Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 12/5 công bố báo cáo sơ bộ cho hay thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tài khóa 2013 đã xuống mức thấp nhất kể từ khi số liệu này được thu thập hồi tài khóa 1985, do nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch tăng vọt đã đẩy thâm hụt thương mại tăng lên đáng kể.
Trong tài khóa 2013, do thâm hụt thương mại hàng hóa chạm mức cao kỷ lục 10.860 tỷ yen (hơn 106,5 tỷ USD), thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản chỉ đạt 789,9 tỷ yen (7,75 tỷ USD), giảm 81,3% so với cùng kỳ tài khóa 2012.
Như vậy, với kết quả này, thặng dư tài khoản vãng lai của Đất nước Hoa anh đào đã giảm trong ba tài khóa liên tiếp kể từ sau trận động đất-sóng thần hồi tháng 3/2011 ở miền Đông Bắc Nhật Bản, gây ra sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.
Trong tài khóa 2013 (kết thúc ngày 31/3 vừa qua), kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng 12,2% lên 69.800 tỷ yen (684,7 tỷ USD) nhờ đồng yen xuống giá, song giá trị nhập khẩu tăng tới 19,6% lên 80.670 tỷ yen (gần 791,4 tỷ USD). Do đó, cán cân thương mại hàng hóa của Nhật Bản trong thời gian này đã bị thâm hụt trong tài khóa thứ ba liên tiếp.
Bên cạnh đó, nước này cũng phải tăng cường nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt, do nhiều nhà máy điện hạt nhân bị đóng cửa trong thời gian dài. Cụ thể, nhập khẩu dầu thô của nước này tăng 18,4% và nhập khẩu khí hóa lỏng tăng 18,2%.
Tài khóa 2013, đồng yen Nhật đã giảm 20,8% so với đồng USD và giảm 25,7% so với đồng euro so với cùng kỳ tài khóa 2012. Việc đồng yen xuống giá tuy có lợi cho xuất khẩu nhưng lại đẩy giá nhập khẩu của nước này tăng mạnh, do Nhật Bản phải nhập khẩu tới trên 90% khối lượng năng lượng sử dụng trong nước./.