Tháng 9, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ kịch bản giá điện Mặt Trời

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin giá điện Mặt Trời tới đây sẽ không còn chung một mức giá 9,35 cent/kWh mà sẽ chia ra nhiều mức ra theo từng vùng bức xạ nhiệt.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời Nhà máy Điện Mặt trời Xuân Thọ 1 và 2. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)
Hệ thống pin năng lượng mặt trời Nhà máy Điện Mặt trời Xuân Thọ 1 và 2. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Ngày 1/8, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 31/7, Bộ Công Thương đã báo cáo Thường trực Chính phủ về kịch bản giá điện Mặt Trời mới trên cơ sở nghiên cứu, tham vấn ý kiến các chuyên gia, tổ chức quốc tế.

Tuy nhiên, trước góp ý của các thành viên Chính phủ, Bộ, ngành, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện lại kịch bản giá điện Mặt Trời mới theo 2 vùng và trình Chính phủ vào 15/9.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thông tin thêm, giá điện Mặt Trời tới đây sẽ không còn chung một mức giá 9,35 cent/kWh mà sẽ chia ra nhiều mức ra theo từng vùng bức xạ nhiệt.

Việc để một giá điện Mặt Trời cho tất cả các vùng bức xạ như vừa qua là không còn phù hợp. Trong các kịch bản đưa ra trước đây, Bộ Công Thương đề xuất 4 mức giá tương ứng cho 4 vùng bức xạ Mặt Trời.

Tuy nhiên, sau đó Bộ cũng đưa ra phương án 2 mức giá sau khi nhận góp ý từ các Bộ, ngành và Thường trực Chính phủ. Ở kịch bản này, vùng 1 gồm 6 tỉnh có bức xạ nhiệt cao (Bình Thuận, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Phú Yên...) và vùng 2 là các tỉnh còn lại. Giá điện Mặt Trời theo cách phân 2 vùng lần lượt là 1.916 đồng/kWh (8,38 cent) và 1.758 đồng/kWh (7,09 cent).

[Khởi động chương trình thúc đẩy phát triển điện Mặt Trời mái nhà]

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, tổng công suất điện Mặt Trời theo đề xuất của các nhà đầu tư đã lên đến khoảng 25.000 MW, còn điện gió là 16.500 MW. Đến hết tháng 6, đã có 89 nhà máy điện Mặt Trời đưa vào vận hành với tổng công suất gần 4.500MW.

Hiện gần 400 dự án điện Mặt Trời đang chờ được bổ sung vào quy hoạch, nhưng đang vướng quy định Luật Quy hoạch mới (hiệu lực từ 1/1/2019). Cũng tại phiên họp báo, trả lời về vấn đề giám sát chặt việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, qua rà soát bước đầu cho thấy, lãi suất huy động hiện chưa có xu hướng biến động đáng ngại.

Hiện các ngành chức năng vẫn phải tiếp tục theo dõi, đánh giá, nếu có bất thường, ảnh hưởng thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính sẽ có giải pháp phù hợp. Thứ trưởng Vũ Thị Mai thông tin, đến thời điểm 24/6/2019, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 10,2% GDP, tăng 19,2% so với cuối năm 2018.

Trong 7 tháng, tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các công ty đại chúng là 3. 000 tỷ đồng, tương đương 63,8% so năm 2018; trong đó, doanh nghiệp ngành tài chính ngân hàng chiếm 42% và doanh nghiệp bất động sản chiếm 22%.

Nguyên nhân là do mặt bằng lãi suất huy động cho vay của ngân hàng thương mại đều tăng trong năm 2019; trong đó, lãi suất của doanh nghiệp bất động sản năm 2019 ở mức trên 10% và phổ biến ở mức 10-12%.

Riêng trong đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp Công ty cổ phần Phát triển Phát Đạt có mức phát hành cổ phần cao từ 12-14,5%. Đây là một trong những doanh nghiệpnghiệp có lãi suất phát hành cao nhất và là cá biệt.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, việc thắt chặt tín dụng đối với ngành bất động sản là nguyên nhân khiến cho việc các sàn bất động sản trên thị trường phải huy động vốn với lãi suất cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn so với ngành khác.

Về vụ việc Asanzo, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho hay, đến nay chưa có kết luận chính thức và Thủ tướng đã có chỉ đạo các ngành chức năng như công an, tài chính... xác minh vụ việc này.

Tuy nhiên, qua xác minh ban đầu vụ việc này liên quan đến 38 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến Asanzo cũng như các siêu thị nhà bán lẻ... Về vụ việc này, khi có đầy đủ thông tin, các cơ quan chức năng sẽ thông tin với các cơ quan báo chí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục