,2 triệu đồng; ngày 7/7, chị N.T.T.H. ở quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng bị chiếm đoạt với số tiền 410 triệu đồng…
Xác định đây là nhóm đối tượng chuyên sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản, Công an huyện Như Xuân đã tập trung lực lượng, phối hợp với các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Bộ Công an và Công an thành phố Đà Nẵng, Công an huyện Duy Xuyên, Công an tỉnh Quảng Nam khẩn trương rà soát, xác minh các đối tượng nghi vấn.
[Bắt giữ nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 60 tỷ đồng]
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an huyện Như Xuân đã bắt giữ Lê Văn Vỹ (sinh năm 1995), Lý Hoàng Diệu (sinh năm 2000), cùng thường trú tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng; Trương Công Hay (sinh năm 1995), Nguyễn Thế Hiển (sinh năm 1993), cùng thường trú tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Tang vật thu giữ gồm: 13 điện thoại di động, 25 sim thẻ, 5 tài khoản ngân hàng, 1 máy tính xách tay và nhiều đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án.
Tại cơ quan Công an các đối tượng khai nhận đã thiết kế giao diện giả mạo của một số ngân hàng. Sau đó, các đối tượng giả danh là nhân viên ngân hàng gọi điện để liên lạc, tư vấn cho khách hàng, thông báo tài khoản của họ đang gặp sự cố như chuyển nhầm tiền, hoặc bị khóa...
Để khắc phục sự cố này, các đối tượng đã gửi cho chủ tài khoản một đường link giả mạo là website ngân hàng và yêu nhập các thông tin tài khoản, mật khẩu, cung cấp mã OTP...
Sau đó, các đối tượng đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân của chủ tài khoản rồi chiếm đoạt quyền đăng nhập tài khoản để chuyển tiền từ tài khoản của người bị hại sang tài khoản của các đối tượng này nhằm chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn trên, chỉ tính từ năm 2019 đến khi bị bắt, các đối tượng đã chiếm đoạt tài sản của nhiều người trên cả nước với số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Hiện, vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng./.