Tháng Hai vẫn là tháng tăng mạnh nhất của giá vàng

Dù giảm liên tiếp trong 3 phiên cuối tháng nhưng tính chung cả tháng Hai, giá vàng vẫn tăng gần 7% - mức tăng lớn nhất trong vòng 7 tháng qua.

Giá vàng đã đi lên liên tiếp trong hai phiên đầu tuần nhờ nhà đầu tư quay trở lại với vàng, vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn, do những quan ngại về thực trạng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc, cùng tình hình căng thẳng gia tăng tại Ukraine.

Tuy nhiên, giá vàng đã quay đầu giảm mạnh trong hai phiên 26 và 27/2 vừa qua, chủ yếu do đồng bạc xanh tăng giá cùng thông tin tích cực từ thị trường nhà đất Mỹ (doanh số bán nhà mới dành cho hộ độc thân trong tháng Một vừa qua đã tăng vọt gần 10%, lên mức cao nhất trong 5 năm rưỡi qua).

Trong phiên 26/2 vừa qua tại New York, giá vàng giao ngay đã giảm 0,8% xuống 1.328,80 USD/ounce - đánh dấu phiên giảm theo ngày lớn nhất trong gần một tháng.

Đà giảm tiếp tục lan sang phiên cuối tuần 28/2 vừa qua trong bối cảnh thị trường cổ phiếu lại tăng mạnh. Giá vàng tiếp tục suy yếu bất chấp đồng USD trong phiên này sụt giảm, rơi xuống mức thấp nhất trong hai tháng trong giỏ tiền tệ sau thông tin Bộ Thương mại Mỹ hạ dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong quý 4/2013 từ 3,2% xuống còn 2,4%.

Đóng cửa phiên cuối tuần 28/2 vừa qua, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống chốt tuần ở mức 1.324,26 USD/ounce, thấp hơn 20 USD so với mức cao nhất bốn tháng là 1.345,35 USD/ounce được lập vào phiên thứ Tư (ngày 26/2 vừa qua). Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn tháng Tư tới đây cũng giảm 10,20 USD/ounce so với phiên trước, xuống chốt tuần ở 1.321,60 USSD/ounce.

Tuy nhiên, dù giảm liên tiếp trong ba phiên cuối tháng, song tính chung trong cả tháng Hai, giá vàng vẫn tăng được gần 7% - mức tăng lớn nhất trong vòng bảy tháng qua. Mức tăng này được các nhà phân tích cho rằng chủ yếu là do bức tranh kinh tế ảm đạm tại hai cường quốc kinh tế Mỹ và Trung Quốc, cùng những bất ổn chính trị cúng như kinh tế và xã hội tại Ukraine.

Nhận định về trung hạn, Mark Keenan, Chủ tịch Commodities Research - Asia tại Societe Generale (đặt trụ sở tại Singapore), cho rằng giá vàng có nhiều khả năng đi xuống, do những yếu tố cơ bản làm động lực hậu thuẫn cho giá vàng như lạm phát cao, chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất thấp có thể sẽ không còn kéo dài do kinh tế Mỹ ngày càng cải thiện.

Trong khi đó, theo Phillip Streible, nhà môi giới hàng hóa cấp cao tại RJ O'Brien, nhịp điều chỉnh này có thể sẽ còn kéo dài khi các điều kiện kinh tế khởi sắc hơn sẽ tiếp tục gây sức ép lên thị trường vàng.

Ngoài ra, giá vàng còn chịu sức ép đi xuống trước thông tin lượng vàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Hong Kong đã giảm 5,4% trong tháng Một vừa qua, xuống còn 89,745 tấn, so với 94,847 tấn cùng kỳ năm 2013. Con số này cho thấy nhu cầu vàng tại quốc gia tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới này đã giảm xuống so với mức cao kỷ lục trong năm 2013.

Một số nhà phân tích khác cũng đồng tình với những nhận định trên khi cho rằng giá vàng khó có thể tiếp tục tăng trong trung hạn.

Ngoài ra, việc thị trường vàng ngày càng thiếu vắng những hoạt động mua vào với khối lượng lớn, cùng việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) rút giảm dần quy mô chương trình kích thích kinh tế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến giá vàng, vốn được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn.

Một nhà giao dịch tại Singapore nhận định giá vàng trong thời gian tới có thể sẽ dao động trong biên độ hẹp từ 1.300-1.350 USD/ounce./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục