"Tháng Nhân đạo" năm 2021 có chủ đề "Vì một cộng đồng an toàn"

Tháng Nhân đạo năm 2021 được Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam thực hiện trong tháng 5 với các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống dịch COVID-19.
Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam tặng quà cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn do dịch trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Ngày 17/3, theo thông tin từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, 2021 là năm đầu tiên "Tháng Nhân đạo" được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai chính thức trong toàn hệ thống Hội sau 3 năm triển khai thí điểm (2018-2020).

Năm nay, Tháng Nhân đạo có chủ đề "Vì một cộng đồng an toàn."

"Tháng Nhân đạo" năm 2021 được thực hiện trong tháng 5, trong đó hai tuần cao điểm từ ngày 8/5 (Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế) đến ngày 19/5 (Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và là Chủ tịch Danh dự đầu tiên của Hội).

Trong tháng, các cấp Hội sẽ tăng cường các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường vận động nguồn lực chung tay phòng, chống dịch bệnh trong tình hình mới, hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Các hoạt động sẽ được tổ chức rộng khắp trong toàn hệ thống Hội, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và của cấp Hội; phát huy được vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong công tác nhân đạo và hoạt động Chữ thập đỏ.

[Chữ thập Đỏ Việt Nam hỗ trợ tích cực phòng, chống dịch COVID-19]

Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam yêu cầu, các tỉnh, thành phố tổ chức Lễ phát động Tháng Nhân đạo theo điều kiện, hình thức phù hợp với diễn biến của dịch COVID-19 tại địa phương; lồng ghép các hoạt động khác như chợ nhân đạo, vận động hiến máu tình nguyện, khám bệnh miễn phí, kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, phát động xây dựng công trình nhân đạo hướng tới kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Các cấp Hội tổ chức tuyên truyền sâu rộng các giá trị nhân đạo, mục đích, ý nghĩa của Tháng Nhân đạo, hoạt động của cấp Hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo chí của Hội trước, trong và sau Tháng Nhân đạo.

Toàn hệ thống Hội phấn đấu trợ giúp ít nhất 150.000 lượt người có hoàn cảnh khó khăn với hình thức, mức trợ giúp thích hợp; ít nhất 10.000 địa chỉ nhân đạo được giới thiệu, kết nối hỗ trợ thông qua hệ thống iNHANDAO, trong đó mỗi xã/phường/thị trấn giới thiệu được ít nhất một địa chỉ mới. Mỗi tỉnh, thành Hội đăng ký nhận đỡ đầu 12 hộ có hoàn cảnh khó khăn, toàn Hội đỡ đầu 750 hộ.

Mỗi tỉnh, thành Hội đăng ký một công trình nhân đạo; mỗi cụm thi đua có một công trình nhân đạo chung. Toàn Hội có 75 công trình nhân đạo tiêu biểu, trị giá thấp nhất 100 triệu đồng/công trình; Trung ương Hội xây dựng 75 nhà chống lũ.

Tháng Nhân đạo được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức từ năm 2018. Qua 3 năm triển khai, các cấp Hội đã vận động được gần 1.700 tỷ đồng, vượt trên 150% so với bình quân giá trị hoạt động các tháng trong năm; trợ giúp trên 2.250.000 lượt người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng hơn 400 công trình nhân đạo ở các cấp Hội.

Những kết quả đạt được của Tháng Nhân đạo qua các năm đã tạo điểm nhấn mới, nâng cao kết quả công tác nhân đạo, khẳng định vai trò, sứ mệnh nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh; thể hiện rõ vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục