Thanh Hóa: Không để người dân vùng lũ ở Quan Hóa bị đói, khát

Tại trường Tiểu học Trung Sơn, toàn bộ hai dãy nhà kiên cố với 9 phòng học đã bị bùn đất vùi lấp, nhiều phòng học bị đổ sập; bàn ghế, đồ dùng học tập bị cuốn trôi...
Bàn ghế, đồ dùng ngổn ngang trong bùn đất. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Ngày 5/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã đi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện Quan Hóa, một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại nặng nề do mưa lũ.

Đoàn công tác đã thăm hỏi, động viên bà con vùng lũ, tặng nhiều phần quà ý nghĩa, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất.

Đoàn công tác của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đến điểm Trường Tiểu học Trung Sơn, một trong những ngôi trường bị tàn phá hoàn toàn sau trận lũ vừa qua.

Toàn bộ hai dãy nhà kiên cố với 9 phòng học đã bị bùn đất vùi lấp, nhiều phòng học bị đổ sập; bàn ghế, đồ dùng học tập bị cuốn trôi.

Sau khi tổ chức lễ khai giảng chung với Trường Trung học Cơ sở Trung Sơn, được sự đồng ý của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quan Hóa, nhà trường đã liên hệ mượn tạm nhà điều hành của Công ty 47, thuộc Ban Quản lý Thủy điện Trung Sơn làm phòng học tạm cho các em. Công tác dạy và học của nhà trường đang gặp rất nhiều khó khăn.

[Xã vùng cao Thanh Hóa "gồng mình" khắc phục hậu quả thiên tai]

Chia sẻ với những khó khăn của thầy và trò Trường Tiểu học Trung Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Quan Hóa khẩn trương lập phương án, bố trí quỹ đất để sớm đầu tư xây dựng trường học mới cho học sinh, kiên quyết không để các em không có lớp học...

Thăm hỏi, tặng quà các hộ dân có nhà bị sập hoàn toàn, nhà bị cuốn trôi trên địa bàn bản Bó, xã Trung Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Quan Hóa quan tâm bố trí nơi ăn, ở hợp lý cho các hộ dân, không để tình trạng người dân bị đói, khát.

Ủy ban Nhân dân huyện tích cực phối hợp với các đơn vị thị sát, kiểm tra, ứng trực 24/24 giờ tại những điểm sạt lở và có nguy cơ tiếp tục sạt lở; không cho người dân trở về nhà khi chưa đảm bảo an toàn, với phương châm “an toàn tính mạng con người là trên hết."

Đối với những hộ bị mất nhà, Ủy ban Nhân dân huyện lên phương án hỗ trợ và bố trí nơi ở mới cho người dân ổn định cuộc sống. Việc làm nhà mới cho người dân vùng lũ phải xong trước ngày 15/10.

Trường Tiểu học Trung Sơn (Quan Hóa, Thanh Hóa) bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Hiện tại, đường giao thông từ thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) đi xã Trung Sơn, Trung Thành... đã thông suốt. Tuy nhiên, giao thông đi đến các bản hiện vẫn đang bị chia cắt. Do vậy, công tác cứu trợ lương thực, thực phẩm đang gặp nhiều khó khăn. Hàng chục tấn gạo hỗ trợ đồng bào vùng lũ mới chỉ đến được trung tâm xã.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Đình Xứng đề nghị Sở Giao thông Vận tải huy động thêm máy xúc, máy ủi, ôtô đến xử lý các điểm sạt lở, sớm thông tuyến để cứu trợ bà con.

Làm việc với Ủy ban Nhân dân huyện Quan Hóa về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Đình Xứng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong việc chủ động lên các phương án ứng phó với thiên tai.

Sau lũ, còn rất nhiều công việc phải làm để ổn định đời sống người dân. Huyện Quan Hóa cần quan tâm đến công tác phân bổ nguồn hàng cứu trợ, đảm bảo công bằng, đúng đối tượng.

Theo ông Nguyễn Đình Xứng, trong điều kiện nhiều hộ mất nhà, mất hoa màu, đất sản xuất, công tác tổ chức sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn, địa phương cần đặc biệt quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ để người dân sớm ổn định sản xuất. Sau lũ, dịch bệnh dễ phát sinh, do vậy, địa phương phối hợp với ngành y tế làm tốt công tác tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường sau lũ, hạn chế mức tối đa dịch bệnh bùng phát...

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Quan Hóa, tính đến thời điểm hiện tại, mưa lũ đã làm thiệt hại nặng về người và tài sản, ước khoảng hơn 137 tỷ đồng.

Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, huyện đã huy động các lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm, dân quân tự vệ và các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng tập trung khắc phục thiệt hại cho nhân dân và các cơ sở sản xuất; chỉ đạo huy động các phương tiện máy móc san ủi đất đá sạt lở và cây đổ; nhân lực vét bùn, cát tại các điểm giao thông bị sạt lở đất đá, bùn khi ngập nước đã rút.

Hiện nay, tuyến quốc lộ từ Hồi Xuân đi Hiền Kiệt và Hồi Xuân đi Trung Sơn đã thông xe; còn 4 xã vẫn tiếp tục mất điện (Nam Động, Thiên Phủ, Hiền Chung, Hiền Kiệt).

Huyện đã thành lập các tổ công tác khắc phục thiệt hại và thăm hỏi, tặng quà động viên các gia đình bị thiệt hại trên địa bàn huyện; hỗ trợ ban đầu mỗi hộ được 10kg gạo, một thùng mỳ tôm và 1 triệu đồng đối với các gia đình bị thiệt hại sập nhà hoàn toàn.

Đồng thời, lãnh đạo huyện tiếp tục chỉ đạo khắc phục hệ thống truyền tải điện cho các xã chưa có điện do hư hỏng; khắc phục hệ thống thông tin liên lạc tại xã Trung Sơn; chuẩn bị vật tư tiêu độc khử trùng môi trường sau mưa lũ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục