Thánh chiến Mali kích động các cuộc chiến khác nhằm vào Pháp

Thủ lĩnh nhóm thánh chiến Ansar Dine tại Mali đã tuyên bố bác bỏ thỏa thuận hòa bình ký hồi tháng Năm vừa qua, đồng thời kích động tiến hành "các cuộc chiến tranh khác" nhằm vào Pháp.
Thủ lĩnh nhóm thánh chiến Ansar Dine tại Mali Iyad Ag Ghaly. (Nguồn: longwarjournal.org)

Thủ lĩnh nhóm thánh chiến Ansar Dine tại Mali Iyad Ag Ghaly đã tuyên bố bác bỏ thỏa thuận hòa bình ký hồi tháng Năm vừa qua, đồng thời kích động tiến hành "các cuộc chiến tranh khác" nhằm vào Pháp.

Đây là nhóm thánh chiến có liên hệ với tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda tại Bắc Phi (AQIM) và đã từng đe dọa tấn công các mục tiêu tại Argentina.

Trong một đoạn thoại kéo dài 20 phút, đối tượng Iyad Ag Ghaly đã tố cáo các lực lượng nổi dậy người Tuareg tại miền Bắc Mali ký thỏa thuận hòa bình với các nhóm vũ trang ủng hộ chính quyền.

Thủ lĩnh nhóm Ansar Dine còn nhắc đến cuộc tấn công đẫm máu vào tòa soạn Charlie Hebdo tại Pháp hồi tháng Một vừa qua và cho rằng "tuần báo châm biếm này đã nhận những gì đáng phải nhận."

Đối tượng này còn đưa ra tuyên bố nhằm kêu gọi tiến hành các cuộc tấn công tại Mali cũng như nhằm vào nước Pháp.

Đoạn băng này được công bố vào tháng 10, thời điểm trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Paris ngày 13/8 vừa qua. Một nguồn tin an ninh tại Mali ngày 17/11 đã xác thực đoạn băng trên của Ag Ghaly.

Trước đó, hồi cuối tháng 10, qua một cuộc điện thoại tới Đại sứ quán Argentina ở Paris, nhóm thánh chiến Ansar Dine đưa ra cảnh báo tấn công hai trung tâm thương mại ở thủ đô Buenos Aires của Argentina.

Ngay lập tức, Argentina đã triển khai các biện pháp an ninh và tăng cường giám sát mọi hoạt động khả nghi tại thủ đô Buenos Aires trong vòng 48 giờ.

Sau khi kiểm soát một vùng lãnh thổ miền Bắc Mali, nhóm Ansar Dine còn thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào miền Trung của quốc gia này, thậm chí nhằm vào các mục tiêu ở khu vực biên giới với Burkina Faso và Côte d'Ivoire.

Mali rơi vào hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự tháng 3/2012 khiến miền Bắc nước này trở thành sào huyệt của phiến quân Tuareg, vốn là nhánh khủng bố Al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM). Quân đội Pháp và các nước châu Phi đã phải can thiệp quân sự từ tháng 1/2013.

Mặc dù thỏa thuận hòa bình được ký kết vào tháng Sáu giữa Chính phủ Mali và nhóm phiến quân Hồi giáo Tuareg, nhưng một khu vực rộng lớn của quốc gia Tây Phi này vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ và các lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục