Diễn biến giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng Ba vẫn cho thấy nội lực mạnh mẽ khi VN-Index nhanh chóng vượt qua các nhịp biến động tiêu cực trong ngắn hạn.
Theo báo cáo phân tích từ Công ty Chứng khoán SSI, VN-Index đã chinh phục mốc 1.520 và khả năng cao chỉ số này sẽ hướng lên thử thách lại vùng đỉnh cũ, 1.537 điểm.
Nhịp phục hồi mạnh mẽ
Trong tháng Ba, thị trường chứng khoán trải qua 23 phiên giao dịch đầy biến động. Ghi nhận từ SSI cho thấy diễn biến thị trường chia ra hai giai đoạn rõ rệt với áp lực bán giá thấp gia tăng trong 10 phiên đầu tháng, sau đó đã lấy lại được nhịp phục hồi mạnh mẽ.
Báo cáo của SSI chỉ ra điểm đáng chú ý là sự vận động tích cực của dòng tiền, đã hướng trở lại vào một số mã vốn hóa lớn, nhờ đó VN-Index có nhịp hồi phục, đóng cửa phiên cuối tháng tại mốc 1.492,15 điểm và tăng nhẹ 2,02 điểm (+0,14%) so với tháng Hai.
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty chứng khoán SSI, cho biết nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 đã mạnh lên rõ rệt trong khi nhóm chứng khoán vốn hóa trung bình thấp gặp áp lực điều chỉnh giảm, trong bối cảnh các cơ quan chức năng đang có những động thái trong lộ trình lành mạnh hóa và phát triển bền vững thị trường chứng khoán Việt Nam.
[Đảng ủy Ủy ban Chứng khoán: Đảm bảo thị trường hoạt động ổn định]
Trên thị trường, nhà đầu tư trong nước tham gia giao dịch khá sôi động. Đặc biệt là trong các phiên điều chỉnh, lực cầu đã được kích hoạt rất tốt khi lệnh chào bán về các vùng giá thấp. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân trong tháng trên sàn HoSE đạt 24.800 tỷ đồng/phiên, tăng 14% so với tháng Hai.
Theo nhóm ngành, báo cáo chỉ ra dòng tiền trên thị trường đã lan tỏa đồng đều hơn. Cụ thể, chỉ còn nhóm cổ phiếu ngân hàng và hàng không có giá trị giao dịch suy giảm so với tháng trước. Tín hiệu, dòng tiền giao dịch trở lại và đẩy mạnh tại hầu hết các nhóm ngành. Trong đó, các nhóm ngành có thanh khoản tăng đột biến, tiêu biểu như sản xuất thép-tôn mạ, xi-măng, gỗ, phân bón và logistics, nông nghiệp, thủy sản…
“Diễn biến này phần nào cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang ưa thích các ‘chủ đề đầu tư’ bám sát câu chuyện giá cả hàng hóa và các ngành tiềm năng khi hoạt động kinh tế thương mại đang ấm dần lên sau đại dịch,” bà Phương trao đổi.
Các mã tác động mạnh nhất lên VN-Index trong tháng Ba:
Dòng vốn có tín hiệu tích cực
Về dòng vốn, trong tháng Ba, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên sàn HoSE lên đến gần 4.000 tỷ đồng và tập trung trong hai tuần đầu tiên. Điều này trùng khớp với khoảng thời gian căng thẳng Nga-Ukraine leo thang và thị trường chờ đợi kết luận cuối cùng trong cuộc họp kéo dài hai ngày 15/3 và 16/3 của Cục dự trữ liên bang Mỹ. Và, đây có thể là nguyên nhân khiến khối ngoại cơ cấu lại danh mục theo hướng thận trọng nhằm quản trị rủi ro.
Tuy nhiên, dòng vốn các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đã có sự cải thiện vào nửa cuối của tháng, trong đó quỹ VFM VNDiamond đã thực hiện thành công IPO tại thị trường Thái Lan dưới tên gọi DR "DIAMOND ETF" và bắt đầu được niêm yết và giao dịch từ ngày 31/3. Điều này mở ra kỳ vọng về khả năng thu hút dòng vốn từ nhà đầu tư Thái Lan vào Việt Nam.
Theo ghi nhận của SSI, tính chung cho quý 1, dòng vốn ETF vẫn ghi nhận mức vào ròng 172 tỷ đồng, chủ yếu lực mua đến từ Quỹ Fubon và VFM VNDiamond.
Đánh giá về triển vọng thị trường trong tháng Tư, nhóm phân tích của SSI cho rằng tâm điểm của thị trường đang hướng đến kết quả kinh quý 1 của các công ty niêm yết và kế hoạch định hướng kinh doanh năm 2022 được công bố trong mùa đại hội cổ đông sắp tới.
Theo đó, nhóm phân tích dự báo kết quả kinh doanh tại các nhóm ngành nhỏm như dịch vụ cảng biển, hóa chất, thép và các sản phẩm từ thép, dịch vụ tài chính, bán lẻ và các nhóm ngành liên quan hoạt động xuất khẩu... sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Với nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, nhóm phân tích cho rằng khả năng sẽ có triển vọng hơn trong tháng Tư sau khoảng thời gian dài giao dịch trầm lắng trước đó. Ngoại trừ hai mã CTG và VCB có thể lợi nhuận sẽ giảm khi so sánh trong cùng kỳ năm 2021, song nhìn chung các ngân hàng khác dự kiến sẽ đạt kết quả kinh doanh khả quan với tăng trưởng lợi nhuận tương đối tích cực. Dựa vào kế hoạch sơ bộ của các ngân hàng, SSI dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (năm 2022) có thể đạt khoảng 24% -25% so với cùng kỳ, theo đó cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến dao động trong khoảng 15% -35%.
Từ góc nhìn kỹ thuật, các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng khu vực 1.520 điểm của chỉ số VN-Index sẽ là mốc quan trọng cần quan sát trong tháng 4. Nếu, chỉ số chinh phục thành công mốc 1.520 điểm này với thanh khoản tốt thì khả năng cao chỉ số VNIndex sẽ có động lực hướng lên thử thách lại vùng đỉnh cũ 1.537 điểm. Ngược lại, nếu chỉ số VNIndex không duy trì được vận động trên vùng cản 1.520 điểm thì khả năng chỉ số sẽ quay lại trạng thái giằng co trong kênh giá 1.440-1.520 điểm./.