Thăng hạng, giá trị thương hiệu Việt vẫn còn ở mức ‘khiêm tốn’?

Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018, lên thứ 43 nhờ đóng góp của chương trình thương hiệu quốc gia.
Thăng hạng, giá trị thương hiệu Việt vẫn còn ở mức ‘khiêm tốn’? ảnh 1Năm 2018, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD. (Ảnh:Vietnam+)

Tăng 2 bậc năm 2018, song giá trị thương hiệu Việt vẫn còn ở mức khiêm tốn và cần phải có sự nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía.

Đây cũng là nội dung được đưa ra thảo luận tại “Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức, sáng 17/4, tại Hà Nội.

[Chương trình Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia bắt đầu từ ngày 15/4]

Vẫn chủ yếu xuất thô, gia công và lắp ráp

Theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh.

Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của chương trình thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

Dù vậy, nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam vẫn chưa đóng góp nhiều cho kim ngạch xuất khẩu. Bởi theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận Trung ương, Việt Nam vẫn chưa có những thương hiệu uy tín nên giá trị thu được rất thấp.

Ông cũng cho rằng tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và đến nay Việt Nam vẫn chỉ được xem là nước xuất khẩu nguyên liệu thô, gia công, lắp ráp cung cấp các yếu tố đầu vào cho các tập đoàn lớn để họ tạo nên những thương hiệu lớn.

"Do vậy việc xây dựng Thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày nay càng trở thành yêu cầu cấp bách đối với đất nước và doanh nghiệp Việt Nam,” Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thạo nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc thiếu quyết liệt trong việc xây dựng và quản trị thương hiệu đang là một yếu kém tồn tại của nhiều doanh nghiệp.

Thậm chí, một bộ phận doanh nghiệp vẫn chưa thực sự coi thương hiệu là công cụ để đưa sản phẩm đến người tiêu dùng.

Thêm vào đó, vấn đề nguồn lực cho đầu tư phát triển thương hiệu của sản phẩm doanh nghiệp vẫn còn có những hạn chế nhất định.

“Công tác quảng bá xúc tiến hình ảnh còn chưa làm được toàn diện đồng bộ và có hệ thống, hơn nữa một bộ phận sản phẩm của chúng ta chưa có thương hiệu mạnh mẽ trên thị trường trong nước và quốc tế,” Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phân tích thêm.

Thăng hạng, giá trị thương hiệu Việt vẫn còn ở mức ‘khiêm tốn’? ảnh 2Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Diễn đàn Thương hiệu. (Ảnh:Vietnam+)

Mấu chốt nằm ở khâu Xúc tiến, quảng bá

Không phải ngẫu nhiên mà các thương hiệu lớn trên thế giới đều gắn với các doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế lớn, các nền kinh tế lớn.

Với tư cách là một khách hàng, người tiêu dùng, ông Antonino Tedesco, Trưởng ban Kinh tế và Thương mại, Đại sứ quán Italy tại Hà Nội cho rằng, nhiều sản phẩm của Việt Nam dù rất tốt và uy tín, song khâu xúc tiến quảng bá thương hiệu ra nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.

Do vậy, để khắc phục được yếu điểm này, ông cho rằng, ngoài việc tận dụng mạng lưới các Tham tán, Phòng Thương mại tại nước ngoài, thì Việt Nam cần huy động nguồn lực từ cộng đồng người Việt trên thế giới, thông qua họ để quảng bá văn hóa, sản phẩm của Việt Nam đến tay khách hàng.

Đặc biệt, khi xây dựng thương hiệu, chuyên gia này cũng lưu ý phía Việt Nam cần chú ý hơn đến mục tiêu, phạm vi và chiến lược để thực hiện có hiệu quả và hơn nữa là phải chú trọng đến việc bảo vệ thương hiệu của hàng hóa trong quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia.

“Chúng ta không giới thiệu riêng lẻ thương hiệu của một cá nhân nào mà nên giới thiệu các thương hiệu tập thể nhằm tiếp cận một cách rộng rãi hơn trên thế giới,” ông Antonino Tedesco cho hay.

Về phía cơ quan nhà nước, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới nhằm tạo ra sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch, từ đó xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam trở thành hình ảnh tích cực, hấp dẫn và thu hút đối với các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, Chương trình sẽ triển khai công nhận các nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông cho các thương hiệu này.

Ví dụ như nhãn lồng Hưng Yên, Bưởi Diễn, cam Canh hay vải Thanh Hà là thương hiệu vùng mà trong thời gian tới có thể xem xét công nhận là thương hiệu quốc gia nhằm quảng bá các đặc sản vùng miền của Việt Nam ra thị trường trong và ngoài nước./.

Thứ trưởng Bộ Công Thương nói về việc xây dựng Thương hiệu quốc gia
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục