Thanh Hóa: Người lưu giữ và trao truyền "hồn cốt" xứ Mường

Theo lãnh đạo huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, nếu không có những người như nghệ nhân Phạm Thị Tắng, những giá trị văn hóa truyền thống của tổ tiên người Mường để lại sẽ có nguy cơ bị thất truyền.
Nghệ nhân Phạm Thị Tắng đã dành nhiều tâm huyết để bảo tồn và phát huy Lễ hội Pồn Pôông. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Nghệ nhân Phạm Thị Tắng ở thôn Lỏ, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã dành nhiều tâm huyết để bảo tồn và phát huy Lễ hội Pồn Pôông ( Chơi hoa) đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhờ đó, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường xứ Thanh luôn được bảo tồn, phát huy.

Nét văn hóa độc đáo của người Mường xứ Thanh

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm thầy mo Mường, từ nhỏ, Phạm Thị Tắng đã được sống trong không gian thấm đẫm hồn cốt xứ Mường với những điệu múa, lời hát Xường của người Mường.

Bà Phạm Thị Tắng còn được ông bà, cha mẹ dạy cách đẽo, gọt cây Chạng Pạng làm thành những bông hoa để dựng thành cây bông cao 9 tầng với hàng nghìn bông hoa bằng gỗ. Bà cũng được truyền dạy đầy đủ các nghi thức bảo tồn tín ngưỡng thờ cúng cũng như nghi lễ dựng cây bông.

Hiện, cây bông có tuổi đời hàng trăm năm đang được bà Tắng trân trọng giữ gìn. Cùng với niềm đam mê học hỏi, tìm tòi, sáng tạo của bản thân, dần dần bà trở thành người lưu giữ "hồn cốt" của văn hóa người Mường ở xã Cao Ngọc nói riêng, của người Mường Thanh Hóa nói chung.

[Thanh Hóa đăng cai Ngày hội Văn hóa dân tộc Mường lần thứ II]

Theo Máy Tắng, Pồn Pôông là lễ hội có từ rất xa xưa, trong tiếng Mường, “Pồn” có nghĩa là chơi, nhảy múa, “Pôông” có nghĩa là bông, bông hoa, “Pồn Pôông” có nghĩa là nhảy múa bên cây bông (hay còn gọi là cây hoa).

Nhiều năm qua, bà Phạm Thị Tắng (giữa) đã miệt mài truyền dạy lại các điệu múa, lời hát Pồn Pôông cho các thế hệ người Mường. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Lễ hội Pồn Pôông của người Mường được tổ chức hằng năm vào các ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Ba và rằm tháng Bảy với mong muốn cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, nhà nhà hạnh phúc. Lễ hội vừa mang tính nghi lễ cầu phúc, cầu an vừa mang tính chất giao duyên nam nữ.

Dưới gốc cây bông, bên ngôi nhà sàn cổ, khi tiếng trống, tiếng cồng, chiêng nổi lên cũng là lúc Máy Tắng cùng đoàn người trong trang phục truyền thống của người Mường vừa đi vừa nhảy múa vừa hát quanh cây bông. Xen lẫn những điệu múa, lời ca là tiếng cười sảng khoái của Máy Tắng như giục giã, mời gọi mọi người trong bản nhanh chóng tụ hội về quanh cây bông.

Lúc này, Máy Tắng là thầy cúng, người dẫn chuyện kể lại giai thoại sinh ra trời đất, thiết lập bản Mường cũng như thông báo với thần linh năm nay vụ mùa thắng lợi, làng mở hội mừng cơm mới, thể hiện tấm lòng biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Máy Tắng kể chuyện Xường, vừa kể vừa nhảy múa. Mỗi khi kể đến giai thoại nào là các nam thanh nữ tú biểu diễn trò mô phỏng hoạt động đó như: Cảnh dân làng đuổi hổ dữ, bắt cá, chọi gà, chọi trâu, cày bừa, gặt hái hay trai gái vào hội bói hoa, giao duyên…

Đến nay, dù đã 75 tuổi nhưng Máy Tắng vẫn nhớ đầy đủ, chi tiết của loại hình nghệ thuật Pồn Pôông với 48 trò chơi, trò diễn đặc sắc, trong đó bà Máy là nhân vật chính, cùng các vai diễn khác như Ông Pố, nàng Quắc, nàng Choóng Loong, vua Út, vua Ả, vua Cả, vua Hai... và hệ thống âm nhạc đặc sắc của người Mường như sáo ôi, tam bu, cồng chiêng.

Tất cả giúp tái tạo, mô phỏng và kể lại toàn bộ đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào Mường (từ lúc sơ khai phát nương làm rẫy, chia đất, chia nước, dựng nhà, trồng lúa, thêu dệt thổ cẩm, săn đuổi thú dữ, chọi gà, chọi trâu, đấu vật, đánh cá, múa bông, bói bông, làm cơm mời Mường, mời bạn ăn cơm mới, uống rượu cần…).

Các trò diễn này được kết nối thành một hệ thống, câu chuyện dài, được kể thâu đêm suốt sáng bên cây bông.

Tháng 11/2015, bà Phạm Thị Tắng được công nhận là Nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Năm 2016, Lễ hội Pồn Pôông của người Mường xã Cao Ngọc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trao truyền hồn cốt xứ Mường

Đã có thời gian, cùng với sự phát triển của các loại hình văn hóa, văn nghệ hiện đại, Lễ hội Pồn Pôông dần bị lãng quên, thế hệ trẻ cũng ít tìm hiểu, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đến năm 1987, 1990, khi tỉnh Thanh Hóa bắt tay vào việc bảo tồn các trò chơi, trò diễn dân gian theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII thì Lễ hội Pồn Pôông như được hồi sinh trở lại.

Dưới gốc cây bông, bên ngôi nhà sàn cổ, khi tiếng trống, tiếng cồng, chiêng nổi lên cũng là lúc Máy Tắng cùng đoàn người trong trang phục truyền thống của người Mường vừa đi vừa nhảy múa vừa hát quanh cây bông. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Bà Phạm Thị Tắng và những người đam mê Lễ hội Pồn Pôông ở Cao Ngọc đã đem bản sắc của dân tộc mình đến với nhiều liên hoan, hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh để giao lưu, gặp gỡ, mang về không ít giải Nhất, Huy chương Vàng.

Đến nay, Pồn Pôông không chỉ trở thành trò chơi, trò diễn của riêng người Mường Thanh Hóa mà còn là di sản của quốc gia.

Trong nhiều năm qua, bà Phạm Thị Tắng đã miệt mài truyền dạy lại các điệu múa, lời hát Pồn Pôông cho các thế hệ người Mường. Từ phạm vi thôn, bản đến làng xã rồi mở rộng ra các lớp truyền dạy cấp huyện, cấp tỉnh, đâu đâu cũng có dấu chân của Máy Tắng.

Ngọn lửa Pồn Pôông từ Nghệ nhân Phạm Thị Tắng đã và đang được lan tỏa cho các thế hệ tiếp nối. Hiện nay, số học trò được Nghệ nhân Phạm Thị Tắng truyền dạy đã lên đến con số hàng trăm người.

Trong số đó có nhiều em bé ở lứa tuổi mầm non, tiểu học của xã Cao Ngọc và các xã lân cận đã bắt đầu biết hát, biết múa Pồn Pôông. Đây sẽ là những hạt nhân nòng cốt trong phong trào văn nghệ truyền thống, dân gian của xã Cao Ngọc, của huyện Ngọc Lặc trong tương lai không xa.

Chia sẻ về những tâm tư, nguyện vọng của mình, Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng khẳng định: "Tuổi của tôi giờ đã cao, mắt mờ, chân chậm, nhảy múa không còn được nhanh nhẹn như trước nhưng tôi sẽ còn múa, nhảy và hát cho đến hơi thở cuối cùng. Giờ tôi chỉ mong có nhiều sức khỏe để truyền dạy hết trò diễn này cho con cháu, để Pồn Pôông mãi sống cùng các thế hệ người Mường."

Là học trò ưu tú của Máy Tắng, theo Máy Tắng học các trò chơi, trò diễn Pồn Pôông từ khi còn bé, đến nay, chị Lê Thị Sinh (58 tuổi) ở thôn Vìn Cọn, xã Cao Ngọc đã trở thành thế hệ thứ 3 hiểu và có thể truyền dạy Pồn Pôông.

Chị Lê Thị Sinh cho biết khi còn nhỏ, chị đã được chứng kiến Máy Tắng và các bà, các mế trong bản say sưa nhảy múa bên cây bông, chị đã từng ao ước mình là một trong những người như thế. Khi biết chị muốn được học múa, học hát Pồn Pôông, Máy Tắng đã ngày này qua tháng khác truyền dạy cho chị, uốn nắn chị từng điệu nhảy, lời hát Xường và cho chị tham gia các hội diễn, hội thi.

Những năm gần đây, chị được theo Máy đi dạy ở các lớp truyền dạy trình diễn Pồn Pôông. Chị sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa để nắm vững 48 trò diễn Pồn Pôông từ Máy Tắng và đem những hiểu biết của mình truyền dạy cho thế hệ sau.

Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ngọc Lặc khẳng định nghệ nhân Phạm Thị Tắng vừa là người chủ trò vừa là người lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể của Lễ hội Pồn Pôông. Dù tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Phạm Thị Tắng vẫn tích cực truyền dạy những điệu múa, điệu hát của dân tộc Mường cho thế hệ trẻ. Nếu không có những người như nghệ nhân Phạm Thị Tắng, những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại sẽ có nguy cơ bị thất truyền.

Thời gian tới, huyện Ngọc Lặc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, tạo môi trường hoạt động lành mạnh để các di sản văn hóa phi vật thể có “đất sống.”

Bên cạnh đó có chính sách đãi ngộ về vật chất lẫn tinh thần cho đội ngũ truyền dạy, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể như Nghệ nhân Phạm Thị Tắng.

Trong Ngày hội văn hóa dân tộc Mường toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức tại Thanh Hóa (ngày 10-12/12/2020), huyện Ngọc Lặc sẽ đem những bản sắc văn hóa độc đáo nhất của dân tộc Mường Ngọc Lặc tới tham dự Lễ hội, trong đó, không thể thiếu Máy Tắng và trò diễn Pồn Pôông.

Được biết, tỉnh Thanh Hóa đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba - năm 2021 cho các nghệ nhân, trong đó có Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng. Hy vọng với những cống hiến và nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc trao truyền nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mường, Nghệ nhân Phạm Thị Tắng sẽ có nhiều thế hệ học trò nối tiếp giữ gìn “hồn cốt” của người Mường xứ Thanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục