Thanh Hóa: Hai tấm bia đá cổ trên 300 năm rơi vào cảnh "hẩm hiu"

Hai tấm bia đá cổ thuộc Di tích Lịch sử-Văn hóa Lê Thì Hải ở xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, đang bị xuống cấp trầm trọng và bao năm qua vẫn chờ được bảo quản, trùng tu, tôn tạo.
Thanh Hóa: Hai tấm bia đá cổ trên 300 năm rơi vào cảnh "hẩm hiu" ảnh 1Tấm bia (đang được tận dụng làm tường rào) được ghép lại từ 6 phiến đá xanh, ghi lại công các tướng sỹ thời Hậu Lê và những người đã soạn, khắc, dựng nên văn bia này. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Hai tấm bia cổ có niên đại trên 300 năm và có giá trị về lịch sử, văn hóa, nhân vật lịch sử đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh (tháng 8/1993) và cấp Quốc gia (tháng 12/1993), nhưng đang nằm trong khu đất ở của người dân, không được ai trông coi, tổ chức bảo quản trong suốt một thời gian dài.

Hai tấm bia đá cổ này thuộc Di tích Lịch sử-Văn hóa Lê Thì Hải trong Quần thể Di tích lịch sử, nghệ thuật Quốc gia bia và lăng mộ Lê Thì Hiến nằm ở xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đang bị xuống cấp trầm trọng và bao năm qua vẫn chờ được bảo quản, trùng tu, tôn tạo…

Di tích lịch sử-văn hóa từ năm 1993

Nghiêm trọng hơn một tấm bia đang bị “trưng dụng” để làm… tường rào, một tấm bia nằm trong khu vực chăn nuôi gia súc, khiến cho người dân, du khách thập phương và giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa không khỏi xót xa, bức xúc.

Di tích Lịch sử-Văn hóa Lê Thì Hải được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa xếp hạng cấp tỉnh năm 1993. Theo Địa chí huyện Triệu Sơn, Lê Thì Hải được người bác là Lê Thì Hiến (1610-1675) làm quan chức Thái tể, tước Hào Quận công (sau còn được gia phong đến tước Đại vương) nuôi dạy nên người.

Đến tuổi tráng niên, ông được sung vào quân ngũ, đảm nhận chức vụ cầm đầu đội quân tiên phong, đánh đuổi quân giặc, làm chúng kinh hồn bạt vía, đồng thời lại có công thuyết phục tù binh quy hàng rất đông. Do đó, ông đã được triều đình cho kết duyên cùng Quận chúa và ban cho tước Công, rồi lại được ủy nhiệm nắm giữ đội kỵ binh trấn giữ trấn Cao Bằng, chinh chiến đánh đuổi hết nhà Mạc, quản lý một vùng rộng lớn, từ đó đánh xuống Thái Nguyên, dựa vào những nơi trọng yếu tiến lên đánh chiếm “Tuyên-Lạng-Bắc” (tức Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Kạn), uy danh lừng lẫy.

[Chấn chỉnh hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích tại tỉnh Thanh Hóa] 

Trong hơn 50 năm chinh chiến, giúp triều đình đánh Đông, dẹp Bắc, lập nhiều công lao, Lê Thì Hải lúc đương triều đã từng được giữ chức Phụng sai Kinh Bắc xứ Trấn thủ quan, Hữu dực cơ Cai cơ quan, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Nam quân Đô đốc phủ Tả đô đốc Thiếu bảo, tước Thạc Quận công.

Ông mất vào năm 1710, thọ ngoài 70 tuổi. Sau khi ông mất, triều đình đã cho xây dựng lăng mộ và lập đền thờ tại quê hương, thôn Đông, xã Phú Hào, huyện Lôi Dương, nay thuộc xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là khu di tích khá quy mô bề thế, tuy nhiên trải qua bao thăng trầm, biến động của thời gian, sự tàn phá của chiến tranh và thiên nhiên hiện nay Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh Lê Thì Hải chỉ còn lại hai tấm bia cổ bằng đá.

Hộ dân sẵn sàng trả lại khu đất để bảo tồn và phục hồi di tích

Điều đáng nói ở đây, dù có tuổi đời hàng trăm năm và được công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa nhưng di tích này lại nằm trên mảnh đất rộng gần 1.000m2 của gia đình anh Dương Bá Hùng ở thôn 2, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn.

Một tấm bia nằm gần khu chăn nuôi của gia đình anh Dương Bá Hùng và tấm còn lại được sử dụng làm tường rào trước nhà. Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay chưa tìm ra biện pháp để bảo vệ, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích.

Tấm bia cổ lớn đang bị người dân vô tư “trưng dụng” để làm… tường rào. Bia có niên đại Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) ghi lại công trạng của các vị tướng họ Lê, được làm bằng sáu phiến đá ghép lại với nhau tạo nên một tấm bia lớn dài 500cm, rộng 290cm, dày 20cm dựng trên một bệ đá nguyên khối cao 50cm dày 50cm, dài 510cm.

Bệ đá giật tam cấp khắc hoa văn hình cánh sen. Phần trên là mái đá úp liền tạo thành mũ liên kết với phần thân bia kiểu nhà bốn mái cong nhô ra che kín hai phần mặt bia trước và sau, trên bờ mái có chạm hoa văn đơn giản. Ở phần giữa thân bia chạm một đường viền hoa văn phân ra hai nội dung bia riêng biệt. Mỗi bên tên bia chạm hai con phượng chầu vào. Diềm bia chạm hoa cúc leo cách điệu xen lẫn rồng, mây...

Thanh Hóa: Hai tấm bia đá cổ trên 300 năm rơi vào cảnh "hẩm hiu" ảnh 2Dù có tuổi đời hàng trăm năm và được công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp Quốc gia (tháng 12/1993) nhưng di tích này lại nằm trên mảnh đất của gia đình anh Dương Bá Hùng, thôn 2, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Cách đó không xa là tấm bia thứ hai ghi rõ công lao hiển hách của danh tướng Lê Thì Hải. Bia gồm ba phần mũ, thân và đế bia, cao khoảng hơn 2m, rộng 1,95m được chạm khắc tinh xảo, bia hiện đang nằm trong khu vực chăn nuôi gia súc của một hộ dân.

Tình trạng hai tấm bia cổ này bị xâm hại đã diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng dường như cơ quan chức năng và chính quyền sở tại không có giải pháp để bảo vệ, khiến cho người dân, giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa không khỏi xót xa, bức xúc.

Anh Dương Bá Hùng ở thôn 2, xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, cho biết: “Gia đình tôi đã sống trên mảnh đất này nhiều đời nay. Nhận thức được giá trị lịch sử, văn hóa của hai tấm bia nên ở phạm vi gia đình, chúng tôi rất lo lắng bảo vệ, giữ gìn vì biết đây là tài sản của Nhà nước. Gia đình rất nhiều lần đề nghị với chính quyền địa phương nếu bố trí cho gia đình mảnh đất khác, hỗ trợ xây nhà, gia đình tôi sẵn sàng chuyển đi, nhường đất lại để Nhà nước tu bổ, tôn tạo, bảo vệ Khu Di tích và hai tấm bia này."

Theo ông Chu Kim Tưởng, cán bộ văn hóa xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, xã đã nhiều lần báo cáo lên trên xin hỗ trợ để duy tu, bảo vệ di tích nhưng chưa được cấp trên cấp kinh phí đầu tư. Vào năm 2008 và 2009, sau nhiều lần cấp xã đề nghị, huyện Triệu Sơn và Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Thanh Hóa đã trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý cho địa phương được làm Nhà bia để che mưa, che nắng cho hai tấm bia ở di tích Lê Thì Hải và bia ở di tích Lê Thì Hiến nhưng do vướng mắc về quy hoạch, về đất đai và kinh phí nên khu nhà bia không thể thi công được.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thọ Phú, huyện Triệu Sơn, ông Nguyễn Xuân Quy cho biết nhiều năm nay, chính quyền địa phương rất muốn phục dựng lại di tích cũng như bảo tồn hai tấm bia cổ này nhưng cái khó là hai tấm bia trong Di tích Lịch sử-Văn hóa Lê Thì Hải lại nằm trên đất có trích lục của hộ dân. Do đó, công tác bảo tồn và quản lý di tích này rất khó khăn. Trong khi đó, quỹ đất của địa phương chưa thể bố trí được nguồn đất tái định cư cho gia đình anh Dương Bá Hùng. Từ đó, xã lúng túng trong việc quản lý, bảo vệ di tích.

"Ủy ban Nhân dân huyện Triệu Sơn đã giao cho xã Thọ Phú tiến hành dọn vệ sinh, bảo quản xung quanh khu vực hai tấm bia đá. Đồng thời, huyện sẽ báo cáo tỉnh vì đây là vấn đề cấp thiết để sớm có phương án xử lý, đầu tư, tu sửa, phát huy giá trị của di tích. Gia đình anh Dương Bá Hùng đã đồng thuận tiến hành dỡ bỏ khu chăn nuôi gần sát với tấm bia ghi lại công lao của danh tướng Lê Thì Hải trong thời gian sớm nhất," ông Nguyễn Xuân Quy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thọ Phú cho biết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục