Tại khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều hộ gia đình sống tại 15 thôn bản và các cụm dân cư chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, những hộ gia đình này chủ yếu sống tại vùng đặc biệt khó khăn có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt nên việc kéo điện đang còn gặp khó khăn.
Người dân nơi này này mong một ngày nào đó có điện lưới về bản để thắp sáng, sử dụng những tiện nghi của đời sống giữa núi rừng.
Thôn Thung, xã Đồng Lương, huyện miền núi Lang Chánh hiện có 57 hộ dân với 200 nhân khẩu, dù chỉ cách trung tâm huyện 10km, thế nhưng các hộ dân sống tại thôn này vẫn chưa được sử dụng điện quốc gia.
Theo người dân, trước đây họ sống dựa vào điện năng lượng mặt trời do tổ chức phi chính phủ tài trợ, tuy nhiên do sử dụng lâu nên các thiết bị này bị hư hỏng và không còn khả năng phát điện.
Do đó, người dân thôn Thung vẫn chưa có điện lưới nên họ không được tiếp cận với thông tin đại chúng, buổi tối ở đây chỉ có vài ánh đèn le lói, cuộc sống người dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao.
Một vài hộ dân trong thôn Thung có điều kiện mua pin năng lượng mặt trời hoặc mua tupin nước đặt dưới suối để phát điện. Còn các hộ dân khác phải dùng đèn dầu, đèn pin và người dân phải làm hết mọi việc khi ánh mặt trời tắt hẳn, nấu cơm phải dùng củi lửa.
[Lai Châu: Điện lưới quốc gia đã đến với hơn 100 hộ dân bản Nậm Cầy]
Bà Phạm Thị Tấn, thôn Thung, xã Đồng Lương cho hay: “Do nhiều năm chưa có điện lưới nên cuộc sống của gia đình rất khó khăn. Khi mùa hè tới, trời nắng nóng rất oi bức và khó chịu, nhờ chính quyền sớm đầu tư điện lưới quốc gia để bà con có điện sự dụng, phục vụ đời sống và sản xuất."
Trước thực trạng bà con thôn Thung, xã Đồng Lương chưa có điện lưới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đường dây và xây dựng 1 trạm biến áp nhằm thay thế nguồn điện mặt trời cho thôn Thung. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa triển khai và người dân làng Thung vẫn mong mỏi từng ngày, từng giờ ánh sáng từ điện lưới quốc gia về với bản làng.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Văn Việt- Trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Lang Chánh cho biết: “Sau khi có chủ trương của tỉnh, Ủy ban Nhân dân huyện Lang Chánh đang phối hợp với các đơn vị để hoàn thành các thủ tục, tới đây đơn vị thiết về sẽ hoàn thành hồ sơ và dự toán, thẩm định. Huyện Lang Chánh phấn đấu sẽ triển khai xây dựng công trình điện này vào quý 4/2023.”
Đã từng có điện lưới quốc gia, thế nhưng do nằm trong vùng ngập lòng hồ dự án nhà máy thuỷ điện Hồi Xuân, nên một cụm dân cư với 14 hộ dân phải chuyển lên khu vực mới của bản Mỏ, xã Phú Xuân, huyện biên giới Quan Hóa sinh sống.
Để có điện thắp sáng, người dân tại cụm dân cư này đã góp tiền mua dây, chôn cột bằng các thân cây tre, gỗ để kéo điện về nhà nhưng không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời vì đường xa tiền mua dây tốn kém, dây truyền tải nhỏ khiến việc hao hụt điện lớn. Trong khi, điện cũng chập chờn, chỉ dùng được ban ngày, còn ban đêm bóng điện yếu.
Dù đã kiến nghị nhiều lần, nhưng do dự án nhà máy thuỷ điện Hồi Xuân bị chậm tiến độ, nên những cam kết về di chuyển trạm biến áp từ nơi ở cũ lên nơi ở mới cho người dân vẫn chưa được chủ đầu tư thực hiện.
Bà Hà Thị Lưu, bản Mỏ, xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa cho hay: “Tôi chuyển lên đây 6 năm nhưng chưa được kéo điện lưới quốc ra, cột điện thì nằm xa với nơi ở mới. Nhờ các cơ quan cấp trên di chuyển cột điện lên cho chúng tôi.”
Theo ông Lê Công Đức, Phó giám đốc Điện lực huyện Quan Hóa, Công ty Điện lực tỉnh Thanh Hóa khẳng định: “Việc kéo đường dây điện cũ đến cụm dân cư này tương đối dài, còn đường dây bà con đầu tư kéo trên đường dây dài sẽ tiềm ẩn nguy cơ về chất lượng điện và không đảm bảo an toàn. Thời gian tới, đề nghị Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân nhanh có nguồn vốn di dời đường dây điện cũ lên đến khu dân cư, để điện lực cấp điện bà con được ổn định, an toàn.”
Việc thiếu điện khiến cho cuộc sống của người dân ở các bản, làng vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn, không nắm bắt được thông tin thời sự, khoa học tiến bộ vào sản xuất, việc học của trẻ em cũng bị ảnh hưởng.
Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa hiện còn 15 thôn, bản và các cụm dân cư chưa có điện lưới quốc gia, chủ yếu tại các huyện Mường Lát, Lang Chánh, Thường Xuân.
Theo ông Hoàng Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Ngành điện đang phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị hoàn thành thủ tục để đầu tư các công trình điện. Sau khi Sở Công Thương bàn giao các công trình cho ngành điện quản lý, Công ty Điện lực Thanh Hóa sẽ cấp điện cho bà con tại những thôn bản đặc biệt khó khăn này.”
Dự kiến cuối năm 2023, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để đầu tư các công trình và đóng điện tại các thôn bản chưa có điện còn lại, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội tại khu vực miền núi còn nhiều khó khăn./.