Thăng trầm nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt nhiễu Hồng Đô

Tơ Hồng Đô, xã Thiệu Đô, tỉnh Thanh Hóa vốn nổi tiếng là loại tơ mềm, đẹp, bền, từng được nhiều người ưa chuộng, tuy nhiên, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu nơi đây cũng lắm thăng trầm.
Phơi tơ. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Từ xa xưa, tơ Hồng Đô, xã Thiệu Đô, tỉnh Thanh Hóa đã nổi tiếng là loại tơ mềm, đẹp, bền, từng được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu nơi đây cũng lắm thăng trầm.

Có thời kỳ do đầu ra sản phẩm không ổn định nên nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu ở Thiệu Đô tưởng chừng như mai một.

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc triển khai nhiều giải pháp khôi phục nên nghề truyền thống của xã Thiệu Đô đang dần khởi sắc trở lại.

Về thăm làng nghề Hồng Đô thời điểm này mới cảm nhận được sự gắn bó và niềm tin hồi sinh của một làng nghề. Theo những người làm nghề tại đây, nghề dệt nhiễu cũng lắm công phu ngay từ việc nuôi tằm theo đúng quy trình để có được những chiếc kén đáp ứng đủ yêu cầu kỹ thuật.

Để có được những tấm nhiễu đẹp mịn phải trải qua gần 20 công đoạn thủ công. Trong đó, khâu chăm sóc tằm là khâu bận rộn và cẩn trọng nhất.

Để có được cân kén, búp tơ, tấm nhiễu, người trồng dâu nuôi tằm cũng phải trăn trở, toan lo, chăm chút và phải trải qua một quy trình chăn nuôi rất nghiêm ngặt với những yêu cầu kỹ thuật và kinh nghiệm nhà nghề.

Khâu dệt nhiễu cũng phức tạp không kém, để có được những tấm nhiễu đẹp, mịn thì người thợ dệt phải ngồi thật cân đối, con thoi đưa qua lại phải thật đều tay thì mới có những sản phẩm đẹp đến tay người tiêu dùng.

Dệt nhiễu là nghề truyền thống của gia đình qua bao thế hệ nối tiếp nhau, tuy nhiên đã có thời kỳ gia đình anh Lê Viết Thành ở thôn 7, xã Thiệu Đô có ý định bỏ nghề.

Nhặt tơ. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Nhưng với sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng với sự yêu nghề, gia đình anh đã vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, quyết tâm giữ gìn và phát huy nghề truyền thống.

Hiện gia đình anh đã đầu tư 5 máy dệt công nghiệp, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 10 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.

Mặc dù được sự quan tâm của các cấp chính quyền, tuy nhiên nghề dệt nhiễu Hồng Đô cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, cách đây chừng 10 năm, toàn xã có tới 11 thôn tham gia trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu với khoảng vài trăm hộ làm nghề.

Tuy nhiên, do biến động của thị trường và thời cuộc hiện xã Thiệu Đô chỉ còn 4 thôn với hơn 100 hộ còn giữ nghề truyền thống. Theo đánh giá, khó khăn lớn nhất của người làm nghề ở đây hiện nay là khâu đầu vào và đầu ra của sản phẩm.

Trước đây, người làm nghề ở Hồng Đô có thể mua nguyên liệu kén ở các huyện lân cận như Thọ Xuân, Yên Định… nhưng đến nay, do thu nhập từ trồng dâu không cao, nên người nông dân đã chuyển đổi mô hình sang trồng các loại cây nông nghiệp có năng suất cao hơn. Thiếu nguyên liệu cũng là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của làng nghề.

Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, trước kia nhiễu Hồng Đô có thể tiêu thụ trong nước, nhưng hiện nay trong nước không có thị trường tiêu thụ, các hộ làm nghề phải xuất sang các nước láng giềng như Lào, Thái Lan… theo đường tiểu ngạch nên bấp bênh và độ rủi ro cao…

Ươm tơ. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Thiếu lao động trẻ sáng tạo để tiếp tục gìn giữ và phát huy nghề truyền thống cũng là nguyên nhân khiến nghề này đang dần mai một.

Hầu hết con em trong xã lớn lên đi học văn hóa, học nghề, làm công nhân cho các nhà máy may, giầy da lân cận.

Số còn lại còn làm nghề là những người thực sự có tâm huyết, muốn gìn giữ và phát huy nghề truyền thống nên làm cầm chừng. Có người làm vì đam mê, vì nhớ nghề nên hiệu quả kinh tế không cao…

Cùng đó, vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình phải bỏ nghề. Hiện mỗi hộ làm nghề ở Thiệu Đô chỉ vẻn vẹn 100m2 cả sinh hoạt và sản xuất. Các hộ làm nghề đều nằm trong khu dân cư nên nguồn nước thải chưa được xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống…

Anh Lê Viết Thành cho biết, trước khó khăn về mặt bằng sản xuất anh và hàng trăm hộ làm nghề tại đây đều có chung mong muốn đơn vị thi công sớm bàn giao mặt bằng công trình Khu làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu đang chậm tiến độ để các gia đình có điều kiện thuận lợi mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Để giữ nghề và tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, kinh doanh, năm 2013, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Quyết định số 2842 đồng ý xây dựng cơ sở hạ tầng Làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa trên diện tích 25.000m2, từ nguồn kinh phí của Ủy ban Nhân dân tỉnh, huyện Thiệu Hóa và xã Thiệu Đô.

Nuôi tằm lấy tơ. (Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN)

Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 5/2015 nhưng, đến nay sau gần 4 năm triển khai, dự án này mới chỉ hoàn thành được 50% khối lượng. Trong khi đó, hàng trăm hộ dân vẫn đang mòn mỏi chờ đợi mặt bằng mới để tiếp tục mở rộng sản xuất, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay…

Giai đoạn 2013-2016, Ủy ban Nhân dân huyện Thiệu Hóa cũng đã triển khai nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Thiệu Đô. Cụ thể, hỗ trợ 15 triệu đồng/ha cho các tổ chức, hộ gia đình tham gia nghề trồng dâu, nuôi tằm. Trong đó, hỗ trợ 5 triệu đồng cho việc mua giống mới để thay thế giống cũ và 10 triệu đồng cho việc đào phá gốc dâu cũ đã kém năng suất, hiệu quả.

Đối với dự án Khu làng nghề ươm tơ dệt nhiễu đang chậm tiến độ, Ủy ban Nhân dân xã Thiệu Đô đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, yêu cầu đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công làng nghề để di chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư…

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân xã cũng xây dựng dự án “Khôi phục và phát triển làng nghề giai đoạn 2010-2016.”

Theo đó, giai đoạn 1 (năm 2014), hỗ trợ các hộ 50 triệu đồng mua hạt dâu giống; giai đoạn 2 (năm 2015) hỗ trợ 200 hộp giống tằm; giai đoạn 3 (năm 2016) hỗ trợ 15 máy móc phục vụ việc dệt nhiễu…

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ - Thương mại Tơ Tằm Thanh Đức (xã Thiệu Đô) là một trong những doanh nghiệp lớn trên địa bàn kinh doanh và sản xuất nhiễu Hồng Đô theo quy trình khép kín. Vượt qua thăng trầm của thời cuộc, đến nay công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động với mức thu nhập ổn định.

Để tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm, công ty đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa xây dựng logo bảo hộ cho sản phẩm tơ tằm Hồng Đô.

 

Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã phê duyệt dự án xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tơ Hồng Đô” cho sản phẩm tơ truyền thống tại xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa.

Đây là cơ hội để sản phẩm Tơ Hồng Đô nâng cao giá trị, danh tiếng, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đồng thời, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người làm nghề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục