Ngày 21/6 vừa qua, cô và trò nhà trẻ Bên cây Dẻ cổ thụ (An der alten Kastanie) ở quận Lichtenberg, Berlin, đã tổ chức Lễ hội mùa Hè để kỷ niệm một năm ngày đi vào hoạt động.
Tới dự và chung vui với cô và trò có Ngài Andreas Geisel, Chủ tịch quận Lichtenberg (Berlin), ông Siegfried Sommer, Chủ tịch Hội Đức-Việt, tiến sỹ Nguyễn Phúc Hiền, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, lãnh đạo cơ quan chủ quản, lãnh đạo nhà trường và khoảng 200 phụ huynh cùng các cháu người Việt và người Đức.
Tại buổi lễ, tiến sỹ Nguyễn Phúc Hiền đã chuyển lời chúc mừng thành công của Đại sứ Nguyễn Thị Hoàng Anh tới cô trò nhà trường.
Ông Hiền đánh giá sự hiện diện của ngôi trường là một trong những viên gạch đầu tiên xây chắc cho hợp tác Việt-Đức trong tương lai, bởi khởi nguồn từ đây sẽ có nhiều người nói được cả tiếng Đức và tiếng Việt.
Ông Hiền cho rằng sau Đại học Việt-Đức ở Việt Nam thì đây là một biểu tượng nữa cho mối quan hệ hợp tác Việt-Đức trong lĩnh vực giáo dục, là dấu ấn quan trọng cho kỷ niệm 40 năm quan hệ Việt-Đức vào năm 2015.
Ông Nguyễn Phúc Hiền cũng bày tỏ mong muốn mô hình này sẽ nhận được sự ủng hộ của đông đảo cộng đồng người Đức và người Việt Nam tại Đức để có thể nhân rộng ra nhiều địa phương ở Đức và tại Việt Nam.
Phát biểu của ngài Chủ tịch quận Lichtenberg, ban lãnh đạo công ty chủ quản và khách mời đều đánh giá cao tính khả thi của dự án cũng như những kết quả đáng tự hào mà cô trò nhà trường đã đạt được trong năm đầu tiên của dự án này.
Nhân dịp này, cô trò của nhà trường đã "khoe" với các vị khách những tiết mục văn nghệ tự biên tự diễn bằng cả hai thứ tiếng.
Sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, không chỉ các cha mẹ người Việt rất yên tâm và hài lòng với việc gửi con ở đây, mà một số cha mẹ người Đức cũng ngạc nhiên và tự hào khi con họ có thể hát và đếm cả bằng tiếng Việt.
Kita "An der alten Kastanie" là nhà trẻ được tổ chức theo mô hình nhà trẻ song ngữ Đức-Việt đầu tiên với dự án mang tên "Xin Chào," xuất phát từ những mục tiêu thực tiễn như xây dựng niềm tin giữa cha mẹ, trẻ em và các giáo viên, giúp phụ huynh và học sinh có thể giao tiếp bằng cả tiếng Việt và tiếng Đức, hỗ trợ sự hội nhập của trẻ em từ những gia đình có nguồn gốc nhập cư, dạy tiếng thông qua giao tiếp hàng ngày.
Theo mô hình này, tỷ lệ trẻ em gốc Việt là 40% còn lại là trẻ em Đức và các nước khác. Tiếng Đức là ngôn ngữ thứ nhất do các cô giáo người Đức dạy trong khi tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai do người Việt trợ giảng thông qua giao tiếp.
Bà Birgit Said, lãnh đạo nhà trường cho biết từ gần 70 cháu ban đầu, hiện trường đã nhận chăm sóc, dạy dỗ 105 cháu, chia ra các lớp tiêu chuẩn theo các nhóm tuổi khác nhau.
Tại đây các cháu cùng được học song song hai thứ tiếng, có sự hiểu biết về cả hai nền văn hóa. Qua một năm đi vào hoạt động, dự án rất khả thi và bà Said tin tưởng mô hình này sẽ thành công và tiếp tục được nhân rộng.
Dự án này không chỉ được phía Đức quan tâm mà Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng như nhiều doanh nghiệp, hội đoàn người Việt ở Đức quan tâm, hỗ trợ cả bằng tinh thần và vật chất.
Nhân dịp này, Trung tâm thương mại Đồng Xuân, trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt ở Đức đóng tại quận Lichtenberg, đã ủng hộ dự án 2.000 euro./.