Thanh Hóa: Nhiều hộ dân thu nhập từ 500 triệu đồng mỗi năm từ nuôi vịt Cổ Lũng

Vịt Cổ Lũng là giống vịt bản địa có từ lâu đời, hay còn gọi là vịt Mường Khòong có màu lông cánh sẻ, xương nhỏ, cổ rụt, chân nhỏ lùn, có chất lượng thơm ngon, luôn được người dùng ưa chuộng.
Đàn vịt Cổ Lũng của hộ dân huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa). (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Nhiều hộ dân huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đã tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển chăn nuôi giống vịt Cổ Lũng nhằm nâng cao thu nhập, cũng như bảo tồn nguồn gen giống vịt quý này.

Nhờ áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật trong chăn nuôi, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu. Hiện người dân bán vịt với giá từ 95.000-110.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận từ 50.000-100.000 đồng/con, thu nhập trung bình của các hộ trung bình từ 100-500 triệu đồng/năm.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân huyện Bá Thước, trên địa bàn đang có 1.568 hộ dân đang chăn nuôi vịt Cổ lũng. Đây là giống vịt bản địa có từ lâu đời, chủ yếu nuôi tập trung tại 6 xã khu vực Quốc Thành, gồm Cổ Lũng, Lũng Cao, Lũ Niêm, Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn. Vịt Cổ Lũng hay còn gọi là vịt Mường Khòong có màu lông cánh sẻ, xương nhỏ, cổ rụt, chân nhỏ lùn.

Giống vịt này chỉ ăn lúa, cua, ốc, rong rêu bên suối nên thịt nhiều nạc và chắc, ngọt, thơm, đặc biệt vịt Cổ Lũng chỉ nuôi khoảng 5 tháng thì xuất bán với trọng lượng đạt 1,6-2,2 kg/con. Khi nuôi đến 6 tháng thì bắt đầu đẻ trứng với năng suất trứng từ 130-145 quả/con mái/năm.

Để hỗ trợ người dân chăn nuôi vịt và bảo tồn giống vịt quý này, Ủy ban Nhân dân huyện Bá Thước đã triển khai nhiều dự án khoa học công nghệ để bảo tồn giống vịt quý này gồm, dự án bảo tồn và phát triển giống vịt Cổ Lũng; dự án ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục hồi và phát triển giống vịt bản địa Cổ Lũng chất lượng tốt.

Hộ dân huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) chăn nuôi vịt Cổ Lũng. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Dự án xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vịt Cổ Lũng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Các dự án này đã được thực hiện thành công, giúp nâng cao giá trị của vịt Cổ Lũng, cũng như tăng thêm thu nhập cho người dân chăn nuôi giống vịt.

Nhiều năm qua, anh Lò Văn Phú, xã Ban Công, huyện Bá Thước luôn đi đầu trong việc bảo tồn, phát triển giống vịt Cổ Lũng. Nhận thấy, giống vịt chân ngắn, cổ to, thịt thơm ngon, được nuôi nhiều trên địa bàn xã đã trở thành món ăn đậm chất văn hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Thế nhưng giống vịt này đang dần bị suy thoái, lai tạp, nhất là màu sắc của vịt, đen pha trắng, đa số không có khoang cổ, cổ nhỏ và dài. Anh Phú quyết định thực hiện mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm, cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi vịt Cổ Lũng.

Năm 2019, anh Phú đầu tư nuôi 1.000 con vịt thịt. Anh đã đi học hỏi cách nuôi từ già làng, chọn đúng giống vịt nuôi, nhờ đó vịt phát triển đúng nguồn gốc, sản lượng 1,5 tấn vịt thịt/năm. Năm 2020, anh quyết định mở rộng chăn nuôi lên 2.000 vịt giống.

Tới nay, trang trại của anh đang nuôi 3.000 con vịt, mỗi năm xuất bán 10.000 con vịt, thu nhập đạt 200-300 triệu đồng/năm, sản phẩm vịt cổ lũng luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được xuất bán ra thị trường thành phố Thanh Hóa, huyện Bá Thước, Hà Nội.

Anh Lò Văn Phú tại xã Ban Công (Bá Thước, Thanh Hóa) thoát nghèo nhờ chăn nuôi vịt Cổ Lũng. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Còn ông Hoằng Văn Thắng, xã Ban Công, huyện Bá Thước cũng đã thực hiện thành công mô hình chăn nuôi vịt Cổ lũng và cung cấp giống. Ngày đầu khởi nghiệp còn khó khăn, nhưng ông luôn kiên trì học hỏi và chăn nuôi vịt Cổ Lũng theo phương pháp mới.

Đồng thời, tận dụng lợi thế nguồn nước suối, nguồn thức ăn sẵn có, lựa chọn giống bản địa, phát triển nuôi vịt Cổ Lũng. Từ đó, giống vịt được phát triển tốt, thời gian nuôi ngắn hơn.

Hiện trang trại ông Thắng đang nuôi 2.000 con vịt Cổ Lũng mái đẻ trứng, một năm xuất bán 30.000-40.000 con vịt cổ lũng giống, thu nhập từ mô hình nuôi vịt Cổ lũng và cung cấp giống đạt 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.

Hiện trang trại ông đang cấp con giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn, và sản phẩm vịt được nuôi theo quy trình sạch sẽ, an toàn với dịch bệnh nên được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Mai Hữu Phúc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bá Thước cho biết những năm qua huyện đã vận động người dân chăn nuôi vịt cổ lũng để giảm nghèo.

Hiện Ủy ban Nhân dân huyện đã xây dựng 6 cơ sở cung ứng giống vịt Cổ Lũng nuôi thương phẩm cho các hộ dân trên địa bàn. Thời gian tới, huyện bá Thước sẽ chỉ đạo các xã hướng dẫn từng hộ dân thực hiện đúng các quy trình nuôi để phát triển nhanh số lượng vịt, tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu ngày một tăng của khách hàng và bảo tồn được con giống.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa, mô hình nuôi vịt cổ lũng đã được nhân rộng ra các địa phương miền núi khác theo hướng hữu cơ, an toàn, bởi đây là giống vịt quý, có chất lượng thơm ngon, luôn được người dùng ưa chuộng.

Ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng phòng quản lý giống và kỹ thuật chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa khẳng định tính đặc trưng của vịt Cổ lũng là thịt vịt thơm ngon nên nhu cầu tiêu thụ của dân tăng cao.

Thời gian tới, với tiềm năng lợi thế phát triển của vịt, chi cục sẽ hướng dẫn các huyện miền núi thực hiện các mô hình chăn nuôi vịt Cổ Lũng theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học và định hướng đầu ra cho sản phẩm, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.

Nhờ áp dụng khoa học mới, các hộ dân sống tại huyện Bá Thước đã chú trọng hơn đến việc chăn nuôi vịt Cổ Lũng theo hướng an toàn sinh học, hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa có tác dụng bảo tồn, lưu giữ nguồn gen quý giống vịt bản địa. Đồng thời, tạo ra sản phẩm vịt có chất lượng, an toàn và đem lại lợi nhuận cao cho người chăn nuôi vịt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục