Theo đại diện một số doanh nghiệp cung cấp thang máy, thang cuốn, trước khi đưa vào vận hành, các thiết bị này đều phải tuân thủ quy trình kiểm định nghiêm ngặt của đơn vị, tổ chức được cơ quan nhà nước chỉ định kiểm định.
[Trung Quốc gặp ác mộng thang máy, thêm một cô gái bị kẹt đứt đầu]
Thông tư số 07/2014/TT-BLĐTBXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (ký ngày 6/3/2014) đã ban hành 27 quy trình kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Trong đó, thang cuốn và băng tải chở người; thang máy điện chiếm vị trí thứ 2 và thứ 3 trong tổng số 27 quy trình nói trên.
Cụ thể, khi tiến hành kiểm định, cơ quan kiểm định phải tiến hành theo các bước như: Kiểm tra hồ sơ, lý lịch thiết bị; kiểm tra bên ngoài; kiểm tra kỹ thuật - thử không tải; các chế độ thử tải - phương pháp thử và cuối cùng là xử lý kết quả kiểm định.
Các thiết bị dùng để kiểm định gồm thiết bị đo điện trở cách điện; thiết bị đo điện trở tiếp đất; thiết bị đo dòng điện; thiết bị đo hiệu điện thế; thiết bị đo vận tốc dài và vận tốc quay; các dụng cụ, thiết bị đo lường cơ khí: đo độ dài, đo đường kính, đo khe hở…
Việc tiến hành kiểm định phải được áp dụng đúng trình tự, theo các Tiêu chuẩn Việt Nam đã được xây dựng như TCVN 3697: 2010; TCVN 6395: 2008, TCVN 6904:2001, TCVN 6906: 2001.
Khi kết quả kiểm định đạt tiêu chuẩn, cơ quan kiểm định sẽ cấp giấy Chứng nhận kết quả kiểm định và dán tem kiểm định cho thiết bị ở vị trí dễ quan sát.
Quy định cũng nêu rõ, thời hạn kiểm định định kỳ là 4 năm. Đối với thang cuốn, băng tải chở người có thời hạn sử dụng trên 12 năm thì thời hạn kiểm định định kỳ là 2 năm. Đối với thang máy điện đã sử dụng trên 20 năm thì thời hạn kiểm định định kỳ là 1 năm.
Trong trường hợp nhà chế tạo quy định hoặc cơ sở yêu cầu thời hạn kiểm định ngắn hơn thì thực hiện theo quy định của nhà chế tạo hoặc yêu cầu của cơ sở.../.