Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh - đầu tàu kinh tế của cả nước và nhiều tỉnh thành khác tại khu vực phía Nam khiến hoạt động xuất khẩu trong tháng Bảy có phần chững lại.
Xuất khẩu giảm tốc
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước đạt 27 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước.
Cụ thể hơn, trong tháng Bảy, kim ngạch xuất khẩu của nhóm nông, lâm, thủy sản giảm 5,6%, đạt 2,38 tỷ USD. Nhóm nhiên liệu và khoáng sản giảm 55,1% so với tháng 6/2021; trong khi nhóm công nghiệp chế biến chỉ tăng 0,9%.
[Đơn hàng vẫn khả quan bất chấp dịch bệnh phức tạp]
Tuy nhiên, tính chung bảy tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn tăng 25,5%, đạt 185,33 tỷ USD.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường-Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), nhận định với tình hình dịch bệnh COVID-19 đang hết sức phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn có giao thương nhiều thì dự báo tới tháng 9/2021, hoạt động sản xuất kinh doanh mới có thể trở lại như trước thời điểm của đợt bùng phát dịch hồi cuối tháng 4/2021.
Đáng chú ý, ngành may mặc, với các nhà máy quy mô lớn nhiều lao động, đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất kể từ khi phát sinh dịch bệnh COVID-19 đến nay.
“Các doanh nghiệp cần phải có phương pháp đề chủ động nắm bắt thông tin, thực hiện phương án linh hoạt như chia nhỏ nguồn lực, tích cực tổ chức họp theo hình thức trực tuyến nhằm giảm thiểu những tác động từ công tác truy vết khoanh vùng…,” lãnh đạo Vinatex nói.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2021 ước đạt 28,7 tỷ USD, tăng 3,8% so với tháng trước. Tính chung bảy tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 188,03 tỷ USD, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 165,36 tỷ USD, tăng 34,5%, chiếm 87,9% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Như vậy, trong tháng Bảy, cả nước nhập siêu khoảng 1,7 tỷ USD. Tính chung bảy tháng năm 2021, con số nhập siêu là 2,7 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 8,69 tỷ USD).
Tập trung giải pháp khởi thông thị trường
Có thể thấy kết quả xuất khẩu bảy tháng qua vẫn duy trì tăng trưởng hai con số là một nỗ lực rất lớn của cộng động doanh nghiệp và việc điều hành kinh tế vĩ mô.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, mức tăng 25,5% của xuất khẩu tiếp tục là dấu hiệu lạc quan trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng.
Ông cũng dự báo hoạt động thương mại thời gian tới còn nhiều dư địa để tăng trưởng, trong đó các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang dần được thực thi một cách toàn diện hơn, hiệu quả hơn, được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy các ngành xuất khẩu của Việt Nam.
- Cán cân thương mại tháng 7/2021 của Việt Nam:
Đơn cử, với hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA) sau một thời gian thực thi đã đem lại những “trái ngọt” ban đầu.
Tính riêng trong nửa đầu năm 2021, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế EVFTA với hàng xuất khẩu lên đến 29,09%.
Nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể như: Sản phẩm từ cao su tăng 56,91%; gạo tăng 3,73; sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng 33,75%; rau quả tăng 12,5%...
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và để hoàn thành các mục tiêu đề ra, lãnh đạo Bộ Công Thương giao Cục công nghiệp làm đầu mối, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nắm bắt được những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, nhất là trong các khu công nghiệp, chế xuất…, từ đó có những giải pháp, đề xuất kịp thời để tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất.
Ông Hải cũng chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại phải có những biện pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản cấp bách cho các địa phương đang có nông sản vào thời vụ thu hoạch; trong đó ưu tiên tập trung tiêu thụ tại thị trường trong nước.
Về phía Cục Xúc tiến thương mại, lãnh đạo đơn vị này cho biết với kinh nghiệm xúc tiến trực tuyến quả vải thiều ở Bắc Giang, Hải Dương, quả nhãn lồng Hưng Yên…, tới đây cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của bộ, địa phương và doanh nghiệp tiếp tục tổ chức xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương, đặc biệt là nông sản, thủy sản của các tỉnh khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên.
“Định hướng trong thời gian tới, cục sẽ xây dựng kế hoạch xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương theo nhóm hàng, chứ không riêng lẻ từng mặt hàng. Cùng với đó, cục cũng tập trung hỗ trợ kết nối các nhà xuất-nhập khẩu, kết nối tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử,” lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại cho hay.
Hơn nữa, nhằm tạo luồng hàng thông thoáng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh như hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Công văn số 4699/BCT-XNK gửi Thủ tướng Chính phủ nhằm kiến nghị một số giải pháp cải thiện tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu cơ chế cho phép cảng Cát Lái vận chuyển container hàng nhập khẩu nói chung, trong đó có cả loại container tồn đọng trên 90 ngày từ cảng Cát Lái về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng tại các cơ sở của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn là cảng Tân cảng Hiệp Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), các ICD Tân cảng Long Bình, ICD Tân cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai), ICD Tân cảng Sóng Thần (Bình Dương). Qua đó giảm tải và tăng năng lực chứa tại cảng Cát Lái, giảm tình trạng ùn tắc hiện nay.
Bộ cũng kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine chống dịch COVID-19 cho những người công tác tại cảng, kể cả các nhân viên giao nhận, lái xe; xem xét giảm giá lưu container, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng Cát Lái của các doanh nghiệp đang bị dừng sản xuất do tác động của dịch COVID-19./.