Thành công kế hoạch hóa gia đình là tiền đề phát triển bền vững

Ngày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam míttinh kỷ niệm ngày Dân số thế giới (11/7) với chủ đề “Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền
Thành công kế hoạch hóa gia đình là tiền đề phát triển bền vững ảnh 1Tuyên truyền về công tác dân số tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 11/7, tại Hà Nội, Bộ Y tế, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam míttinh kỷ niệm ngày Dân số thế giới (11/7) với chủ đề “Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho phát triển bền vững.”

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nêu rõ, Chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả to lớn. Tỷ lệ tăng dân số từ hơn 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn khoảng 1%/năm vào năm 2016. Số con trung bình của một cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm từ 5,6 con đầu thập niên 60 của thế kỷ 20 xuống còn 2,09 con vào năm 2006, đạt mức sinh thay thế và duy trì ổn định trong hơn 10 năm qua.

Bên cạnh đó, tỷ lệ các cặp vợ chồng được bảo vệ bằng các biện pháp tránh thai đã tăng nhanh từ 53,7% năm 1993 lên 77,6% năm 2016. Tình trạng sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản được cải thiện rõ rệt, tỷ số tử vong mẹ, tỷ suất chết trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm nhanh…

Những năm qua, Chương trình kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; nâng cao chất lượng đời sống của người dân; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững.

Ước tính, chương trình kế hoạch hóa gia đình đã tiết kiệm chi phí cho các dịch vụ xã hội, tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm.

Bà Astrid Bant - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết: Chủ đề toàn cầu của Ngày Dân số thế giới năm nay là "Kế hoạch hoá gia đình là quyền con người” nhằm kỷ niệm 50 năm Hội nghị Quốc tế về quyền con người diễn ra năm 1968.

Tại hội nghị này, lần đầu tiên kế hoạch hóa gia đình được công nhận và khẳng định là một trong những quyền cơ bản của con người. Bà Astrid Bant nhấn mạnh, đầu tư vào kế hoạch hóa gia đình ngày hôm nay là đầu tư cho sức khỏe, hạnh phúc của hàng triệu trẻ em gái, phụ nữ và thế hệ trẻ mai sau.

Hiện nay, UNFPA đang thực hiện Kế hoạch chiến lược mới nhằm thúc đẩy Chương trình nghị sự 2030 và tăng cường cam kết hơn nữa trong việc thực hiện Chương trình Hành động của Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (ICPD). Kế hoạch chiến lược của UNFPA nhằm giải quyết rất nhiều vấn đề trong phát triển bền vững với mong muốn hoàn thành 3 mục tiêu: Không có tử vong mẹ; không có nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hoá gia đình; không có bạo lực giới và các hành vi có hại liên quan tới bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái...

Thành công kế hoạch hóa gia đình là tiền đề phát triển bền vững ảnh 2Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Tại lễ míttinh, lãnh đạo Tổng cục Dân số và Kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế); đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nan, Liên đoàn Kế hoạch hóa gia đình quốc tế (IPPF), thanh niên Việt Nam và Hoa hậu hoàn vũ Việt Nam H’ Hen Niê đã chia sẻ về thành tựu của công tác kế hoạch hóa gia đình ở Việt Nam.

Các đại biểu cũng trao đổi về những thách thức trong công tác tuyên truyền, vận động và cung cấp thông tin về dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục tại Việt Nam, khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện công tác kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức: Nhu cầu về các biện pháp tránh thai hiện đại trong nhóm dân số trẻ chưa kết hôn vẫn đang ở mức cao. Vẫn còn nhiều khoảng trống trong cung cấp thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục cho thanh niên và vị thành niên, bao gồm chương trình giáo dục giới tính toàn diện, chất lượng.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục