Trong ngày 12 và 13/6 tới, tỉnh Thành Hóa sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh, dự kiến khoảng 400 người sẽ tham dự.
Dự kiến, tại Hội nghị sẽ có bài tham luận của tập đoàn đã đầu tư vào Thanh Hóa, trao Giấy chứng nhận đầu tư và ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư cho các chủ đầu tư dự án, nêu danh mục và thông tin liên quan các dự án cần thu hút đầu tư…
Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ tổ chức các đoàn cho đại biểu, khách mời đi tìm hiểu, khảo sát cơ hội đầu tư thực địa tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và một số địa điểm trong tỉnh.
Trong những năm gần đây, phát huy những tiềm năng, lợi thế cùng định hướng phát triển hợp lý, tỉnh Thanh Hóa đã có những bước tiến lớn, trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của khu vực Bắc Trung Bộ; đặc biệt, là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Vùng đất đầy tiềm năng
Thanh Hóa có lãnh thổ rộng lớn với 11.129,48km2, là tỉnh có diện tích lớn thứ 5 trong cả nước và nằm ở vị trí trung chuyển giữa các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Nam Việt Nam.
Với 102km đường bờ biển ở đây có thể phát triển hoạt động du lịch, khai thác cảng biển; có đường quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt xuyên Việt và sân bay Thọ Xuân.
Thêm vào đó, Thanh Hóa có quy mô diện tích lớn với nhiều vùng sinh thái khác nhau. Dải ven bờ biển Thanh Hóa có diện tích bãi triều trên 8.000ha (chưa tính bãi triều 2 huyện Nga Sơn và Hậu Lộc mỗi năm bồi tăng thêm từ 10-50m) là nguồn tài nguyên lớn về nuôi trồng thủy sản nước lợ như tôm sú, tôm he, cua và rong câu...
Diện tích nước mặn khoảng trên 5.000ha, phân bố chủ yếu ở vùng đảo Mê, Biện Sơn có thể nuôi cá song, cá cam, trai ngọc, tôm hùm dưới hình thức nuôi lồng bè.
Ngoài ra với hàng ngàn hecta vùng nước mặn ven bờ, thuận lợi nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ như ngao, sò, ngán...
Đặc biệt là với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, khu kinh tế Nghi Sơn đã và đang được xây dựng (theo Quyết định 102/2006 của Thủ tướng Chính phủ) với nhiều hạng mục công trình lớn như cảng nước sâu, nhà máy ximăng, sân bay... sẽ mở ra nhiều hướng phát triển mới cho dải ven biển nói riêng cũng như cho cả tỉnh nói chung.
Thanh Hóa còn nổi tiếng là nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều danh thắng, di tích lịch sử đặc trưng Di sản văn hóa thành nhà Hồ, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Đền bà Triệu, di tích khảo cổ quốc gia lăng miếu Triệu Tường....
Đặc biệt, Thanh Hóa có đường bờ biển dài trên 100 km, được thiên nhiên ưu ái nhiều bãi biển đẹp, như Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Tiên Trang, bãi Đông-Nghi Sơn, đảo Hòn Mê... Cùng với đó là các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Nhi-Xuân Liên cùng các điểm du lịch nổi tiếng khác, như Suối cá thần Cẩm Lương, thác Ma Hao, Thác voi, Thác Mây...
Đây chính là điều kiện để tỉnh phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch biển… đem đến những trải nghiệm mới cho du khách và trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư.
Tận dụng hiệu quả các nguồn lực
Những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Đến nay, các công trình đã phát triển tương đối đồng bộ; nhất là các tuyến đường giao thông phát triển, kết nối các vùng miền trong tỉnh, kết nối Khu Kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp, các khu du lịch...; đồng thời, kết nối với các tỉnh, với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào...
Trong đó, phải kể đến tuyến đường sắt Bắc-Nam; các tuyến đường giao thông như Đường Hồ Chí Minh; các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45, Quốc lộ 47, Quốc lộ 217, Quốc lộ 15A; đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, đường Bãi Trành-Nghi Sơn (nối đường Hồ Chí Minh với Khu Kinh tế Nghi Sơn), đường nối các huyện ở miền núi phía Tây của tỉnh...
[Giảm giá vé Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ để kích cầu du lịch]
Ngoài ra, nhiều tuyến đường đang và chuẩn bị đầu tư xây dựng như tuyến đường giao thông ven biển (từ thành phố Sầm Sơn đi huyện Quảng Xương), đường từ trung tâm thành phố Thanh Hóa đến tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn...
Đồng thời, các công trình hạ tầng kỹ thuật tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, như đường giao thông, bến cảng, điện, hệ thống cấp và thoát nước, viễn thông... đã và đang được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại...
Chính vì vậy, có thể khẳng định hiện tỉnh Thanh Hóa có vị trí thuận lợi về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Cảng Hàng không Thọ Xuân đã có các tuyến bay nội địa đến nhiều địa bàn trọng điểm về kinh tế, du lịch trong nước.
Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo kết nối với Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; đồng thời, kết nối với nhiều nước trong khối ASEAN.
Cảng Nghi Sơn tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000DWT và nhiều bến cảng đang được đầu tư xây dựng (Cảng tổng hợp Long Sơn tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 100.000DWT và dự kiến hoàn thành xây dựng bến số 7, số 8 vào tháng 12 tới) - đóng vai trò là cửa mở lớn ra biển của khu vực Bắc Trung bộ cũng như cả miền Bắc.
Các công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Khu Kinh tế Nghi Sơn, với diện tích hơn 106.000ha, gắn với Cảng nước sâu Nghi Sơn, đã thu hút nhiều dự án đầu tư trong và ngoài nước; trong đó, các dự án lớn, trọng điểm của quốc gia như Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư hơn 9,3 tỷ USD, đã đi vào vận hành thương mại từ tháng 12/2018; các dự án Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn, ximăng, bến cảng, sản xuất dầu ăn...
Ngoài Khu Kinh tế Nghi Sơn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch 8 khu công nghiệp, với diện tích 2.035ha; trong đó, có 5 khu công nghiệp được tỉnh Thanh Hóa ưu tiên dành nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật toàn bộ hoặc một phần, đáp ứng yêu cầu về thu hút các dự án đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh...
Thời gian qua, tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, các địa phương luôn quan tâm thu hút đầu tư phát triển; đồng thời, tạo thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Trong đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, tổ chức đón tiếp, làm việc, trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu cho nhiều đoàn là các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu đầu tư như đoàn nhà đầu tư Công ty Kinder Hoa Kỳ nghiên cứu đầu tư nhà máy sản xuất nội thất gỗ; Tập đoàn INTCO Singapore nghiên cứu các dự án tại khu công nghiệp Bỉm Sơn; đoàn Nhà đầu tư Công ty URENCO Hà Nội nghiên cứu dự án hệ thống xử lý nước thải Khu Kinh tế Nghi Sơn; Tập đoàn Tài Tâm nghiên cứu đầu tư khu cảng, kho, hậu cần cảng, nhà máy điện khí trong Khu Kinh tế Nghi Sơn, Đoàn nhà đầu tư Tập đoàn Anadi Ấn Độ đến khảo sát nghiên cứu đầu tư kho và cảng khí hóa lỏng...
Đồng thời, hướng dẫn và đưa các nhà đầu tư, các đoàn khách trong nước, quốc tế đi khảo sát thực địa tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chủ động đầu mối, hỗ trợ các nhà đầu tư qua công văn, email, điện thoại để cung cấp thông tin về quy hoạch, địa điểm đầu tư, cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp...
Đến hết tháng Ba vừa qua, Khu Kinh tế Nghi Sơn có 228 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư 130.083 tỷ đồng và 19 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký đầu tư 12,693 tỷ USD; các khu công nghiệp có 335 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký đầu tư 18.385,5 tỷ đồng và 41 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đăng ký đầu tư là 703 triệu USD.
Ngoài ra, trên cơ sở khai thác lợi thế của Cảng Hàng không Thọ Xuân, Thanh Hóa đang tập trung xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp Lam Sơn-Sao Vàng, với tổng diện tích quy hoạch khoảng 6.000ha và cùng với Khu Kinh tế Nghi Sơn, trong tương lai sẽ trở thành những khu vực trọng điểm về phát triển kinh tế của tỉnh.
Đi đôi với đó, với tiềm năng, lợi thế, cùng các cơ chế, chính sách thông thoáng, cởi mở của tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh đã thu hút 790 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp.
Như Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn, đầu tư phát triển cây mía, rau, dưa vàng, cam, lúa hữu cơ, nước dinh dưỡng tế bào mía, du lịch...; Công ty Cổ phần Thương mại Sao Khuê, xã Đông Hoàng (Đông Sơn) đầu tư sản xuất lúa gạo hữu cơ; Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong Cách Mới, xã Quảng Tân (Quảng Xương) đầu tư sản xuất rau, quả công nghệ cao; Công ty Trách nhiệm hũ hạn Một thành viên Bò Sữa Việt Nam đầu tư 3 trang trại bò sữa tại các huyện Như Thanh, Thọ Xuân và Yên Định, với tổng đàn bò khoảng 10.500 con.
Hay Công ty Cổ phần Thương mại Cảnh Long, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa, đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Hải Lĩnh (Tĩnh Gia) quy mô 13ha và hiện đang hoàn thiện hồ sơ để đầu tư 30ha nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Hải Châu (Tĩnh Gia)...; Công ty Cổ phần Giống thủy sản Thanh Hóa, đầu tư sản xuất giống cá nước ngọt, nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi thương phẩm cá nước ngọt, quy mô khoảng 45ha.
Ngoài tiềm năng về phát triển kinh tế, Thanh Hóa là tỉnh có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị. Trong đó, Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nhiều di tích quốc gia đặc biệt...
Thanh Hóa cũng có lợi thế lớn trong phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh...
Tỉnh Thanh Hóa còn là địa phương có nguồn nhân lực dồi dào, trẻ, với hơn 2 triệu lao động, trình độ văn hóa tương đối cao.
Dự báo khả năng tăng trưởng GRDP năm 2020 của tỉnh, trong bối cảnh toàn cầu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, báo cáo phân tích rõ, để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2020 (12,5%) theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh là không khả thi.
Để phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 là 12%, GRDP năm 2020 đạt 10% trở lên (6 tháng cuối năm 2020 phải đạt 15,2% trở lên)./.